Từ quốc gia coi “tiền mặt là vua” đến giá trị thanh toán số đạt hơn 230 tỷ USD
Tại quốc gia này, từ lâu người tiêu dùng đã coi “tiền mặt là vua”. Họ tin tưởng vào hệ thống vật lý có thể thấy được hơn là một hình thức vô hình nào đó.
“Tiền mặt là vua”
Đức là nền kinh tế đầu tàu EU cũng như nổi tiếng với trình độ kỹ thuật công nghệ. Nhưng đây cũng là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao nhất châu Âu. Tại Berlin, nhiều cửa hàng và nhà hàng vẫn treo các biển “Chỉ dùng tiền mặt” (Cash only).
Theo trang tin NPR, khi nhiều nơi đã nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ thanh toán kỹ thuật số thì người Đức vẫn ưa chuộng sử dụng đồng Euro của mình. Họ cho rằng tiền mặt dễ sử dụng và nhanh hơn nhiều. Đây cũng là cách giúp họ kiểm soát chi tiêu và giữ cho các giao dịch của mình được riêng tư.
Chị Madeleine Petry, một người dân tại Berlin chia sẻ: “Tôi thường chi tiêu bằng tiền mặt. Việc này giúp tôi theo sát được các chi tiêu của mình. Nếu không thể đến cây ATM, tôi sẽ sử dụng thẻ ghi nợ. Tôi chỉ sử dụng thẻ tín dụng cho việc mua sắm trực tuyến”.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Deutsche Bundesbank, trung bình một người Đức mang theo 107 EUR (khoảng 107 USD) tiền mặt trong người, gấp 3 lần người Pháp. Trong khi đó, khảo sát của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, 75% số người khảo sát mang ít hơn 50 USD tiền mặt trong người và 25% nói họ mang ít hơn 10 USD tiền mặt.
Bà Doris Neuberger, Trưởng Khoa Tiền tệ và ứng dụng của Đại học Rostock cho biết, lý do người Đức yêu thích tiền mặt là vì họ muốn bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo các khoản thanh toán bảo mật, riêng tư và có thể sử dụng trong mọi trường hợp.
Thanh toán không tiền mặt trở thành việc bắt buộc
Tuy nhiên, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã thay đổi mọi thứ và lần đầu tiên, tiền mặt không được khuyến khích sử dụng tại đất nước này.
Theo Ingenico, tháng 1/2020, khoảng 40% giao dịch tại Đức là giao dịch không tiếp xúc và đến cuối năm 2021, con số này đã tăng lên 60% với doanh thu đạt gần 97 tỷ USD, gấp đôi năm 2019.
Các nhà bán lẻ lớn tại quốc gia này như Rewe, Edeka, Metro,... đều tận dụng cơ hội khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch không tiền mặt và không tiếp xúc. Tờ rơi, áp phích, quảng cáo về thanh toán không tiền mặt được triển khai, các cửa hàng cũng bắt đầu treo biển “Chỉ thanh toán qua thẻ” (Card only).
Girocard là một trong những dịch vụ thẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này. Với việc thị phần doanh thu tăng lên 25 tỷ USD, Girocard thống trị cơ cấu thanh toán mảng bán lẻ, vượt qua cả thẻ tín dụng. Trong nửa đầu năm 2021, sau khi trải qua thêm một đợt lockdown nữa, các giao dịch của Girocard đã tăng thêm 4,7%, doanh thu đạt gần 115 tỷ USD.
Dịch vụ thẻ Girocard cũng được phát hành phiên bản kỹ thuật số. Theo Ingenico, đây là một trong những động lực chính thúc đẩy thanh toán di động tăng lên 10% trong tổng số giao dịch không tiếp xúc. Việc sử dụng smartphone cùng sự bổ sung về bảo mật, ngày càng được dùng rộng rãi để thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ. Ngân hàng Sparkassen, ngân hàng Volksbanken Raiffeisenbanken cùng một số ngân hàng tư nhân khác đều đang cung cấp dịch vụ thanh toán di động với tài khoản số Girocard hoạt động trên cả Android và iOS.
Tổng giá trị thanh toán số đạt hơn 230 tỷ USD
Theo một nghiên cứu của Initiative Deutsche Zahlungssysteme, có tới 93% người thanh toán qua điện thoại cho rằng đây là phương tiện dễ dùng và 71% nói không có vấn đề gì nếu bỏ qua tiền mặt. 44% người dân xác nhận rằng sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán kỹ thuật số, kể cả sau khi đại dịch.
Bà Ratna Sita, Trưởng nhóm nghiên cứu khu vực DACH tại Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International cho rằng, sự thay đổi đột ngột về hành vi thanh toán của người tiêu dùng là để đối phó với dịch bệnh.
Theo nghiên cứu của viện EHI trụ sở tại Cologne, đến hết năm 2021, chỉ khoảng 38,5% doanh số bán lẻ tại các cửa hàng được thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch, con số này chiếm gần một nửa toàn bộ giao dịch, khoảng 46,5%.
Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Postbank (Đức) cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng thanh toán mới này. 30% người dùng thanh toán di động họ dùng tiền mặt ít hơn vì dịch bệnh và các cửa hàng họ đến đều khuyến khích thanh toán không tiền mặt. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, trong năm 2022, 60% dân số tại Đức đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt bằng thẻ, điện thoại di động hoặc cả 2.
Dữ liệu cập nhật từ Statista cho biết, tổng giá trị giao dịch kỹ thuật số vào năm 2021 của nước Đức đạt 211,97 tỷ USD. Trong đó, thanh toán cho thương mại điện tử đạt 184,4 tỷ USD, thanh toán qua điện thoại đạt 19,76 tỷ USD và tiền gửi đạt 7,81 tỷ USD.
Năm 2022, dự báo tổng giá trị thanh toán số tại Đức sẽ đạt 232,5 tỷ USD. Trong đó, thanh toán thương mại điện tử đạt gần 200 tỷ USD và thanh toán qua điện thoại đạt 25,64 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm của tổng giá trị giao dịch được dự báo ở mức 12,44% và đến năm 2027 sẽ đạt gần 418 tỷ USD.
Tham khảo: Ingenico, NFCW, NPR...