Từ Kim Long đến Kinh thành Huế – P2: Thăng trầm qua lịch sử

Chia sẻ Facebook
16/06/2023 18:22:41

Kinh thành Huế được xây dựng từ năm 1805 và vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Tuy nhiên lịch sử Kinh thành Huế có nguồn gốc sâu xa hơn khi từ năm 1601 chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây 2 ngôi chùa đánh dấu vùng đất phong thủy tốt định đô lâu dài cho Đàng Trong.

Tiếp theo phần 1

Ngọ môn và lầu Ngũ Phụng nhìn từ bên trong. (Ảnh: Balate Dorin, Shutterstock)

Xây dựng Kinh thành Huế với nội hàm sâu sắc

Năm 1802, hậu duệ của các chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua hiệu là Gia Long. Kim Long và Phú Xuân là vùng đất thiêng của 9 đời chúa Nguyễn, vì thế mà vua Gia Long quyết định chọn lại nơi đây làm Kinh đô của nhà Nguyễn.

Vua Gia Long quyết định xây Kinh đô khang trang to đẹp hơn, nên năm 1803 cho khảo sát chọn địa điểm xây dựng Kinh thành. Năm 1805 việc xây dựng bắt đầu, 3 vạn binh lính và dân phu được huy động để xây dựng.

Về quy mô Kinh thành Huế, sách Đại Nam thực lục có ghi chép rằng:

“Ngày Quý Mùi, xây đắp Kinh thành. Suốt bốn mặt thành dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt hào dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Ðức, cửa Chính Nam, cửa Ðông Nam, bên tả là cửa Chính Ðông, cửa Ðông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc; ở góc đông bắc đắp đài Thái Bình, thành (của đài) mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Ðịnh; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình”.

Kinh thành Huế rộng lớn với diện tích 520 ha, vòng thành có chu vi 10 km, cao 6,6 mét, dày 21 mét.

Nhận thấy việc xây dựng vất vả nên vua Gia Long thưởng thêm cho binh lính và dân phu, đồng thời giảm các khoản thuế cho gia đình có người đi xây Kinh thành. Để đảm bảo sức khỏe cho binh lính và dân phu xây thành, Vua cho thay đổi thời gian làm việc theo thời tiết, đồng thời cử các thái y có mặt ở tất cả các công trình.


Việc xây dựng đang dang dở thì vua Gia Long mất vào năm 1820. Vua Minh Mạng lên nối ngôi tiếp tục việc xây dựng còn dang dở: “Phàm làm việc gì cũng chọn vật liệu cho tốt, làm cho vững bền, mong không hư phí của công, khó nhọc một lần mà được an nhàn mãi” (Đại Nam thực lục chính biên).


Đến năm 1832 thì việc xây dựng Kinh thành hoàn tất sau gần 30 năm. Kinh thành Huế được xây dựng theo văn hóa phương đông với nội hàm của Nho gia. Phía ngoài kinh thành còn có các công trình khác phục vụ cho văn hóa giáo dục như Văn Miếu, Võ Miếu, Quốc Tử Giám, Trường Thi… (Về nội hàm văn hóa của Kinh thành Huế, xem thêm: Đạo trị quốc trong kiến trúc kinh thành Huế )

Ngoài Kinh thành thì 4 ngôi chùa được xem là quốc tự cũng được tu sửa là Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên.

Bên trong Đại Cung môn. Công trình kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói lưu ly. (Ảnh: Kiennguyen546193, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Dưới thời thuộc Pháp, vua Khải Định cho xây dựng và cải tạo một loạt công trình mới theo phong cách châu Âu nhưng dựa trên phong thủy phương đông, cách bài trí tuân thủ theo Nho giáo.

Chiến tranh tàn phá

Sau năm 1945, chiến tranh liên miên tàn phá, Huế ở giao truyến giữa hai miền nam bắc, trở thành chiến trường ác liệt của các bên tham chiến. Điện Cần Chánh cùng hàng loạt công trình khác bị thiêu rụi, cầu Trường Tiền bị đánh sập 2 lần. Cuộc chiến Mậu Thân năm 1968 khiến đàn Nam Giao bị chặt trụi thông, các khu Quan Cư, Binh Xá, Thần Trù… vòng tường thành ngoài cùng bị phá hủy. Tử Cấm Thành là trung tâm sinh hoạt của hoàng gia, nằm ở phía sau điện Thái Hòa, gần như bị phá hủy hoàn toàn. Khu lăng tẩm cả bên trong lẫn ngoài Kinh thành bị tàn phá, do không có ai quản lý nên nơi đây cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Sau năm 1975 đã có ý kiến về việc bảo vệ và tu sửa Kinh thành Huế nhưng nhanh chóng bị lãng quên bởi định kiến chính trị. Nhiều nơi bị sử dụng không đúng mục đích, như khu vực Đại Nội bị biến thành làm nơi sinh sống, làm việc của Xí nghiệp truyền thanh và Xí nghiệp in tỉnh Bình Trị Thiên; Tàng Thư Lâu là nơi lưu trữ các tài liệu lớn nhất thời nhà Nguyễn bị biến thành khu nhà ở khiến bị hư hại nặng; đàn Nam Giao bị phá để xây tượng đài liệt sỹ.

Tả Vu trong Tử Cấm thành, Huế. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, Public Domain)

Thế giới giúp đỡ khôi phục Kinh thành Huế

Đến năm 1981 ở Hà nội, tổng giám đốc UNESCO là Amadou Mahtar M’Bow đã phải kêu gọi cứu vãn các công trình ở Huế, tác động quốc tế giúp đỡ trùng tu các công trình ở Huế để trở lại như xưa. Đến lúc này chính quyền mới chú ý đến việc trùng tu bảo tồn các công trình văn hóa lịch sử ở Huế.

Năm 1982, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được thành lập, phối hợp cùng UNESCO tôn tạo nhiều công trình quan trọng như Ngọ Môn, Thái Hòa, Hưng Tổ Miếu, Long An Điện, Kỳ Đài… với số vốn là 66 tỷ đồng do địa phương và tổ chức quốc tế giúp đỡ. Năm 1999 có thêm một đợt trùng tu với số tiền 20 tỷ từ ngân sách trung ương.


Năm 1993, UNESCO đã đưa Quần thể di tích Cố đô Huế vào Danh mục Di sản Thế giới. năm 1994, Phó Tổng Giám đốc UNESCO ông Daniel Janicot đến Huế trao tấm bằng chứng nhận của UNESCO cho Huế với dòng chữ: “Ghi tên vào danh mục công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hóa hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích nhân loại”

Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.


Trần Hưng

Lịch sử Đàn Nam Giao nhà Nguyễn

Mời xem video “Một người có thể không thành công nhưng nhất định phải thành thục”

Chia sẻ Facebook