Từ hình thức tới không trung thực trong "nghiên cứu khoa học" học sinh
Cà phê là cái cớ, cái chính là anh “kể” cho tôi về sự khó chịu của mình xung quanh việc mà anh cho là hình thức không chịu được trong một vài cuộc thi của học sinh mà anh được mời tham gia ban giám khảo...
Sáng sớm, một ông anh là thành viên Hội đồng Khoa học của một tỉnh, hay được mời tham gia phản biện về một số vấn đề thuộc lĩnh vực của anh gọi điện hẹn cà phê. Không chỉ là một chuyên gia về lĩnh vực của mình, anh còn là cuốn sử sống về vùng đất anh sống, và còn là một nhà nghiên cứu chỉn chu, cẩn thận.
Là bằng sự cẩn thận chỉn chu của mình, anh lẩn mẩn bỏ ra cả tuần đọc, so sánh, nghiên cứu về việc... “nghiên cứu” của học sinh trong trường học.
Thực ra lâu lâu chúng ta cũng hay nghe báo chí “ca ngợi” công trình này công trình kia của học sinh này học sinh nọ ngang tầm... luận văn đại học, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng lạ là, nghe rồi để đấy, và sau đấy lại... nghe nữa, đọc nữa.
Ngành giáo dục có phong trào sáng kiến kinh nghiệm trong giáo viên, và học sinh thì có cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, hoặc thi sáng tạo trong thanh thiếu niên nhi đồng, tên gọi thế nhưng chủ yếu là học sinh tham gia và do Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì, có sự phối hợp với Liên hiệp Khoa học kỹ thuật, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh.
Và ông anh này nhẩn nha, ông ạ, tôi thấy có lúc cuộc thi này lạ lắm, có khi một là thầy làm và hai là... phụ huynh làm...
Ấy là sự can thiệp quá tay của phụ huynh hoặc thầy, cô giáo hướng dẫn nghiên cứu, từ nội dung thuyết minh giải pháp đến danh mục tài liệu tham khảo. Khi giám khảo hỏi sâu về quy trình, công nghệ vận hành của mô hình, sản phẩm, có nhóm học sinh đã tắc tị, không thuyết minh được dù trên danh nghĩa là các cháu trực tiếp nghiên cứu. Lại có giải pháp tương tự đề tài một luận án tiến sĩ Hóa học của một tác giả thuộc Đại học Huế mới bảo vệ cách đây vài năm.
Một đồng nghiệp của tôi đã từng phải viết trên báo: “Nhìn rộng ra, đã có một số cuộc thi cấp quốc gia làm “dậy sóng” các diễn đàn về khoa học, giáo dục với những nghi ngại về bệnh thành tích. Gần đây nhất, tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 (diễn ra từ ngày 25 đến 27-3), dư luận đã đặt dấu hỏi về sự xuất hiện các đề tài “khủng” vượt quá tầm hiểu biết, khả năng của học sinh phổ thông, cả trường hợp tiêu cực, sao chép hàng loạt đề tài đã đạt giải. Dĩ nhiên, học sinh trung học chưa đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật bài bản, chuyên nghiệp nên sự hỗ trợ của thầy-cô giáo và gia đình là điều cần thiết. Dù vậy, hỗ trợ và hướng dẫn ở mức nào để đây vẫn là sản phẩm trí tuệ của chính các em là vấn đề cần hết sức để tâm”.
Ông anh kể: “Cái đề tài máy hấp cà phê này: ông bố làm phần cơ khí (vì ổng làm công ty chế biến cà phê), ông thầy Vật lý làm phần điều khiển tự động hấp, quạt mát, đứa con nhỏ đi thi cuộc thi của thành phố, đứa con lớn đem đi thi cuộc thi của Sở Giáo dục & Đào tạo sau đem đi thi tiếp bên Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (KHKT); khi thi bên khoa học kỹ thuật tôi yêu cầu zoom lớn các giấy chứng nhận, té ra ông bố nộp đơn đề nghị công nhận bản quyền mang tên ông bố. Cuối cùng BTC cuộc thi bên Khoa học Kỹ thuật quyết định không trao giả. Năm sau 2 thằng con ổng lại đem đi dự thi Khởi nghiệp được và giải khuyến khích”. Có trường hợp như giải pháp “máy hấp cà phê, thân thiện môi trường” đã được đem dự thi đến 4 cuộc thi!
Đầu tiên là em tên C., học cấp 2 thi cấp thành phố P, sau đó người anh tên K., học cấp 3 đem nộp dự thi bên sở Giáo dục & Đào tạo, tiếp đó nộp dự cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật do Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tổ chức và sau đó cả K. và C. dự thi Khởi nghiệp được giải khuyến khích. Trong lúc người nộp đơn xin chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ là ông bố của 2 em này”.
Chẳng đặng đừng, ông anh này phải gửi thư cho ban tổ chức một cuộc thi, xin trích một đoạn: “Nhiều dấu hiệu cho thấy, và nhiều người cùng thấy: số lượng giải pháp dự thi nay đã nhiều và chất lượng cũng tăng lên rất cao. Nhưng vấn đề ngoài những giải pháp do chính các cháu tự làm thì gần đây có những giải pháp có nghi vấn là có phải do các cháu tự làm và thầy cô chỉ tham gia hướng dẫn chỉnh sửa hay do thầy cô làm cả từ thuyết minh giải pháp lẫn các thực nghiệm? hoặc thầy cô lấy đề tài thạc sĩ của mình đưa ra cho các cháu học rồi nộp dự thi, các cháu chỉ học thuộc như con vẹt để lên trình bày? Trong tay tôi hiện nay đang có trên 10 giải pháp có dấu hiệu là đề tài thạc sĩ của thầy, cô, ví dụ: Đề tài “Tổng hợp Nano đồng trên nền Chitosan …” (vì đề tài này 5 năm trước là đề tài tiến sĩ của một trường Đại học, mà nhóm tác giả thậm chí có 2 em học lớp 10), hoặc đề tài Chế phẩm NMĐ và đề tài Tinh bột kháng từ bột đậu đen mới dự thi năm nay. Nói là dấu hiệu đề tài Ths, Ts là vì tài liệu tham khảo các cháu nêu có từ 10 đến 26 tài liệu tiếng Anh (cá biệt giải pháp hạt Macca năm ngoái, danh mục tài liệu tham khảo còn nhiều gấp đôi), và thực nghiệm thì từ các in vitro và in vivo từ các labo tận ngoài Hà Nội!
Nếu thầy cô nhúng tay nhưng qua tham gia làm, thầy cô dịch tóm tắt một số tài liệu tham khảo chính, cốt lõi cho các cháu đọc để mở mang kiến thức thì tôi cho là cũng tốt, nhưng có vẻ không phải như vậy, trong quá trình nhận xét tôi đã từng nêu những trường hợp trích dẫn “phái sinh” có khi các thầy cô cũng chưa đọc tài liệu gốc mà chép lại từ người khác như trường hợp chiết suất sâm Đương Quy trích dẫn Đỗ Tất Lợi sai trang sách, trường hợp tổng hợp Nano đồng trên nền Chitosan… trích dẫn mà không ghi nguồn cụ thể vì trích dẫn lại trên Web đăng tải. Còn thực nghiệm thì nếu các cháu được tham gia sử dụng labo thì tôi cho là cũng hay vì đó là cách dạy và học tốt, nhưng đây là các labo của các Viện ngoài Hà Nội làm cả, từ phổ tia X Quang lẫn phổ tia Hồng ngoại, các thí nghiệm xác định thành phần hóa học, in vitro, in vivo…Và có dấu hiệu “Thuyết minh giải pháp dự thi” do thầy, cô hướng dẫn viết toàn bộ: như giải pháp chế phẩm từ Macca thi năm ngoái, giải pháp chế phẩm từ Thì là và Nhàu vừa dự thi”...
Có cháu học sinh đi thi còn khoe cả giấy chứng nhận sẽ in bài của một tạp chí khoa học. Chuyện các Tạp chí khoa học in bài cũng nhiều chuyện để nói nữa.
Từ các cuộc thi hình thức tiến tới sự giả dối, không trung thực trong “nghiên cứu khoa học” rất gần nhau. Và, không chỉ trong học sinh, ngay với giáo viên, trong việc thực hiện “sáng kiến kinh nghiệm” cũng có những ý kiến trái chiều. Không trách họ, mà trách chính cách chúng ta tổ chức cho có, chưa thực chất.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.