Từ đường sắt 5 tỷ USD Viêng Chăn - Vũng Áng, thấy gì về tham vọng logistics của Lào?
Mục tiêu của Chính phủ Lào: Mọi tuyến đường sắt đều dẫn tới Viêng Chăn.
Nong Khai, một tỉnh tiếp giáp của Thái Lan và Lào đang dần phát triển trở thành trung tâm logistics nhờ vào hệ thống đường sắt kết nối với các nước láng giềng.
Theo tờ Vientiane Times, việc xây dựng tuyến đường sắt nối giữa thủ đô Viêng Chăn của Lào với cảng Vũng Áng (Việt Nam) được lên kế hoạch khởi công vào tháng 11. Động thái này là nỗ lực mới nhất của chính phủ Lào nhằm đưa thủ đô Lào trở thành trung tâm logistics, bằng cách tăng cường kết nối đường sắt với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
Mới đây, ông Changthoe Sitthixay, Chủ tịch Công ty Thương mại Dầu Khí Lào (PetroTrade) phát biểu rằng lễ động thổ khởi công xây dựng sẽ được diễn ra vào tháng 11. Các nghiên cứu về tính khả thi của dự án đã được hoàn thành vào giữa tháng 3.
Tháng 12 năm ngoái, Bãi Logistics Viêng Chăn đã khai trương tại thành phố này, một ngày sau khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, được hoàn thành. Thủ tướng Phankham Viphavanh đã tham dự lễ khai trương.
Cơ sở logistics được xây dựng là dự án hợp tác bắt đầu từ năm 2020 giữa Chính phủ Lào và công ty con của PetroTrade. Trung tâm rộng 3,82 triệu mét vuông được xây dựng với mức phí 727 triệu USD bao gồm cảng Thanaleng và một số cơ sở khác. Dự án sẽ được xây dựng trong năm nay, bao gồm khu chế xuất, các văn phòng và khu thương mại.
Ở phía bên kia sông Mê Công, tận dụng lợi thế đoạn đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào, một dự án khác về trung tâm logistics ở Thái Lan cũng đang được lên kế hoạch xây dựng.
Sự xuất hiện của trung tâm logistics khổng lồ được thông báo trên những tấm biển quảng cáo lớn xung quanh ga Natha ở tỉnh Nong Khai, phía bắc Thái Lan. Trong ga cũng trưng bày bản vẽ trung tâm này. Nó mô tả các xe container vận chuyển cao su và mạch nha đến trung tâm. Một nhân viên nhà ga cũng rất tự hào cho biết rằng tòa nhà sẽ được chuyển vị trí khi trung tâm này hoàn thành.
Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) lên kế hoạch mở một trung tâm logistics với diện tích 430.000 mét vuông vào năm 2026. Dự án này được nối với cảng của Laem Chabang, cảng thương mại lớn nhất cả nước bằng đường sắt. Nhà điều hành dự kiến sẽ xây dựng sân bãi container, các cơ sở bốc xếp hàng hóa, kho bãi và các cơ sở khác theo hình thức hợp tác công – tư. Với kế hoạch này, hàng hóa được vận chuyển qua một cây cầu bắc qua sông Mekong vào Lào. Sau đó được đưa đến Trung Quốc bằng tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào. Dự án đã bắt đầu hoạt động vào tháng 12 năm ngoái.
SRT hiện chỉ vận hành 2 chuyến tàu hàng khứ hồi mỗi ngày giữa Thái Lan và Lào. Cơ quan này có kế hoạch nâng con số lên 24 vào năm 2025. Họ cũng lên kế hoạch xây dựng một cây cầu đường sắt mới như Cầu Hữu nghị Thái – Lào. Tuy nhiên cây cầu Hữu nghị này chỉ có 1 đường ray nên khó có thể đáp ứng được sự gia tăng của lưu lượng hàng hóa. Trong khi cây cầu hiện tại sử dụng khổ đường sắt của Thái Lan, cây cầu mới có thể sẽ tiếp nhận cả các chuyến tàu của Trung Quốc và Lào.
Mặc dù hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa Thái Lan và Lào đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng nhu cầu vẫn còn hạn chế vì hầu hết hàng hóa được vận chuyển bằng xe tải. Tuy nhiên, tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào đã giúp làm giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan đến Trung Quốc qua Lào.
Vào tháng 1, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã thông báo Thái Lan đã xuất khẩu 1.000 tấn gạo sang Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào. Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi thông xe tuyến đường sắt, tỷ trọng xuất khẩu từ tỉnh Nong Khai đã tăng gấp 2,6 lần, tăng 50% giá trị so với năm trước. Các loại hoa quả như sầu riêng hay cao su tự nhiên có nhu cầu cao ở Trung Quốc cũng là các mặt hàng quan trọng được vận chuyển bằng đường sắt.
Vận chuyển hàng hóa từ Viêng Chăn đi Côn Minh bằng xe tải mất 2 – 3 ngày, trong khi bằng đường sắt thì chỉ 20 – 24 giờ và giảm chi phí vận chuyển từ 20 – 40%. Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Trung Quốc và Lào, tính đến giữa tháng 3, sản lượng nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào vượt 120.000 tấn và sản lượng xuất khẩu từ Trung Quốc vượt mức 70.000 tấn.
Mối quan tâm đến tuyến đường sắt càng được để tâm hơn khi giá dầu thô tăng do Nga xâm lược Ukraine và do các biện pháp chặt chẽ hơn của Trung Quốc nhằm kiểm soát Covid-19.
Giá nhiên liệu cao hơn đã làm tăng chi phí vận tải đường bộ lên khá nhiều. Bên cạnh đó, những khó khăn trong thủ tục hải quan đã khiến các xe tải đi từ Việt Nam và Lào tại biên giới Trung Quốc bị mắc kẹt do các biện pháp phòng ngừa Covid nghiêm ngặt hơn được áp dụng vào hồi cuối năm ngoái.
DHL, công ty logistics Đức là công ty giao nhận hàng hóa quốc tế đầu tiên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt hai chiều giữa Côn Minh và Viêng Chăn thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào. Bruno Selmoni, Phó chủ tịch phụ trách vận tải đường bộ và đa phương thức của Vận chuyển toàn cầu Đông Nam Á DHL, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt hai chiều trên tuyến đường sắt Lào – Trung bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn tại biên giới Trung Quốc – Việt Nam do diễn biến phức tạp của Covid-19."
"Hiện có hàng nghìn xe tải vẫn đang chờ thông quan ở biên giới Việt – Trung theo cả 2 chiều. Tình huống này làm cho tuyến đường sắt Lào – Trung trở thành chìa khóa vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á", ông Selmoni cho biết.
Chính phủ Lào cũng đang nỗ lực đưa Viêng Chăn trở thành nút giao kết nối ASEAN và thị trường Trung Quốc bằng cả đường bộ và đường sắt bằng cách tập trung vào việc thông quan và dịch vụ logistics ở thành phố này.
Theo ông Viengsavath Siphandon, Bộ trưởng Giao thông và Công trình công cộng của Lào, nếu những nỗ lực này giúp cho giá thành logistics giảm đáng kể, Lào có thể sẽ tăng được khả năng cạnh tranh thương mại và kích thích đầu tư.
Dịch từ Nikkei Asia
Theo Anh Ngọc
Doanh nghiệp và Tiếp Thị