Từ ngôi sao vạn người mê đến cảnh bị tẩy chay vì gian lận bằng cấp của nghệ sĩ châu Á
Những năm qua, nền giải trí châu Á chứng kiến nhiều vụ việc các ngôi sao gian lận thi cử, học vấn. Họ hứng chịu chỉ trích từ khán giả, sự nghiệp lao đao - thậm chí trắng tay.
Vừa qua, dư luận Trung Quốc dậy sóng trước câu chuyện Dịch Dương Thiên Tỉ - một trong các ngôi sao trẻ của ngành giải trí nước này - cùng hai diễn viên khác bị nghi ngờ lợi dụng đặc quyền để thi vào biên chế Nhà hát Kịch quốc gia Trung Quốc. Trong chưa đầy một tuần, sự việc đã khiến Dịch Dương Thiên Tỉ mất đi hàng chục nghìn người hâm mộ và bị nhãn hàng hủy hợp đồng quảng cáo.
Từ chỗ ngôi sao vạn người mê, hình mẫu "con nhà người ta" chính hiệu, vì chuyện học hành, thi cử thiếu minh bạch, Dịch Dương Thiên Tỉ đã trở thành con ghẻ quốc dân, làm đề tài để cư dân mạng bỉ bôi, chỉ trích. Nếu những cáo buộc nhắm vào nam nghệ sĩ sinh năm 2000 là thật, thì đây có thể xem là sự trả giá xứng đáng. Bởi trước Dịch Dương Thiên Tỉ, đã có rất nhiều tiền lệ xấu về - cả trong và ngoài Trung Quốc - về việc các ngôi sao gian lận thi cử, học hành bị vỡ lở. Nhiều trường hợp bị phản ứng dữ dội tới độ tiêu tán cả sự nghiệp.
Hồi 2021, Trần Hảo được phong hàm giáo sư tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì gửi lời chúc mừng nữ diễn viên, truyền thông và dư luận Trung Quốc lại đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch của danh hiệu này. Từ đây, thành tích mờ nhạt trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu của Trần Hảo tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc, cùng việc luận án thạc sĩ của cô không đủ điều kiện để được thông qua vì có 22,75% nội dung trùng lặp với những nghiên cứu khoa đã được công bố cũng bị đem ra mổ xẻ.
Nghi ngờ của người hâm mộ lại càng được củng cố khi chính Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc cũng bỏ học hàm giáo sư khỏi phần giới thiệu của Trần Hảo trên website của trường. Việc bị "giáng" từ giáo sư xuống hàng diễn viên đã khiến hình ảnh ngôi sao trí thức, tài sắc vẹn toàn của nữ diễn viên bị sứt mẻ
Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ về hình ảnh, trường hợp của Trần Hảo vẫn là một cái kết có hậu nếu so với câu chuyện của hai nghệ sĩ Trung Quốc khác là Địch Thiên Lâm hay Đồng Trác. Theo Sina, Địch Thiên Lâm là nghệ sĩ đầu tiên của Trung Quốc bị tước học vị sau khi hành vi gian lận thi cử bị phanh phui hồi 2019. Đồng Trác cũng là ca hiếm gặp của ngành giải trí xứ tỷ dân khi lên mạng khoe khoang hành vi gian lận trong kỳ thi đại học. Kết quả, Địch Thiên Lâm bị cấm sóng vĩnh viễn còn Đồng Trác bị đuổi khỏi ngành giải trí.
Câu chuyện nghệ sĩ tự hủy hoại hình ảnh bản thân vì gian lận trong học tập và thi cử cũng phổ biến tại Kpop. Hồi đầu năm 2019, truyền thông Hàn Quốc đưa tin bộ giáo dục nước này đã quyết định hủy bằng đại học của Yong Jun Hyung, Yoon Doo Joon và Lee Gi Kwang từ nhóm Highlight; Seo Eun Kwang, Yook Sung Jae thuộc nhóm BTOB cùng hai ca sĩ Jang Hyun Seung và Choo Ga Yeol do Đại học Dongshin của Hàn Quốc cấp.
Riêng với Choo Ga Yeol, nam nghệ sĩ còn bị phanh phui việc được bổ nhiệm làm giáo sư giảng dạy khoa Âm nhạc khi thực tế chưa có bằng cấp. Kết quả, Choo Ga Yeo bị tước đồng thời danh hiệu Giáo sư và bằng đại học. Điều này cũng đồng nghĩa nam ca sĩ không còn đủ điều kiện tiếp tục giảng dạy.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 2015 ban giám hiệu Đại học Dongshin đã đặt ra một quy định nội bộ trong đó những lần xuất hiện trên truyền hình, nhạc hội và các hoạt động nghệ thuật khác của nghệ sĩ có giá trị tương đương như giờ học trên lớp. Thêm vào đó, trường đại học này cũng trao nhiều suất suất học bổng với trị giá lên tới 53.000 USD cho một số nghệ sĩ mà không có thủ tục hợp lệ.
Trước đó chỉ một năm, vào tháng 10/2018, hai nam ca sĩ Jo Kwon (2AM) và Jung Yong Hwa (CNBlue) cũng bị hủy kết quả học tập và thu hồi học vị tại Đại học Kyunghee do hành vi gian lận thi cử bị phát giác. Jung Yong Hwa cùng hai nghiên cứu sinh khác đã trúng tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ dù không tham gia phỏng vấn kiểm tra năng lực theo đúng quy định. Về phần Jo Kwon, anh bị tố cáo không tuân thủ quy trình thi tốt nghiệp của bậc học thạc sĩ.
Con sâu làm rầu nồi canh
Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, gian lận bằng cấp là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, có thể bị khởi tố và chịu trách nhiệm hình sự. Nguyên nhân bắt nguồn từ văn hóa trọng bằng cấp đã tạo ra áp lực khổng lồ cho cả xã hội. Bằng cấp cao không chỉ đồng nghĩa cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động càng lớn, nó còn đồng nghĩa vị thế xã hội và ánh mắt ngưỡng mộ của những người xung quanh với một cá nhân cũng như gia đình anh/cô ta cũng được nâng lên.
Câu chuyện càng đúng với các nghệ sĩ giải trí. Bằng cấp và học vấn chính là thứ trang sức vô hình nhưng đầy sức nặng, giúp họ nhận được sự nể phục từ khán giả. Ngược lại, những nghệ sĩ với trình độ học vấn khiêm tốn khả năng cao sẽ phải đối mặt với những lời mỉa mai của cư dân mạng, rằng học không nổi mới phải đi đóng phim. Ấn tượng này đôi khi lấn át cả thực lực.
Nếu gõ từ khóa "áp lực thi cử tại Trung Quốc" hay "áp lực học hành tại Hàn Quốc", những kết quả trả về sẽ khiến độc giả phải choáng váng. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai trong những quốc gia có kỳ thi đại học khốc liệt bậc nhất châu Á. Sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn khi các cử nhân đại học muốn thi vào biên chế các cơ quan nhà nước hay xin việc ở những vị trí nhiều hứa hẹn.
Do đó, sự phẫn nộ bùng nổ khi hành vi gian lận của một thí sinh bị phanh phui là điều dễ hiểu. Cảm xúc tiêu cực từ dư luận sẽ càng dâng cao khi hành vi gian lận ấy đến từ những ngôi sao giải trí - nhóm người vốn đã luôn có nhiều lợi thế so với mặt bằng chung. Cuộc cạnh tranh vốn đã nhiều chênh lệch ngay từ đầu đã trở thành ưu ái bất công khi các nghệ sĩ được chủ động tạo điều kiện để việc học hành hay sự nghiệp thêm suôn sẻ. Lời trách móc "đã kiếm được nhiều tiền còn thi vào biên chế" của cư dân mạng Trung Quốc nhắm vào Dịch Dương Thiên Tỉ đã phần nào phản ánh tâm lý này.
Các vụ gian lận thi cử, học hành của nhiều ngôi sao bị phát giác đã khiến dư luận phẫn nộ và luôn trong trạng thái hoài nghi trình độ học vấn của các nghệ sĩ. Không ít lần nghệ sĩ đã bị réo tên, chỉ trích, thậm chí mạt sát trên mạng xã hội chỉ vì khán giả không tin vào bảng thành tích học tập của họ. Đây không chỉ là câu chuyện con sâu làm rầu nồi canh. Nó còn phản ánh một thực trạng đáng buồn khi bằng cấp trở thành vũ khí để một bộ phận công chúng nhỏ nhen tấn công những nghệ sĩ không hợp mắt mình.
Mới đây xuất hiện tin đồn nữ diễn viên Park Eun Bin nhờ được biệt đãi nên mới trúng tuyển vào ngôi trường đại học Sogang danh giá của Hàn Quốc. Cáo buộc này được đưa ra chỉ dựa trên cơ sở điểm thi đầu vào của nữ diễn viên không được công bố. Chưa dừng lại ở đó, cư dân mạng cũng tiếp tục thêu dệt chuyện nữ diễn viên bị buộc thôi học vì không tới trường và không điểm danh.
May mắn, các tin đồn ác ý nhanh chóng bị bạn học của Park Eun Bin lên tiếng bác bỏ, hình ảnh của nữ diễn viên không bị tổn hại. Tuy nhiên, việc các tin đồn chỉ bắt đầu lan tràn sau khi nữ diễn viên gặt hái thành công vang dội thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi về mục đích cũng như tính vô tư của những dư luận trái chiều này.
Không lâu trước đó, sau thành công của Mộng Hoa Lục, những cáo buộc gian lận thi cử của Lưu Diệc Phi lại một lần nữa bị anti-fan nhắc lại. Từ khi bước chân vào nghề đến nay, nữ diễn viên luôn giữ kín các thông tin liên quan đến quá trình học tập của mình tại Mỹ. Khán giả chỉ được biết cô đã hoàn thành chương trình học tương được với 7 lớp chỉ trong 5 năm.
Tiếp đến, câu chuyện Lưu Diệc Phi thi vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh với tư cách sinh viên mang quốc tịch Mỹ có đúng hay không cũng bị lôi ra mổ xẻ. Tranh cãi rùm beng tới độ Uỷ ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh đã phải có phản hồi chính thức về việc này. Theo Sina, cơ quan này khẳng định thông qua kiểm tra hồ sơ, họ xác định Lưu Diệc Phi có đủ tư cách nhập học với vai trò du học sinh. Cô cũng tham gia đủ các bài kiểm tra và đạt tiêu chuẩn nhập học.
Dù nhiều năm đã trôi qua, khán giả vẫn không thể quên bi kịch của Tablo , thủ lĩnh nhóm Epik High. Năm 2010, một nhóm người dùng mạng xã hội ẩn danh đã đặt nghi vấn về thành tích học tập đáng nể của nam ca sĩ - hoàn thành bậc đại học và lấy bằng thạc sĩ của Đại học Standford chỉ trong ba năm. Lời tố cáo giống như một chất xúc tác, thổi bùng làn sóng phẫn nộ bên trong lòng dư luận Hàn Quốc - vốn vẫn cháy âm ỉ từ sau chuỗi bê bối gian lận học vấn của các lãnh đạo cấp cao bị phanh phui chỉ vài năm trước đó.
Dư luận Hàn Quốc lên tiếng đòi sự thật. Làn sóng này nhanh chóng biến tướng thành các hành vi quấy rối, khủng bố tinh thần nhắm vào Tablo, thân nhân của anh và chính ngôi trường nam nghệ sĩ từng theo học. Chuỗi sự kiện kinh hoàng được ví như một cuộc săn phù thuỷ. Dù chính Đại học Stanford đã đứng ra giải thích, dư luận tại Hàn Quốc vẫn không muốn dừng lại. Họ, bằng mọi cách, muốn chứng minh Tablo là kẻ gian lận.
Phải tới tháng 8/2011, sau khi Tablo nhờ tới sự giúp đỡ của pháp luật, anh mới được bảo vệ và minh oan. Tuy nhiên, điều ông ai ngờ tới chính là kẻ đứng sau cuộc săn phù thủy nhắm vào Tablo lại là một người đàn ông trung niên bình thường - thậm chí tầm thường nếu so với làn sóng dư luận khủng khiếp mà ông ta tạo ra.
Người cha của hai cô con gái thành đạt lựa chọn Tablo là nạn nhân bởi bảng thành tích quá hoàn hảo của nam nghệ sĩ tại trường đại học. Nó khiến ông ta cảm thấy bị xúc phạm khi nỗ lực của mình lại chỉ sánh bằng tài năng của người khác. Cáo buộc nhắm vào Tablo hoàn toàn không phải thánh chiến vì công bằng hay lẽ phải. Nó đơn thuần chỉ là hành vi tấn công thù ghét, với những thiệt hại khủng khiếp về tinh thần.
Ảnh: Naver, Sina
Theo Hoan Ca
Trí Thức Trẻ