Từ ngôi làng bé nhỏ trở thành Đế quốc hùng bá Đông Nam Á (P1)
Dù từng là Đế quốc hùng bá Đông Nam Á, nhưng Taungoo ban đầu lại chỉ là một ngôi làng nhỏ bé bên sông Irrawaddy, nơi dân tỵ nạn chạy đến nương náu.
Đế quốc Taungoo nổi tiếng nhất trong lịch sử Miến Điện. Thời kỳ huy hoàng, lãnh thổ của Đế quốc Taungoo bao gồm Miến Điện, một phần Bangladesh, bang Manipur của Ấn Độ, Thái Lan, Lào, một phần tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Từ ngôi làng đến Vương quốc nhỏ của người Miến
Năm 1287, quân Nguyên Mông tiến đánh Miến Điện, quân Miến Điện không chống nổi, Vương triều Pagan bị diệt vong, nhà Nguyên đặt chính sách đô hộ ở đây.
Cuộc chiến tranh khiến dân Miến phải chạy nạn đến sông Irrawaddy, nhiều người chọn tỵ nạn đến làng Taungoo. Sự việc này đã khiến làng ngày càng mở rộng, vượt quy mô của một làng.
Năm 1297, “ba anh em người Shan” (bố là người Shan, mẹ là người Miến) do Axamkhaya làm thủ lĩnh tập hợp dân Miến nổi lên khởi nghĩa đánh đuổi quân Nguyên đến biên giới Vân Nam.
Lúc này ngày càng nhiều người tỵ nạn chọn đến làng Taungoo, cuối cùng khiến ngôi làng ban đầu lớn mạnh khắp vùng sông Irrawaddy, hình thành một Vương quốc nhỏ của người Miến.
Sau cuộc khởi nghĩa đánh đuổi được quân Nguyên, Miến Điện bị phân hóa, hình thành 5 vương quốc. Thời kỳ này gọi là “Ngũ quốc phân tranh” . 5 vương quốc này bao gồm:
Vương quốc Hathawaddy (Hathawaddy) của người Môn cai trị vùng Hạ Miến Liên minh các các tiểu quốc Shan ở Bắc Miến và một phần tỉnh Vân Nam, do nhiều tiểu quốc cùng liên minh hợp thành. Vương quốc Ava của người Shan nhưng Miến hóa, chiếm vùng trung tâm đồng bằng Miến Điện. Vương quốc Arakan của người Rakhine chiếm vùng Tây Miến, và một phần Bangladesh ngày nay. Vương quốc Taungoo của người Miến ở miền đông, bên bờ sông Irrawaddy.
Ngũ quốc giao tranh, Taungoo cố tránh mọi cuộc chiến
Trong 5 vương quốc thì Taungoo ở khu vực Đông Miến bên con sông Irrawaddy. Xuất thân chỉ là một làng tỵ nạn nên Taungoo yếu nhất trong ngũ quốc.
Vương quốc Ava tự xưng là kế thừa Vương triều Pagan trước đây và cố gắng khôi phục Pagan hùng mạnh, nên đưa quân chinh phạt các vương quốc còn lại.
Ava đưa quân tiến đánh Taungoo vốn được xem là yếu nhất lúc đó. Taungoo không thể chống đỡ nên chấp nhận lệ thuộc và trở thành chư hầu của Ava nhằm tiếp tục tồn tại. Ava cũng đưa quân tấn công các tiểu quốc Shan, thu phục được một số tiểu quốc nhưng không thể chinh phục hết được.
Sau đó Ava đưa quân giao chiến với Vương quốc Hathawaddy của người Môn ở vùng Hạ Miến. Cuộc giao tranh này diễn ra suốt 40 năm (1385-1424) khiến Ava ngày càng suy yếu.
Nhận thấy Ava suy yếu, năm 1490, Liên minh các các tiểu quốc Shan ở Bắc Miến tấn công Ava liên tục từ năm 1490 đến năm 1527.
Trong khi đó Taungoo là chư hầu của Ava, tránh các cuộc chiến tàn sát.
Năm 1485, vị Vua thứ tư của Taungoo là Mingyi Nyo lên ngôi. Ông dùng ngoại giao khéo léo giúp Taungoo tránh khỏi những cuộc chiến tranh tàn phá, lại phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp, nhờ đó mà trở nên giàu có, lãnh thổ lại cũng mở rộng dần.
Năm 1510, lãnh thổ của Taungoo đã mở rộng đến sông Sittaung ở phía nam Ava. Taungoo đã giàu có và hùng mạnh, vua Mingyi Nyo tuyên bố tách Taungoo khỏi Ava và trở thành một Vương quốc độc lập.
Dù độc lập, vua Mingyi Nyo cũng khéo léo để Taungoo không bị cuốn vào chiến tranh, lại rộng lòng đón nhận người dân và binh lính Ava tỵ nạn nhằm thoát khỏi chiến tranh.
Năm 1527, Liên minh các tiểu quốc người Shan đã đánh bại được Ava, thay vua Ava mới. Một lượng lớn dân chúng và binh lính chạy tỵ nạn sang Taungoo, khiến cho Taungoo càng thêm mạnh.
Trước khi mất, vua Mingyi Nyo đã chinh phục được tiểu quốc Mohnyin – một trong những Liên minh các tiểu quốc người Shan.
Mở rộng về phía nam để tránh bị tiêu diệt
Năm 1530 vua Mingyi Nyo mất, Thái tử Tabinshwehti lên ngôi, được một vị tướng tài năng là Bayinnaung phò tá.
Taungoo dù giàu có và hùng mạnh nhưng vẫn có diện tích nhỏ và không đông quân bằng các Vương quốc xung quanh. Phía bắc là Liên minh người Shan vừa chinh phục vương quốc Ava. Phía tây là Vương quốc Prome vốn là đồng minh với các tiểu quốc người Shan. Phía nam là Vương quốc Hathawaddy giàu có và rộng lớn, được xem là hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.
Năm 1532-1533, Liên minh các tiểu quốc người Shan đánh bại đồng minh của họ là Vương quốc Prome. Taungoo nằm lọt thỏm trong vòng vây người Shan. Vua Tabinshwehti cùng các tướng của mình hiểu rằng nếu không có hành động mở rộng lãnh thổ thì trước sau gì Liên minh các tiểu quốc người Shan cũng tiến đánh mình. Triều đình Taungoo bắt đầu nhòm ngó Hathawaddy.
Hathawaddy của người Môn là Vương quốc rộng lớn và giàu có bậc nhất lúc bấy giờ. Hathawaddy phát triển mạnh mẽ suốt từ 1420 đến 1530 nhờ những vị Vua anh minh. Vương quốc ở phương nam này có vị trí đắc địa nên giao thương được với các thương nhân khắp vùng Ấn Độ dương, vì thế rất giàu có, hàng hóa đầy ắp, phố phường sầm uất.
Tuy nhiên những cuộc chiến giữa người Shan và người Môn làm ảnh hưởng đến sức mạnh của Hathawaddy. Đến thời vua Takayutpi thì Hathawaddy không mạnh như trước, ông được lịch sử đánh giá là vị Vua hèn kém. Vua Tabinshwehti cùng tướng quân Bayinnaung quyết định tấn công Hathawaddy vào năm 1534.
Đánh bại Vương quốc Hathawaddy
Hathawaddy dù rộng lớn và giàu có hơn Taungoo nhiều, nhưng vua Takayutpi trị vì kém cỏi không thể chống đỡ được cuộc tấn công của Taungoo nhỏ bé với vua Tabinshwehti anh minh và tướng Bayinnaung tài ba.
Đến năm 1538 thì Taungoo chiếm được cả vùng đồng bằng Ayeyarwady giàu có. Năm 1539, Taungoo chiếm được Thiên đô Pegu (nay là thành phố Bago). Năm 1541 thì Taungoo chiếm được Martaban, bắt được Vua của người Môn.
Vua Tabinshwehti sắp đặt bộ máy quản lý vùng đất rộng lớn và giàu có vừa chiếm được. Ông kêu gọi sự ủng hộ của các bộ tộc người Môn. Hoàng hậu của ông cũng là người Môn. Nhiều người Môn được bổ nhiệm vào chức vụ cao trong Triều đình và quân đội.
Sau khi ổn định được tình tình, vua Tabinshwehti quyết định dời đô đến Thiên đô Pegu, xưng là Vua toàn cõi Miến Điện.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Mời xem video: