Từ lùm xùm của Dior gần đây: Văn hóa là để tôn vinh, không phải để chiếm đoạt!
"Chiếm đoạt văn hóa" - vấn đề không mới nhưng chắc chắn vẫn đang bị xem nhẹ.
Cụm từ "Chiếm đoạt văn hóa" không mới nhưng lại được gióng giả nhiều hơn cả vào những ngày gần đây, một phần lớn do "công" của vụ việc vẫn còn khá mới: nghi vấn Dior đạo nhái cổ phục Trung Quốc .
Chỉ từ một chiếc váy vô tri mà đã bị quy vào hành vi mang tính cực đoan như "chiếm đoạt"? Vậy thì chiếm đoạt văn hóa là gì?
Khi văn hóa trở thành công cụ để kiếm chác
Chiếm Đoạt Văn Hoá (Cultural Approriation) là hành vi mà những cá nhân hay tổ chức lợi dụng, xuyên tạc những nét văn hoá lâu đời mang tính đặc trưng của một quốc gia hay nhóm dân tộc thiểu số để trục lợi, hoặc do lỗ hổng về kiến thức của người tạo ra hành vi trên.
Xuyên suốt hàng trăm năm phát triển và hoàn thiện, lịch sử thời trang đã ghi nhận những ồn ào xung quanh thực trạng mang tính nghiêm trọng này. Trong thời trang, đã có không ít những thương hiệu hàng đầu trở thành tâm điểm chỉ trích xoay quanh việc chiếm dụng văn hoá, nhất là khi cảm hứng sáng tạo từ văn hóa gần như luôn là xu thế nổi bật.
"Chiếm đoạt" và "ảnh hưởng"
"Chiếm đoạt văn hóa" và "ảnh hưởng văn hóa" có những khác biệt nhất định. Tiến sĩ Shameem Black, công tác tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết luôn có những kiểu chia sẻ văn hóa khá phức tạp: "Trong lịch sử, có rất nhiều sự trao đổi, vay mượn về văn hóa ở nhiều nơi trên thế giới" . Tuy nhiên, trong khi "ảnh hưởng văn hóa" - mang nghĩa tích cực và thể hiện sự tôn trọng, cũng như san sẻ tinh hoa trong văn hóa, thì hành vi chiếm đoạt lại mang tính bất chấp và đặt nặng về trục lợi.
Chiếm đoạt văn hóa khác sự ảnh hưởng hoặc vay mượn ở chỗ, nhà sáng tạo phớt lờ bối cảnh ra đời của nền văn hoá, không có sự tôn trọng, tham khảo với những người dân thuộc nền văn hóa đó, hay không trung thực khi thực hành sáng tạo từ những khâu nhỏ nhất. Riêng đối với những chủ thể liên quan đến tôn giáo hay tín ngưỡng, tâm linh - vốn dĩ hết sức nhạy cảm, cần thực sự thận trọng khi tham khảo, tránh đặt chúng vào những bối cảnh kém phù hợp.
Sự chiếm đoạt có thể thể hiện ở việc, nhà sáng tạo bỏ qua những đặc trưng mang tính cốt lõi của nền văn hóa bản địa (Ví dụ: Sử dụng toàn người mẫu da trắng để trình diễn BST thời trang mang cảm hứng văn hóa Châu Phi). Hành động vay mượn, kiếm lợi từ yếu tố văn hoá, nhưng bỏ qua sự bất công quyền lực mà người dân của nền văn hoá này phải chịu đựng cũng là chiếm đoạt.
Văn hóa là để tôn vinh, không phải để xâm phạm
Như đã nói ở trên, không thể phủ nhận những ảnh hưởng của văn hóa tới nghệ thuật và thời trang. Xu hướng khai thác những cái hay, cái đẹp mang tính đặc thù từ các quốc gia khác nhau là điều đáng được biểu dương, nhưng giới hạn trong sáng tạo vẫn cần được đặt ra.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng chất liệu vải vóc cũng cho thấy tính nghiêm túc khi khác thác nét đẹp văn hóa. Ở Việt Nam, thương hiệu Kilomet 109 và DEADEND là các đại diện tiêu biểu đề cao chất liệu vải truyền thống, trung thực trong việc tôn vinh tinh hoa mang tính đặc thù của các đồng bào dân tộc thiểu số.
Đã đến lúc, những người yêu thời trang nên tách bạch những khái niệm này và hiểu rõ về chúng hơn rồi. Văn hoá, suy cho cùng cũng là để tôn vinh, không phải để chiếm đoạt.
Ảnh: Elle Vietnam, Chanel, Dior, Pinterest, WWD