Từ giải thưởng quốc tế nghĩ đến vấn đề bắt tay làm du lịch

Chia sẻ Facebook
10/09/2022 08:11:02

Mấy hôm nay nhiều địa phương và doanh nghiệp “khoe chiến tích” đạt được tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới 2022 khu vực châu Á và châu Đại Dương (World Travel Awards 2022 – Asia Pacific).

Từ giải thưởng quốc tế nghĩ đến vấn đề bắt tay làm du lịch

Họ có quyền làm điều này vì đây được xem là giải Oscar trong ngành du lịch thế giới. Đạt được giải này sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong xúc tiến điểm đến và quảng bá thương hiệu. Nhìn vào danh sách những đơn vị chiến thắng trong các hạng mục năm nay, người viết bất chợt nghĩ về chuyện cũ mà không cũ.

Đó là hợp tác giữa các điểm đến du lịch nằm trong một vùng, trong đó có miền Trung – nơi mà năm nào cũng thu hút một lượng lớn khách nội địa và quốc tế từ hai đầu miền Bắc và miền Nam.

Cụ thể, năm nay thành phố Đà Nẵng thắng giải điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á trong khi thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) được vinh danh là điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á.

Về thực tế, những giải thưởng trên cũng phản ánh chính xác lợi thế mà những địa phương này đang nắm giữ.

Đà Nẵng là cửa ngõ của các chuyến bay nội địa và quốc tế đến miền Trung. Thành phố này cũng sở hữu số lượng phòng khách sạn, nghỉ dưỡng lớn nhất và đi cùng với đó là các khu hội nghị và khu du lịch quy mô lớn, phù hợp cho loại hình MICE (sự kiện kết hợp du lịch). Hội nghị cấp cao APEC 2017 hay mới đây triển lãm đường bay châu Á Routes Asia 2022 là ví dụ.

Trong khi đó, Hội An không chỉ là bảo tàng sống của các công trình kiến trúc mà còn nằm ở nền văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Những làng nghề truyền thống vẫn đang được người dân nơi đây giữ gìn và phát triển như mộc Kim Bồng, rau Trà Quế hay gốm sứ Thanh Hà. Văn hóa của Hội An còn được thể hiện qua lối sống xanh và kinh doanh xanh.

Tuy không đạt được giải thưởng năm nay, nhưng thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) lâu nay là điểm đến ưa thích của khách quốc tế tìm hiểu những giá trị di sản mang tính lịch sử của cố đô được UNESCO công nhận. Thời gian gần đây Huế còn đưa quần thể di tích cố đô Huế đến gần hơn với người dân và du khách.

Ba địa phương miền Trung này nối với nhau bằng con đường ven biển kéo dài từ phá Tam Giang qua Lăng Cô đến vịnh Đà Nẵng và kết thúc tại biển Cửa Đại.

Trong những năm qua, không chỉ các doanh nghiệp mà ở tầm chính quyền địa phương đều mong muốn có những hợp tác thực tế để cùng nhau thu hút khách du lịch dựa vào những tiềm năng vốn có của riêng mình.

Lãnh đạo ba địa phương này đã từng ký thỏa thuận hợp tác du lịch. Liên minh du lịch cấp sở cũng đã được thiết lập. Các doanh nghiệp cũng đã lên ý tưởng khai thác tour kết nối ba địa phương.

Trong tour 3 ngày 2 đêm, khách du lịch có thể trải nghiệm dịch vụ giải trí, lễ hội tại Đà Nẵng, văn hóa xưa và lối sống xanh tại Hội An cùng những giá trị văn hóa, lịch sử của Huế. Tùy vào từng thời điểm mà nội dung chi tiết trong tour có thể thay đổi. Thậm chí tour dọc biển ba địa phương này cho những trải nghiệm khách nhau.

Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là một khoảng cách đến nay chưa thể kéo gần lại được. Tham gia thực tế và ghi nhận từ các chuyến du lịch ba địa phương (cùng với công ty tour hoặc tự túc) mới thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ở tầm vĩ mô, đó là liên minh du lịch ba địa phương này vẫn chưa có được một chính sách về khai thác du lịch chung. Đã có công ty phải gửi ba tờ đơn xin hỗ trợ về giá vé tham quan theo đoàn cho lãnh đạo du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế khi tổ chức đoàn khách tham quan ba điểm đến trên.

Ở tầm vi mô, đó là tâm lý “ngại” công khai hợp tác giữa các doanh nghiệp tại ba địa phương vì sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ làm ăn. Điều này phần nào đó khiến khách du lịch không thể có một trải nghiệm trọn vẹn sự đa dạng của du lịch miền Trung.

Và đó cũng chỉ là hai trong nhiều vấn đề mà không thể đề cập hết trong bài viết này.

Một doanh nhân làm du lịch lâu năm cho hay lợi thế của du lịch miền Trung để có thể hợp tác, khai thác tốt các nguồn khách du lịch một cách bền vững là sự khác biệt giữa các địa phương trong vùng. Điều này khác với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm na ná nhau liên quan đến miền sông nước.

Ba địa phương này chỉ cần “xuất bản” được chính sách chung như đề cập ở trên chẳng hạn, là đã có thể “hòa hợp” được những khác biệt đó lại với nhau, tạo tiền đề để dần đưa những “thỏa thuận bằng văn bản” đã ký trước đây gần hơn với thực tế.

Hiện nay ba địa phương này đều lấy du lịch xanh, bền vững dựa trên những giá trị riêng làm định hướng phát triển. Vậy tại sao không ngồi lại với nhau để có được những chương trình, tour cụ thể, hướng đến một “Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam xanh” chẳng hạn?

Nhân Tâm


TBKTSG

Chia sẻ Facebook