Từ những vụ đuối nước rất đau lòng

Chia sẻ Facebook
07/07/2023 08:25:07

Liên tục những ngày vừa qua, nhiều tin đuối nước khiến chúng ta vừa giật mình vừa thương xót. Hoàn cảnh nào cũng từ đáng thương tới rất đáng thương.

Đấy là vụ ba anh em từ 6 tới 9 tuổi theo ba mẹ ra sông bắt hến và bị chết đuối. Gia đình này rất nghèo, ba mẹ đi bắt hến về bán nuôi con. Hôm ấy ba anh em đi cùng và sa xuống hố sâu dẫu sông cạn.

Đấy là vụ một bác sĩ rất giỏi, sống rất tốt ở Tp.HCM, cùng đồng nghiệp và học trò ra Phan Thiết nghỉ cuối tuần, tắm biển và tử vong vì sóng cuốn.

Đấy là hai vụ mới nhất được thông tin trên báo. Có thể có nhiều vụ nữa mà không nhiều người biết.

Và năm nào cũng thế, cứ hè là các vụ đuối nước gia tăng, có thể nguyên nhân là các cháu học sinh được nghỉ hè, tự đi tắm theo bạn, hoặc theo gia đình đi du lịch vùng sông biển. Và những việc đau lòng xảy ra, năm nào cũng có.

Nước ta nhiều sông hồ và bờ biển dài, nhưng có vẻ như, việc tập bơi chưa thành những việc cần thiết, thậm chí là bắt buộc, để từng người có thể thích nghi với nước, dẫn tới nhiều vụ đuối nước rất thương tâm.

Tôi nhớ hồi nhỏ, cũng may là được sơ tán về một vùng nông thôn có nhiều nông giang, là những con mương được đào liên xã để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Hồi nhỏ thấy nó khá to, chứ giờ về thăm lại, thấy nó tí hin.

Và nó chính là nơi anh em chúng tôi tập bơi, biết bơi, trước khi ra sông bơi. Chúng tôi tập bơi cũng là tự phát thôi, chứ bố mẹ cấm và nhà trường cũng chả có tiết nào dạy bơi, dù có môn thể dục, được học từ cấp 1 tới cấp 3. Đại học cũng có môn thể dục, nhưng hầu như không có tiết học bơi nào.

Nguy cơ đuối nước khi trẻ tự tắm sông.

Vừa rồi gặp lại cô bạn học thời cấp ba ở Thanh Hóa, cô ấy mới kể, để... tiết kiệm tiền đò khi tới lớp phải qua sông, cô ấy và hai người bạn nữa bèn... bơi qua sông. Quần áo quấn lên đầu, sách cầm trên tay giơ lên, bơi một tay (hồi ấy chưa sẵn túi nilon như giờ). Bơi giỏi tới mức sách không bao giờ ướt và bạn bè trong lớp cũng không biết. Giờ gặp kể lại mới biết.

Thi thoảng đọc báo xem tivi lại thấy ca ngợi một người nào đấy, hiện đang là một cụ già ở miền Tây, dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Đúng là rất đáng ngạc nhiên khi rất nhiều trẻ em ở ngay miền Tây, sông nước vây quanh, mà không biết bơi, mà thi thoảng ta vẫn nghe thấy những tin đuối nước rất đau lòng.

Nhưng quả là, muốn các cháu được học bơi thì phải có người dạy, có địa điểm để dạy.

Mà mới nhất thì, ở thủ đô Hà Nội, tin các báo đưa, phụ huynh phải thức suốt đêm trong hồi hộp để... nộp hồ sơ xin học cho con.

Thôi không nói chuyện đăng ký vào học đầu cấp khó khăn như thế nào, mà chỉ muốn nói rằng, với số lượng trường so với tỉ lệ học sinh như thế, thì đất đâu mà làm bể bơi để học bơi trở thành một trong những môn bắt buộc, để các cháu học sinh thấy nước thì vô tư nhảy xuống thích thú nô đùa như có những cuốn sách từng mô tả...

Mà nhân đây cũng xin nói thật luôn, rằng cái môn thể dục trong trường phổ thông ấy, có vẻ như nó cũng không được phổ thông cho lắm, tức cái tính thiết thực của nó cho học sinh áp dụng vào đời sống. Có vẻ nó cũng như cái món kỹ năng sống ấy, chúng đang hết sức bị coi nhẹ.


Học toàn những thứ cao siêu, có những thứ ra đời chả áp dụng được tí nào, nhưng những thứ rất cần và gần gũi đời sống, lại bỏ qua. Nên tới giờ vẫn nghe tin đây đó bố mẹ, còn trẻ nhé, làm thịt cóc cho con ăn, mà tiếc rẻ lấy cả lòng và trứng, là thứ rất độc, có nhà thì cho con ăn, nhà thì xào  cho bố uống rượu. Rồi rất nhiều những tai nạn lãng xẹt do kiến thức đời sống, kỹ năng sống quá yếu. Bơi cũng là một trong những kỹ năng mà trẻ em Việt Nam rất yếu và thiếu.

Lại nói chuyện vân vi, thời chúng tôi ấy, cứ truyền nhau, bắt chuồn chuồn cho cắn rốn là... biết bơi. Có đứa muốn nhanh biết bơi, cố bắt cho bằng được loại chuồn chuồn to nhất, là chuồn chuồn ngô ấy, cho cắn tới nát rốn ra, nhưng nhát nước nên mãi vẫn không bơi được. Bạn bè bèn... chơi dại, cứ khênh thả ùm xuống, uống no nước là biết bơi. Mà phàm đã tập bơi ngày xưa, đa phần là phải no nước mới bơi được, đâu như bây giờ, nếu được học bơi là phải học rất kỹ lý thuyết, rồi tập tư thế trên bờ, rồi khởi động, rồi mặc áo phao, rồi xuống nước, có thầy đỡ...


Lại cũng nhớ một lần xuống Nha Trang, bạn bè thấy tôi ở Pleiku xuống, bèn rủ... bơi thi. Tôi làm một hơi gần nửa cây số quay lại bạn bè vẫn lóp ngóp phía sau. Tối ấy, tôi mới bật mí: Các ông tốn bia vì thua tôi là đúng thôi, vì tôi quê nội Huế có sông Hương, quê ngoại Ninh Bình có sông Đáy, sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa có sông Mã sông Chu, và ngay ở Pleiku cũng có sông Ba... nên tôi biết bơi từ nhỏ, tự học thôi, nhưng bảo đảm là không bị chìm khi rơi xuống nước.


Nên tôi phải cám ơn hệ thống nông giang thủy lợi ở Thanh Hóa dạo nào, đã giúp mình biết bơi đủ để không bị chìm. Nhưng giờ, bảo nhảy xuống nước cũng ngại, vì lâu ngày không bơi sẽ bị chuột rút cứng đơ rồi chìm ngay. Ngay việc biết không nên bơi nếu lâu ngày không bơi cũng phải học, cũng phải hiểu về nó để không bị đuối nước dẫu biết bơi...

Thì mới thấy, việc học bơi, hiểu về nước nó quan trọng đến như thế nào với con người trong đời sống, nhất là người Việt Nam, luôn tự hào là xứ sở của sông nước, ao hồ, của biển...


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook