Tứ cường NATO chạy đua hoàn thiện các cam kết an ninh cho Ukraine

Chia sẻ Facebook
10/07/2023 11:37:04

Ngoài tuyên bố đảm bảo an ninh mà các cường quốc phương Tây đang hoàn thiện, NATO cũng vạch ra những cách thức mới để hỗ trợ quân đội Ukraine trong nhiều năm tới.


Các cường quốc hàng đầu NATO được cho là đang chạy đua với thời gian để hoàn tất các cam kết an ninh cho Ukraine, với hạn chót là Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức vào ngày 11-12/7 tại thủ đô Vilnius của Litva, trang Politico đưa tin hôm 9/7.


Theo Politico, Mỹ đang gấp rút hoàn tất một thỏa thuận với các đối tác NATO hùng mạnh nhất của mình – bao gồm Anh, Đức và Pháp – về một loạt đảm bảo an ninh cho Ukraine để thỏa thuận này có thể được trình bày trước toàn khối khi lãnh đạo các nước thành viên của liên minh quân sự phương Tây tề tựu tại Litva cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO khai mạc vào ngày 11/7.


Trong nhiều tuần trước đó, 4 cường quốc NATO đã thảo luận vấn đề này với Ukraine, đồng thời cũng đã liên hệ với các đồng minh khác trong liên minh quân sự, EU và G7. Ý tưởng là tạo ra một “chiếc ô” cho tất cả các quốc gia sẵn lòng cung cấp viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine, mặc dù chi tiết về các cam kết an ninh có thể khác nhau giữa các quốc gia.


Nỗ lực này là một phần của các cuộc đàm phán rộng lớn hơn tại NATO và giữa một số nhóm quốc gia về cách các đồng minh phương Tây nên thể hiện sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.


Nỗ lực vào phút cuối


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục NATO đẩy nhanh nỗ lực kết nạp quốc gia Đông Âu. Kiev muốn gia nhập NATO càng sớm càng tốt, cho phép nước này tiếp cận với Điều 5 – Điều khoản nổi tiếng nhất trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, trong đó quy định một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh.


Các quốc gia dọc theo sườn phía Đông của NATO đang thúc đẩy quá trình kết nạp Ukraine nhanh hơn, ngay cả khi giao tranh vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, cũng nhiều thành viên NATO đồng ý rằng không thể cho Ukraine gia nhập liên minh ít nhất là cho đến khi xung đột với Nga kết thúc.


Các quan chức Đức thậm chí được cho là đã miễn cưỡng đưa ra bất kỳ đảm bảo nào cho Ukraine về tư cách thành viên trong tương lai, do lo ngại rằng một động thái như vậy có thể gây ra xung đột trực tiếp với Nga.

Đức triển khai các hệ thống phòng không tầm xa Patriot tại sân bay Vilnius để đảm bảo an ninh trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Litva, ngày 8/7/2023. Khoảng 12.000 sĩ quan và binh sĩ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở Vilnius vào ngày 11-12/7/2023. Ảnh: Daily Advance


Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra “lời kêu gọi tới tất cả các quốc gia muốn hỗ trợ Ukraine”, nói rằng họ nên “tự đưa ra quyết định để có thể tiếp tục duy trì sự hỗ trợ đó cho một, hai, ba và nếu cần là nhiều năm nữa, vì chúng ta không biết xung đột quân sự sẽ kéo dài bao lâu”.


Vì vậy, các cường quốc lớn nhất của liên minh đang làm việc để xem mỗi bên có thể đưa ra những cam kết an ninh tạm thời nào cho Ukraine trong thời gian chờ đợi.


Thay vì cam kết để Kiev trở thành thành viên NATO, Washington sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine tương tự như đảm bảo an ninh cho Israel


“Tôi không nghĩ rằng Ukraine đã sẵn sàng để trở thành thành viên của NATO”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 9/7. Ông Biden cho biết việc gia nhập NATO đòi hỏi các quốc gia phải “đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, từ dân chủ hóa đến toàn bộ các vấn đề khác”.


Tổng thống Mỹ Biden, trong chuyến công du châu Âu trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO, sẽ cùng Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nỗ lực vào phút cuối nhằm củng cố các cam kết tại một cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 10/7 ở London, Politico cho biết.


“Chiếc ô” đảm bảo an ninh


Về cơ bản, các đồng minh có thể hứa sẽ tiếp tục cung cấp phần lớn viện trợ mà họ đã dành cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Kiev vào tháng 2/2022.


“Về cơ bản, đó là một sự đảm bảo với Ukraine rằng – trong một thời gian rất dài sắp tới – chúng tôi sẽ trang bị vũ khí cho các lực lượng của họ, chúng tôi sẽ tài trợ cho họ, chúng tôi sẽ tư vấn cho họ, chúng tôi sẽ huấn luyện họ để họ có một lực lượng răn đe chống lại bất kỳ sự gây hấn nào trong tương lai”, một nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho biết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Tổng thống Zelensky sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius (ngày 11-12/7/2023) như một phần của việc khởi động một định dạng mới cho sự tương tác của Ukraine với liên minh. Ảnh: Kyiv Post


Tại hội nghị thượng đỉnh, NATO sẽ đồng ý về các kế hoạch giúp hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của Ukraine, người đứng đầu liên minh Jens Stoltenberg nói với các phóng viên hôm 7/7. Ông cho biết kế hoạch này sẽ liên quan đến “một chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm để đảm bảo khả năng tương tác đầy đủ giữa các lực lượng vũ trang Ukraine và NATO”.


Nỗ lực kéo dài nhiều năm đó cũng sẽ tập trung vào các chương trình hiện đại hóa quân đội Ukraine, và giống như sáng kiến “chiếc ô”, sẽ phụ thuộc vào từng quốc gia đóng góp những gì họ thấy phù hợp.


Các nhà lãnh đạo NATO cũng sẽ khởi động một diễn đàn NATO-Ukraine mới, tạo cho 2 bên không gian để làm việc về “các hoạt động chung thực tế”, ông Stoltenberg nói thêm.


Theo Đài RT (Nga), bất chấp một số thay đổi trong luận điệu, quan điểm chính thức của NATO về tư cách thành viên của Ukraine hầu như không thay đổi kể từ năm 2008, khi tổ chức này tuyên bố về “cánh cửa vẫn đang mở” của khối và Ukraine “sẽ trở thành thành viên” vào một thời điểm không xác định trong tương lai.


Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ coi việc NATO mở rộng sang phía Đông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và coi sự trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện cho bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào giữa 2 nước .


Minh Đức (Theo Politico, RT, AP)

Chia sẻ Facebook