Từ một tỉnh thuần nông, địa phương này thay đổi ra sao để dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người?
Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng với sự phát triển mạnh về công nghiệp và thu hút đầu tư FDI, địa phương này đã trở thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước trong nhiều năm liên tiếp.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, giai đoạn đầu những năm 1990, Bình Dương là một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn quá nhỏ bé.
Tuy nhiên, từ khi tái lập tỉnh (1997), Bình Dương đã trỗi dậy với chủ trương đổi mới, được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Nhờ định hướng phát triển đúng đắn, dòng vốn đầu tư FDI đã liên tục chảy về Bình Dương.
Cụ thể, tính lũy kế các dự án còn hiệu lực từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/7/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 4.059 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 39,6 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 9,76 triệu USD. Tỉnh Bình Dương hiện đứng thứ 2/63 tỉnh, thành trên cả nước về thu hút FDI (dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh).
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện cơ chế thông thoáng, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Trong suốt 25 năm qua, Bình Dương luôn trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong chiến lược thu hút FDI, Bình Dương chủ trương ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư FDI. Từ đó, tỉnh tạo sự phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương. Trong những năm qua, Bình Dương luôn lọt top 5 những tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Nếu như năm 1995 tỉnh mới hình thành 1 khu công nghiệp (KCN) tập trung thì đến nay Bình Dương có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam.
Các KCN lớn trên địa bàn tỉnh gồm: Mỹ Phước, Bàu Bàng, Sóng Thần III, Việt Nam – Singapore I và II, … Trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, hơn 70% thuộc về khu vực công nghiệp và xây dựng. Toàn tỉnh có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Bình Dương thu hút 40 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 2,6 triệu USD, dẫn đầu cả nước.
Dự án FDI tiêu biểu tại tỉnh Bình Dương trong 7 tháng đầu năm 2022 là dự án xây dựng nhà máy của Tập đoàn LEGO đến từ Đan Mạch, với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, dự kiến mang đến khoảng 4.000 việc làm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Pandora - thương hiệu trang sức Đan Mạch đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại khu công nghiệp VSIP3 với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD, dự kiến tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người.
Thu nhập bình quân đầu người tỉnh Bình Dương giai đoạn 2002-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 0,504 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 4 cả nước. Đến năm 2018, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng, dẫn đầu cả nước. Từ năm 2018 đến nay, thu nhập bình quân của tỉnh luôn giữ vị trí dẫn đầu.
Năm 2021, Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người đạt 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Như vậy, sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng 14 lần.
Theo Minh Tiến
Tổ Quốc