Từ gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm, trái phiếu,… Gian nan đòi lại số tiền
Vì nhiều nguyên nhân, người dân mua phải các sản phẩm như: Chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm,... nhưng vẫn lầm tưởng là "gửi tiết kiệm".
Một nhân viên ngân hàng hiện nay bị áp rất nhiều chỉ tiêu cho các sản phẩm tài chính, ngoài huy động tiền gửi, cho vay,… còn có trái phiếu, bảo hiểm, chứng chỉ đầu tư, v.v… Do đó, đã xuất hiện nhiều tình trạng tư vấn sai lệch, chồng chéo và nhập nhằn tên gọi khiến người dân lầm tưởng đều là “gửi tiết kiệm” của ngân hàng.
Người dân nhiều nơi đến ngân hàng SCB đòi tiền, tố lừa đảo mua trái phiếu
Theo đó, hiện tại ở Việt Nam, gửi tiết kiệm là một trong những sản phẩm huy động vốn phổ biến nhất của các ngân hàng và cũng được cho là “an toàn nhất” trong các sản phẩm tài chính trên thị trường.
Vài năm trở lại đây, nhân viên ngân hàng không đơn thuần kiếm thêm thu nhập từ dịch vụ huy động tiết kiệm. Ngành ngân hàng ngày càng bán chéo nhiều sản phẩm tài chính hơn. Trong đó, các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ tiền gửi… được bán mạnh, thậm chí áp chỉ tiêu doanh số hàng tháng cho các giao dịch viên, theo báo Dân Trí.
Khi người dân đến giao dịch tại ngân hàng, có nhu cầu gửi tiết kiệm là chính nhưng với sự tư vấn và mập mờ trong khái niệm, đã khiến người dân từ gửi tiết kiệm thành mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, v.v…
Vừa qua, có thể kể đến một số vụ liên quan đến ngân hàng SCB, Techcombank, Bảo hiểm Manulife, Chứng khoán Tân Việt,… đã được người dân tố cáo và cơ quan nhà nước vẫn đang điều tra.
Theo tờ Tuổi Trẻ, hành trình khiếu nại đầy chông gai về việc gửi tiết kiệm nhưng bị “lái” sang bảo hiểm nhân thọ, một số khách hàng đã được hoàn tiền song nhiều người khác vẫn bị từ chối với nhiều lý do khác nhau. Chị Ngân (26 tuổi, nhân viên Spa) đã lớn tiếng chỉ trích vì hợp đồng của chị đã bị giả chữ ký, khiến cho mục đích của chị đến Techcombank để gửi tiết kiệm 70 triệu đồng thành mua bảo hiểm.
Nhìn chữ ký, người thân của chị Ngân đi cùng khách hàng cảm thán: “Nổi da gà luôn”, vì đây là chữ ký giả. Theo quy định, sau khi ký tên vào tờ giấy này, khách hàng mới chính thức có 21 ngày cân nhắc duy trì hoặc hủy tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Nếu khách hàng chưa ký, 21 ngày cân nhắc chưa được tính. Còn nếu người khác giả chữ ký, hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
Theo chị Ngân, sau 4 năm vất vả kiếm sống tại TP.HCM, chị dành dụm được 70 triệu đồng. Tuy nhiên, do được cử đi xuống cơ sở spa ở Đồng Nai vài tháng, thấy cầm nhiều tiền mặt không an toàn, chị Ngân mang toàn bộ tới Techcombank (Đồng Nai) gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, trong một lần tình cờ đưa “sổ tiết kiệm” cho bạn xem, chị Ngân mới tá hỏa khi biết đã mua bảo hiểm nhân thọ, không có sổ tiết kiệm nào từ ngân hàng. Ngoài 70 triệu ban đầu, chị Ngân còn “gửi tiết kiệm” thêm 10 triệu đồng (thực chất là đã hạ mệnh giá bảo hiểm).
“Cả đêm hôm đó tôi mất ngủ. Hôm sau ra ngân hàng để rút tiền nhưng không được” , chị Ngân nói. Mặc dù gửi đơn khiếu nại, lui tới ngân hàng nhiều lần, được luật sư hỗ trợ và đã có báo chí phản ánh, song kết quả khách hàng này nhận về vẫn là lời từ chối hoàn tiền, với lý do đã ký tên trên hợp đồng bảo hiểm, nhân viên đã tư vấn đầy đủ.
Chị Ngân khẳng định không phải làm nghề kinh doanh bách hóa tổng hợp với mức thu nhập lên tới 50 triệu đồng/tháng, tương đương 600 triệu/năm như trong “Bảng phân tích nhu cầu tài chính” ghi (tài liệu tách rời hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khách hàng phải “xin” công ty bảo hiểm mới có).
Trưa cùng ngày hẹn, tài khoản ngân hàng của chị Ngân được một người tên L.Q.Tư gửi đến (trùng tên với đại diện Manulife tại Techcombank) chuyển đến hơn 80,8 triệu đồng, dù nhân viên ngân hàng chưa từng thừa nhận giả chữ ký. Nhận tiền xong, chị Ngân đồng ý làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm và thỏa thuận không khiếu nại tiếp.
Một số khách hàng được Manulife đồng ý hoàn tiền nhưng phải ký vào giấy xác nhận: “Tôi sẽ không tiết lộ, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất kỳ thông tin nào về nội dung trao đổi, các văn bản, thỏa thuận, email, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm/ghi hình cuộc họp liên quan đến vụ việc này giữa tôi và công ty cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông và/hoặc mạng xã hội nào” , cũng theo Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, sau nhiều tháng chờ đợi, bị hẹn từ lần này đến lần khác với lý do “đang trong quá trình xem xét”, nhiều khách hàng ở TP.HCM đã gửi mail đặt lịch hẹn đối chất trực tiếp tại trụ sở Manulife.
Gian nan đòi lại tiền tiết kiệm:Theo Tuổi Trẻ, không phải nạn nhân nào cũng được hoàn tiền như chị Ngân. Dù đã gửi đơn khiếu nại nhưng nhiều khách hàng vẫn bị từ chối hoàn tiền, với lý do đã ký vào giấy “Xác nhận đã nhận hợp đồng bảo hiểm”, đã qua 21 ngày cân nhắc hủy hợp đồng. Không ghi âm, ghi hình quá trình được tư vấn tại ngân hàng nên nhiều khách hàng cảm thấy bất lực. Sau khi biết Luật kinh doanh bảo hiểm quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối lúc giao kết, nhiều khách hàng đã tới văn phòng bảo hiểm nhân thọ Manulife (quận 1, TP.HCM) lấy các tài liệu gồm giấy xác nhận đã nhận hợp đồng bảo hiểm, bảng phân tích tài chính và phiếu đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro nhằm xem thông tin kê khai có đúng sự thật không, có phải do mình ký tên không. Tuy nhiên, có khách hàng bị nhân viên từ chối cung cấp tài liệu ngay với lý do “thông tin nội bộ”. Một số khách phải tới lần thứ ba mới được cung cấp. Sau khi đọc các tài liệu này, nhiều khách hàng khẳng định không có nghề nghiệp và mức thu nhập cao như trong tài liệu, cũng không có kinh nghiệm đầu tư trái phiếu, chứng khoán phái sinh. |
Tuấn Minh
Gửi tiết kiệm SCB thành mua bảo hiểm Manulife: Chuyển sang cơ quan điều tra
Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm vừa có phiếu chuyển các đơn tố giác của người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng lại thành mua hợp đồng bảo hiểm.