Từ 'hổ đói' thành 'hổ giấy': Quỹ từng 'nuốt chửng' giới đầu tư mạo hiểm nay gục ngã trước biến động, ôm lỗ hàng chục tỷ đô
Ở độ tuổi 20, Chase Coleman - giám đốc điều hành của quỹ Tiger Global Management, được coi một "thần đồng" trong lĩnh vực quỹ phòng hộ. Khi 40 tuổi, ông được mệnh danh là "huyền thoại" của ngành. Song, giờ đây Coleman lại đang gặp nhiều khó khăn.
Sau năm 2021 đầy gian nan, Tiger Global đã ghi nhận những khoản lỗ chồng chất trong năm nay và gây chấn động cho cả ngành. Quỹ phòng hộ chính của ông ghi nhận tỷ suất sinh lời giảm 15% trong tháng 4 và khiến mức lỗ cả năm 2022 lên tới 44%. Trong khi đó, quỹ vị thế bán của ông còn có hiệu suất tồi tệ hơn, giảm 25% vào tháng trước và 52% từ đầu năm đến nay.
Tiger Global từng "lên mây" giờ "rơi xuống đất"
Nguyên nhân khiến hiệu suất của Tiger Global kém khả quan đến vậy là do một loạt các vụ đặt cược lớn rơi vào thế "short squeeze" (ép mua), thị trường biến động do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và đợt sụt giảm kinh hoàng của nhóm cổ phiếu công nghệ cả ở Mỹ, Trung Quốc. Hôm 29/4, quỹ này đã lên tiếng thừa nhận về thành tích kém vượt trội, đây là một điều mà quỹ 100 tỷ USD hiếm khi phải lên tiếng khi có những khoản lãi lớn trong suốt 2 thập kỷ.
Tiger Global được sáng lập bởi Coleman và cộng sự của ông là Scott Shleifer. Quỹ từ lâu đã được coi là yếu tố mang lại ánh hào quang cho những năm tháng rực rỡ của ngành quỹ phòng hộ, khi thường ghi nhận tỷ suất sinh lời 2 con số. Coleman đã chỉ ra rằng cấu trúc tính phí "2 và 20" – 2% phí quản lý (management fee) và 20% phí hiệu quả đầu tư (incentive fee) là hợp lý. Chỉ riêng trong năm 2020, Tiger Global đã có tỷ suất sinh lời tới 48%.
Sự xoay chuyển trong hiệu quả đầu tư của Tiger Global gần đây đã ảnh hưởng đến thanh danh của Coleman. Với 35 tỷ USD mà công ty này đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết,các nhà đầu tư bao gồm các quỹ, quỹ quyên tặng và quỹ hưu trí, cùng một số nhân vật nội bộ của Tiger Global đã lỗ hơn 10 tỷ USD. Hơn nữa, tài sản của Coleman cũng mất 1,3 tỷ USD, theo tính toán của Blooomberg Billionaires Index.
Coleman là một nhà phân tích công nghệ tại quỹ phòng hộ Tiger của Julian Robertson trong gần 4 năm, sau đó chính thức trở thành một "thành viên của" Tiger Club vào năm 2001. Đây là một thuật ngữ nói về những "học trò" của Robertson đã thành lập công ty riêng.
Ban đầu, quỹ của Coleman là Tiger Technology sau đó họ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực thanh toán, giáo dục và một số mảng khác, đổi tên thành Tiger Global. Vào đầu những năm 2000, Coleman và Shleifer đã thực hiện thêm một số khoản đầu tư tư nhân và nhận thấy có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn khi mở rộng bên ngoài thị trường công.
"Thảm hoạ" đầu tiên của Tiger Global diễn ra vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi đó họ mất 26% và tăng 1% vào năm sau. Do đó, Coleman đã thay đổi chiến lược, cam kết sẽ tập trung vào lĩnh vực "cốt lõi" của họ là công nghệ, tránh các ngành dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện chính trị và vĩ mô. Cách tiếp cận này đã đưa Tiger Global lên đến đỉnh cao, với năm 2020 ghi nhận tỷ suất sinh lời hàng năm là hơn 20% khi chỉ có 2 năm thua lỗ.
Với phong cách đầu tư táo bạo, Tiger Global thậm chí còn khiến các quỹ ở Thung lũng Silicon phải dè chừng. Họ sẵn sàng mạnh tay "xuống tiền", trả giá cao hơn cho các startup có tốc độ tăng trưởng cao. Chỉ trong năm 2021, họ đã đầu tư vào hơn 170 startup, nhiều hơn gấp đôi so với tổng số thương vụ thực hiện trong năm 2020. Trung bình, quỹ này "chốt" 3 thương vụ mỗi tuần.
Những khoản đặt cược thất bại
Còn bây giờ, những khoản đặt cược lớn nhất lại đang kéo Tiger Global lao dốc. Thị trường đã trở nên hỗn loạn trong năm nay do lạm phát cao và kỳ vọng về việc các NHTW nâng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine lại "dội thêm một gáo nước lạnh". Nasdaq 100 và Russell 2000 đã rơi vào "thị trường con gấu" trong quý đầu tiên của năm nay khi giảm tới 20%, dù đã hồi phục phần nào vào cuối tháng 3.
Việc các khoản đầu tư của Tiger Global gắn chặt với các công ty công nghệ, đặc biệt là từ Trung Quốc, từng mang lại "trái ngọt" cho họ. Ví dụ điển hình là JD.com. Tiger Global đầu tư tới 200 triệu USD vào năm 2009 và cuối cùng lãi ròng tới 5 tỷ USD. Tính đến ngày 31/12, đây vẫn là khoản nắm giữ lớn nhất của quỹ.
Bị ảnh hưởng bởi xu hướng chung của thị trường, cuộc trấn áp quy định ở Trung Quốc và căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington, cổ phiếu JD.com đã giảm 20% vào năm ngoái và tiếp tục mất 16% từ đầu năm đến nay.
Trong bức thư của nhóm đầu tư Tiger Global công bố hôm thứ Sáu, quỹ cho biết: "Nhìn lại, đáng lẽ chúng tôi nên bán nhiều cổ phiếu hơn trong danh mục của mình vào năm 2022."
Đối với các khoản đầu tư tư nhân của quỹ này, các giám đốc đã "điều chỉnh hạ định giá" để giảm áp lực đối với các khoản đầu tư công, Tiger Global cho biết trong bức thư gửi khách hàng. Tiger Global đang sở hữu cổ phiếu của các công ty tư nhân bao gồm ByteDance, Stripe, Checkout và Databricks.
Hiện vẫn chưa rõ việc hạ định giá như trên ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư mạo hiểm của Tiger Global - mảng quản lý tới 65 tỷ USD tài sản vào năm ngoái. Gần 1/4 khoản đặt cược tư nhân của Tiger tính đến tháng 8 đều ở Trung Quốc - vốn đã trở thành "bãi mìn" cho nhà đầu tư khi giới chức nước này thay đổi chính sách.
Các quỹ Private Investment Partners của Tiger - được Shleifer dẫn dắt, đã mua cổ phần không chi phối trong các startup và có tỷ suất sinh lời trung bình 27% mỗi năm. Năm ngoái, các quỹ này ghi nhận tỷ suất tăng 54% và mang về 4 tỷ USD cho nhà đầu tư, theo nguồn tin thân cận. Bất chấp những biến động trong năm nay, các quỹ đầu tư công của Tiger vẫn ghi nhận dòng vốn ròng hàng tháng trong năm nay và quỹ đầu tư mạo hiểm PIP 15 vừa huy động được 12,7 tỷ USD.
Tham khảo Bloomberg
Theo Vu Lam
Nhịp sống kinh tế