Tự mua thực phẩm chức năng sử dụng, suýt tử vong mà tưởng đang... thải độc
Gần đây, một số bệnh viện cho biết đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì sử dụng các loại thực phẩm chức năng giả.
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chỉ sau 10 năm các sản phẩm thực phẩm chức năng đã tăng lên gấp 3 lần, đây là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh giả. Đặc biệt, sau dịch COVID-19 các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhập viện vì dùng thực phẩm chức năng trôi nổi
Mới đây, nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi...
Nữ bệnh nhân này cho biết do có bệnh vảy nến nên đã mua thực phẩm chức năng dùng được khoảng 5 - 7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị T. tiếp tục sử dụng.
Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, tuy nhiên người bán tiếp tục trấn an. Thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T. được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Trước đó, ngày 23-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi 13 loại thuốc chứa methyprednisolone (chữa các bệnh như viêm khớp, rối loạn máu, các bệnh về mắt...) do nguồn gốc nguyên liệu bị giả mạo.
Bà Nguyễn Diệu Hà - tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - cho biết trong 5 năm qua từ năm 2017 - 2021, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, số lượng thuốc giả trên thị trường chiếm 0,04% so với mẫu lấy được kiểm nghiệm. Các thuốc giả này phần lớn là đông dược, kháng sinh, giảm đau... được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện được khi so sánh với các vỏ hộp, tờ hướng dẫn, tuy nhiên rất khó phân biệt đối với người tiêu dùng.
"Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả, như đối với kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Thuốc khi được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các thuốc dùng qua đường tiêm hoặc trên người suy giảm miễn dịch", bà Hà nhấn mạnh.
Bùng nổ thị trường kinh doanh online
PGS Lê Văn Truyền - chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) - cho biết tại Việt Nam ngoài dược phẩm, thị trường thực phẩm chức năng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi theo mô hình các bệnh mãn tính, do tuổi thọ tăng, thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng tăng vọt. Ngay cả trước khi xảy ra dịch COVID-19, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển...
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu năm 2010 tổng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng chỉ là 1.626 đơn vị với 3.721 sản phẩm thì đến năm 2021, tổng số cơ sở là 3.108 cơ sở với 11.227 sản phẩm, nhập khẩu chỉ gần 15%, trong nước chiếm 85%. Đây chính là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả.
Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trước tình hình thị trường thực phẩm chức năng nhiều biến tướng như hiện nay, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của các cơ quan chuyên môn. Các cơ sở kinh doanh, thực phẩm chức năng vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần đảm bảo các quyền của người tiêu dùng theo quy định, hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng.
"Thực tế hiện nay nhiều người dân khi thấy quảng cáo thực phẩm chức năng chữa "bách bệnh" nhưng không được tư vấn, hướng dẫn mà đã sử dụng dẫn đến "tiền mất tật mang". Nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, thiếu tư vấn, hướng dẫn. Do vậy người dân chỉ nên mua những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả cần có sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khi sử dụng. Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn, có khả năng gây nguy hiểm tính mạng", ông Hùng nhấn mạnh.
Nhiễu loạn thực phẩm chức năng giảm cân, sinh lý nam giới...
Ông Phạm Hưng Củng - phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - cho biết hiện nay thị trường thực phẩm chức năng rất nhiễu loạn, trong đó đặc biệt là thị trường thuốc giảm cân, do không hiểu được cơ chế giảm cân, nhiều người đã uống một số sản phẩm chứa chất cấm ảnh hưởng thần kinh, tiêu hóa...
Hoặc các sản phẩm được quảng cáo là tăng sinh lý đàn ông, nhưng do không hiểu được cơ chế mãn dục của nam, nghe nói đến là mua và sử dụng dẫn đến các biến chứng về sau như bệnh lý về tim mạch, hô hấp...
Thực phẩm chức năng cũng có thể gây hệ lụy về nòi giống, nhiều sản phẩm có thể gây đột biến gene, ảnh hưởng đến đời sau, hình thành khối u ác tính, có thể gây quái thai... thậm chí gây nhiễm độc, ngộ độc dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho hay một trong những điều đáng lo ngại hiện nay là việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng sản phẩm.
Nhiều loại được quảng cáo như "thần dược" nhưng để né tránh quy định của pháp luật, khi quảng cáo vẫn đọc, trên nhãn vẫn ghi "sản phẩm này không phải là thuốc không có công dụng thay thế thuốc chữa bệnh", chỉ lướt qua, trong khi đã quảng cáo thái quá về công dụng chữa bệnh trước đó.
Bên cạnh đó, do được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, nên đối với nhiều người khi có nhu cầu chữa bệnh thì giá cả trở thành thứ yếu. Đây là yếu tố được triệt để khai thác để đem lại lợi nhuận kinh doanh cao.