Từ game thủ tới vận động viên quốc gia - ánh hào quang có phải là may mắn?

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 13:30:07

Kết quả nhất toàn đoàn SEA Games 31 với 4 Huy chương vàng và 3 Huy chương bạc của đội tuyển thể thao điện tử (eSports) Việt Nam là câu trả lời rõ ràng nhất cho những ai còn hoài nghi về sự nghiêm túc của các bạn trẻ theo đuổi con đường trở thành vận động viên eSports chuyên nghiệp.

eSports Việt Nam nhất toàn đoàn tại SEA Games 31.


Trưởng thành từ những trận đấu "tự phát"

Trong cộng đồng yêu mến eSports tại Việt Nam, các thành viên Team Flash (Tốc chiến) hay ViCoi (PUBG Mobile) không phải là những cái tên xa lạ. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng các vận động viên này đã có trong tay kha khá kinh nghiệm tranh tài tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước khi được gọi bằng danh hiệu "vận động viên", những cá nhân nói trên cũng chỉ có thể tham gia các cuộc thi tự tổ chức với quy mô rất nhỏ.

Cách đây vài năm, khi các bộ môn như Liên minh huyền thoại PC, Tốc chiến, PUBG Mobile chưa được VNG phát hành chính thức tại Việt Nam, các bạn trẻ yêu mến bộ môn này thường tự tập hợp nhau và cùng tổ chức các buổi thi đấu, hay chỉ đơn giản hơn là buổi họp mặt online. Tất nhiên, con đường đến với sự nghiệp trở thành VĐV còn rất xa vời vì các giải đấu tự phát sẽ không có đủ tiêu chuẩn để các VĐV được cấp chứng chỉ - điều kiện bắt buộc khi muốn tham gia các giải đấu quốc tế. Trong khi Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã có các ngành đào tạo về thể thao điện tử bởi tiềm năng tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm, thì các tuyển thủ trẻ tại Việt Nam vẫn loay hoay chơi các phiên bản quốc tế không hỗ trợ tiếng Việt, và không có một cộng đồng đủ mạnh được kết nối trên cả nước.

Tuy nhiên, những thiếu thốn đó cũng không làm giảm đi sức hút của eSports đối với các bạn trẻ, bằng chứng là các trận đấu được livestream vẫn thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận. Đây chính là động lực để nhiều bạn trẻ bước chân vào con đường VĐV chuyên nghiệp và có thu nhập bằng chính niềm đam mê của mình.

Theo đuổi con đường Vận động viên eSports chuyên nghiệp

Việc các bộ môn eSports được phát hành chính thức tại Việt Nam là một bước ngoặt lớn. Các phiên bản trò chơi được cập nhật liên tục, Việt hóa đầy đủ, hỗ trợ thường xuyên và đặc biệt là một cộng đồng chính thức được lập ra tạo cơ hội lớn cho các tuyển thủ trong nước được giao lưu, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt, sự thành lập của Hiệp hội giải trí và Thể thao điện tử Việt Nam VIRESA đã cho thấy eSports đang dần được xã hội công nhận. Các giải đấu trong nước với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu như máy móc, huấn luyện viên, trọng tài viên,… được tổ chức đều đặn, trở thành tiền đề để các VĐV tham gia thi đấu trong khu vực và trên toàn thế giới như WCS SEA (Tốc chiến) hay PMPL SEA (PUBG Mobile).

SEA Games 31 là lần đầu tiên của nhiều tuyển thủ khi mang trong mình trọng trách đại diện Việt Nam thi đấu tại Đại hội thể thao Đông Nam Á, và không phụ lòng người hâm mộ, tuyển eSports Việt Nam đã xếp nhất toàn đoàn với tổng 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc. Kết thúc SEA Games 31, Thủ tướng chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen cho các vận động viên esports Việt Nam đạt huy chương vàng.

Trên thực tế, để có được kết quả đáng mừng như trên, thể thao điện tử Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đối với các vận động viên ở một số bộ môn như Mobile Legends Bang Bang, họ chỉ có thể gặp nhau ít ngày trước khi cùng thi đấu chính thức, vừa phát triển kĩ năng cá nhân và vừa luyện tập thi đấu đồng đội. Các game thủ tham gia thi đấu eSport là những người chơi giỏi, có kỹ thuật chuyên nghiệp, không chỉ am hiểu về game mà còn có kỹ năng chơi nhóm và hiểu rõ về nhau để hỗ trợ nhau trong mọi tình huống. Thi đấu eSports không đơn giản chỉ là đấu game bình thường mà ở đó còn đòi hỏi tư duy chiến thuật, kế hoạch rõ ràng, khả năng phối hợp ăn ý… Trong khi ở nhiều quốc gia, thể thao điện tử đã được đưa vào trường đào tạo bài bản thì ở Việt Nam, các vận động viên vẫn chủ yếu tự luyện tập, quan sát và học hỏi qua các giải đấu. Đối với ban tổ chức, nhà phát hành và các đơn vị hỗ trợ, chi phí là một vấn đề không nhỏ do thể thao điện tử là bộ môn được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn toàn.

Thi đấu bộ môn Tốc chiến tại SEA Games 31.

Rõ ràng, việc theo đuổi sự nghiệp vận động viên eSports chuyên nghiệp cần rất nhiều sự kiên trì và quyết tâm của các tuyển thủ trẻ trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều định kiến. Tuy nhiên, sự đầu tư nghiêm túc vào quá trình chuẩn bị đã đem về kết quả rất xứng đáng, eSports tại SEA Games 31 được đánh giá không thua kém bất kỳ giải đấu chuyên nghiệp nào ở quy mô khu vực với sự đánh giá rất cao từ các đối tác và báo chí nước ngoài. "Đây là một thành tựu rất lớn của nền thể thao điện tử Việt Nam, hướng tới khả năng được đăng cai tổ chức những giải đấu cấp khu vực và thế giới khác trong tương lai. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thể thao điện tử mang tính chất chính quy. Chúng tôi tin rằng việc đại chúng hóa khái niệm thể thao điện tử sẽ là bước phát triển thiết yếu mang lại nhiều giá trị tích cực từ các nguồn lực xã hội" - ông Lã Xuân Thắng – Giám đốc sản phẩm, Nhà phát hành VNG nhấn mạnh.

Chia sẻ Facebook