Từ làng nghề 5000 năm tuổi thành lãnh địa chế tạo robot: Thành phố nghìn tỷ USD lột xác như thế nào?
Với trụ cột là ngành công nghiệp gốm sứ, quận Thiền Thành, Phật Sơn, được gọi là "kinh đô gốm sứ phương Nam".
Ở quận Thiền Thanh và Nam Phong, thành phố Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc có hai lò nung gốm cổ, nhìn uốn lượn như con rồng hai nằm trên mặt đất.
Du ngoạn qua các kiến trúc cổ đặc trưng trong vùng, du khách có thể nhìn thấy các bức tranh tường, búp bê và bản đồ danh thắng bằng gốm ở khắp mọi nơi, tất cả minh chứng cho lịch sử lâu đời của nghề làm gốm ở Phật Sơn.
Ngành công nghiệp gốm sứ thường được coi là điểm bắt đầu khi tìm hiểu lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Phật Sơn.
Gốm sứ Phật Sơn rất đẹp nhưng cái giá cho ngành sản xuất đồ gốm cũng rất đắt.
"20 năm trước ở đây, bạn không thể nhìn thấy trời xanh, toàn bộ Phật Sơn ngập trong khói bụi", ông Trần Hiền Vĩ, Chủ tịch Eagle Ceramics, nói với The Paper.
Phật Sơn, nơi đã từng phủ bụi, giờ đã được rợp bóng cây xanh.
Lột xác từ làng nghề 5000 năm
Năm 2021, sản lượng tiêu thụ gốm sứ Phật Sơn chiếm khoảng 60% toàn quốc. Doanh số bán máy móc sản xuất gốm sứ chiếm 80% cả nước và 50% thế giới, doanh số men gốm chiếm 50% cả nước, và doanh số đồ gốm chiếm hơn 30% cả nước.
5.000 năm trước, tổ tiên người Phật Sơn đã nắm vững kỹ thuật làm gốm từ chọn đất, nhào nặn và nung gốm. Vào cuối thời nhà Thanh, Phật Sơn có 107 lò nung với hơn 60.000 thợ gốm. Lò nung đỏ lửa suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.
Cảnh "làng làng nhóm lửa nhà nhà hun khói" này đã kéo dài đến thời cận đại. Sau khi cải cách mở cửa, dựa trên nguồn tài nguyên, truyền thống lịch sử và nền tảng kỹ thuật ban đầu, ngành gốm sứ của Phật Sơn đã chuyển từ gốm nghệ thuật sang gốm kiến trúc.
Tuy nhiên, khi ngành gốm sứ phát triển thì môi trường cũng ô nhiễm nghiêm trọng hơn, tiêu hao năng lượng nhiều hơn. 20 năm trước, tình trạng ô nhiễm môi trường do ngành sản xuất gốm sứ ở Phật Sơn đã đến giới hạn mà hệ sinh thái có thể chịu đựng. "Toàn bộ Phật Sơn phảng phất mùi khói bụi", các vấn đề về chất lượng không khí và ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Kể từ năm 2003, chính quyền thành phố Phật Sơn đã bắt đầu xúc tiến việc điều chỉnh cơ cấu các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, chủ chốt như gốm sứ, thông qua việc sử dụng công nghệ cao.
"Phật Sơn từng có nhiều áp lực về bảo vệ môi trường nhưng việc sử dụng số hóa trong quá trình nâng cấp đã chứng minh sự thân thiện với môi trường". Trong những năm qua, ngành công nghiệp gốm sứ của Phật Sơn đã được nâng cấp nhanh chóng, các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và ô nhiễm nặng về cơ bản được loại bỏ.
Chiến dịch bỏ thô lấy tinh đã tạo cơ hội cho ngành gốm sứ Phật Sơn chuyển mình.
Dữ liệu do Cục Môi trường sinh thái Phật Sơn tiết lộ, cho thấy vào năm 2013, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình ở Phật Sơn là 53μg/m3; đến năm 2021, nồng độ này giảm xuống còn 23μg/m3, giảm hơn một nửa.
Ngoài việc chuyển đổi công nghệ bằng "sức mạnh cứng", ngành gốm sứ Phật Sơn đang tích cực tìm kiếm "sức mạnh mềm" thông qua văn hóa.
Ông Trần Hiền Vĩ cho biết, để nâng cấp sản phẩm, các công ty gốm sứ Phật Sơn đã lồng ghép yếu tố văn hóa Trung Quốc trong các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.. Ví dụ, sản phẩm Gạch thủy mặc Bắc Kinh của Eagle Ceramics, vận dụng công nghệ chế tạo gạch cung đình - di sản văn hóa phi vật thể cổ đại của Tử Cấm Thành - tái tạo chúng, mục đích biến các sản phẩm mang hơi hướng hoàng gia vào nhà của người dân bình thường, thoát khỏi sự phụ thuộc vào ý tưởng thiết kế phương Tây.
Điểm dừng chân của đế chế đồ gia dụng
"Có nhà thì có sản phẩm Made in Foshan(Phật Sơn)", là mục tiêu mà Phật Sơn đang theo đuổi.
Ngoài gốm sứ, Made in Foshan còn bao gồm đồ nội thất, đồ gia dụng, nhôm định hình, thép không gỉ v.v... Tính đến năm 2020, ngành công nghiệp đồ nội thất của Phật Sơn đã vượt 1.000 tỷ NDT. Có ảnh hưởng nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Phật Sơn là đồ gia dụng.
Kể từ khi cải cách mở cửa, Phật Sơn, cũng như Thâm Quyến và Đông Quan, đã phát triển thương mại chế tạo thông qua mô hình "cửa hàng trước và nhà máy sau" và mô hình "ba kèm một" bằng cách tận dụng lợi thế địa lý tiếp giáp với Hồng Kông. Đồng thời, Phật Sơn cũng cho ra đời một số thương hiệu sản xuất địa phương nổi tiếng trong và ngoài nước.
Phật Sơn gần với Quảng Châu hơn, nhưng về sản xuất thì không xa Hồng Kông và Thâm Quyến. Toàn bộ ngành sản xuất đã hình thành quy mô, và các doanh nghiệp có tính linh hoạt cao trong việc sản xuất các bộ phận linh kiện.
Có thể nói, Phật Sơn và chuỗi cung ứng toàn cầu từ lâu đã được liên kết chặt chẽ, chuỗi cung ứng nội bộ cũng đã hình thành nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Điều này rất rõ ràng trong ngành thiết bị gia dụng. Quận Thuận Đức của Phật Sơn là nơi đặt trụ sở của các công ty gia dụng nổi tiếng như Midea, Galanz và Bear Electric Appliance.
Lý Nhất Phong, người sáng lập, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Bear Electric Appliance, nói ông chọn khởi nghiệp ở Thuận Đức, Phật Sơn vì nhìn thấy chuỗi cung ứng hoàn thiện. Hệ thống hỗ trợ sản xuất phong phú, linh kiện đa dạng, bao gồm khuôn mẫu, thiết bị và dịch vụ thiết kế liên quan, đã tạo thành một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ chuỗi sản xuất hoàn thiện, các doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng ở Phật Sơn còn biết cách phá vỡ thế độc quyền của các sản phẩm từ phương Tây.
Máy nén khí ly tâm vốn do nước ngoài độc quyền, các thương hiệu Trung Quốc phải mua máy nén của các nhà sản xuất nước ngoài, sau đó tiến hành lắp ráp toàn bộ máy.
Đối mặt với khó khăn trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ maglev, tập đoàn Midea đã thành lập hệ thống nghiên cứu và phát triển ba cấp và sử dụng một nhóm nghiên cứu khoa học gồm hơn 100 kỹ sư chuyên nghiệp.
Hơn 80% đội ngũ có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, bao gồm 15 chuyên ngành như công nghệ điện từ, cảm biến điện tử, biến tần, thuật toán mô phỏng... đã nỗ lực thử nghiệm.
Sau 5 năm nghiên cứu, Midea Group cuối cùng đã đạt được bước đột phá trong công nghệ maglev từ 0 lên 1, thiết lập nền tảng thiết kế mô phỏng tổng thể cho hệ thống maglev và sở hữu khả năng thiết kế tiên tiến. Năm 2021, sản lượng sản xuất và kinh doanh máy ly tâm của Midea vượt 1.000 chiếc, vượt số lượng của 1 trong 4 tập đoàn sản xuất máy ly tâm lớn nhất của Mỹ, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ. Vào năm 2022, sản lượng sản xuất và tiêu thụ máy ly tâm của Midea dự kiến sẽ vượt 1.600 chiếc, tiếp tục thách thức vị trí hàng đầu của ngành.
Được thành lập vào năm 2006, Bear Electric đã nắm bắt lợi cơ hội trong thời đại Internet. Năm 2014, trong bối cảnh thương mại điện tử trỗi dậy, ông Lý Nhất Phong nhận thấy rất khó để xây dựng ngưỡng cạnh tranh từ một ngành hàng duy nhất, vì vậy ông đã xác định con đường đa chủng loại sản phẩm của các thiết bị gia dụng nhỏ sáng tạo.
Bear Electric đã chọn sản xuất các thiết bị gia dụng nhỏ sáng tạo như máy làm sữa chua và máy luộc trứng, thu tỷ suất lợi nhuận lớn. Bằng cách khám phá nhu cầu của "thị trường cái đuôi dài" (các công ty thu được lợi nhuận rất lớn bằng cách bán các mặt hàng hiếm có với số lượng ít cho nhiều khách hàng, thay vì chỉ bán các mặt hàng phổ biến với số lượng lớn) và kết hợp các kênh trực tuyến, công ty đã nhanh chóng mở đường và giành được vị trí dẫn đầu trên thị trường.
Chủ tịch Bear Electric cho biết việc phát triển sản phẩm đồ gia dụng của Trung Quốc đã thay đổi từ phụ thuộc vào nước ngoài sang tự nghiên cứu phát triển dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.
"Hiện nay ngày càng có nhiều sản phẩm nguyên bản ở Trung Quốc, và việc đổi mới sản xuất các thiết bị gia dụng nhỏ trong tương lai về cơ bản sẽ được sản xuất tại Trung Quốc."
Phát triển robot thông minh
Danh thiếp Made in Foshan không chỉ là đồ gia dụng.
Các thiết bị thông minh như robot, vốn được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, đang được sử dụng rộng rãi hơn trong ngành công nghiệp sản xuất. Sản xuất ở Phật Sơn cũng đang tiến triển theo hướng thông minh hóa và số hóa.
Năm 2017, Phật Sơn đã triển khai "Dự án cải tiến sản xuất thông minh của hàng trăm doanh nghiệp", đồng thời nỗ lực xây dựng trung tâm tích hợp đổi mới độc lập robot quốc gia. Năm 2022, Phật Sơn cũng đề xuất mở rộng và củng cố các cụm công nghiệp mới như sản xuất thiết bị cao cấp và robot thông minh.
Huashu Robot Co., Ltd là một công ty robot địa phương tiêu biểu ở Phật Sơn. Các lĩnh vực ứng dụng bao phủ thiết bị gia dụng nhỏ, thiết bị điện tử 3C, đồ dùng nhà bếp, ô tô và xe máy, kho bãi và hậu cần v.v....
Dương Lâm, Phó tổng giám đốc điều hành của công ty tiết lộ, trong 10 năm qua, công ty đã liên tiếp chinh phục hơn 400 dự án công nghệ robot cốt lõi với tỷ lệ tự chủ của các linh kiện cốt lõi của robot công nghiệp vượt 80%.
Sản xuất thông minh cũng được phản ánh phần lớn trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của hệ thống sản xuất sẵn có. Trong vòng 10 năm, Baldor-tech Co., Ltd. đã bắt tay vào con đường nâng cấp từ "bán sản phẩm" lên "bán dịch vụ".
10 năm trước, Baldor-tech Co., Ltd., được thành lập từ những ngày đầu, là một doanh nghiệp truyền thống chủ yếu kinh doanh máy nén khí và dịch vụ hậu mãi. Đến năm 2015, công ty bắt đầu phát triển độc lập nền tảng internet công nghiệp "Balde Cloud", kết nối các nhà máy, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng máy nén khí để trao đổi dữ liệu. Mở "Hệ thống quản lý khí nén đám mây Balde" trên điện thoại di động, người bán có thể giám sát hoạt động thiết bị của tất cả khách hàng trong thời gian thực. Đồng thời, khách hàng cũng có thể đăng ký sửa chữa và tìm kiếm dịch vụ hậu mãi thông qua hệ thống trực tuyến chỉ với một cú nhấp chuột.
Là một thành phố sản xuất truyền thống, Phật Sơn đã phát triển sản xuất thương mại bằng cách dựa vào tài nguyên phong phú và lợi thế địa lý trong nhiều năm. Trong 10 năm qua, cơ cấu công nghiệp của Phật Sơn liên tục được tối ưu hóa và ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến có lợi thế rõ ràng. Năm 2021, giá trị gia tăng của lĩnh vực chế tạo tiên tiến đạt 268,821 tỷ NDT, chiếm 49,4%, tăng 17,9 điểm phần trăm so với năm 2012.