Tự doanh CTCK bán ròng trở lại 728 tỷ đồng trong tuần VN-Index biến động giằng co
Tự doanh CTCK bán ròng trở lại 728 tỷ đồng trong tuần VN-Index biến động giằng co
Thị trường tiếp tục có những diễn biến giằng co trong tuần giao dịch từ 6-10/6. Trong đó, VN-Index có tuần điều chỉnh trở lại sau 3 tuần tăng liên tiếp. Chỉ số này đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (10/6) ở mức 1.284,08 điểm, tương ứng giảm 3,9 điểm (-0,3%) so với phiên cuối tuần trước, HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,3%) xuống 306,44 điểm, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,48%) xuống 93,72 điểm.
Khác với các tuần trước đó, khối tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trở lại. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 24,7 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra 45 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt 1.119 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra là 1.847 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 20,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 728 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, khối tự doanh cũng bán ròng trở lại 69,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 2 triệu cổ phiếu. Tương tự như HoSE và HNX, tự doanh CTCK cũng bán ròng 74,5 tỷ đồng ở sàn UPCoM.
TDM đứng đầu danh sách bán ròng của khối tự doanh với giá trị 116 tỷ đồng. Tiếp sau đó, DPM cũng bị bán ròng 105 tỷ đồng. BSR và GAS bị bán ròng lần lượt 92 tỷ đồng và 88 tỷ đồng. Chiều ngược lại, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã MWG với 119 tỷ đồng. FPT và REE đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.
Điểm tích cực của thị trường là khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 196 triệu cổ phiếu, trị giá 8.367 tỷ đồng, trong khi bán ra 163 triệu cổ phiếu, trị giá 7.217 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 33 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 1.150 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng 757 tỷ đồng ở sàn HoSE (giảm 62% so với tuần trước).
Khối ngoại mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 478 tỷ đồng, trong đó có 331 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối ngoại là BSR với 431 tỷ đồng. DPM và MSN được mua ròng lần lượt 372 tỷ đồng và 245 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 262 tỷ đồng. VNM và NVL được mua ròng lần lượt 115 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.