Từ chuyện người mẹ điên bị xích, nhà hoạt động kể về tội ác của ĐCSTQ
Nhà hoạt động Diêu Thành (Yao Cheng), trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, đã kể lại những câu chuyện về nạn buôn bán trẻ em, và nội tạng của trẻ em ở Trung Quốc.
Mục lục bài viết
Gần đây, đoạn video về một bà mẹ 8 con mắc bệnh tâm thần bị xích trong túp lều ở một ngôi làng đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc.
Hình ảnh người mẹ có 8 con bị xích ở Trung Quốc. (ảnh: Từ video của China Uncensored)
Sự việc đã làm dấy lên cuộc thảo luận kịch liệt về nạn buôn bán cô dâu ở Trung Quốc, nơi nam giới đông hơn nữ giới do hậu quả của chính sách “một con” kéo dài nhiều thập niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Sự việc cũng khiến cư dân mạng và những người hoạt động liên hệ tới các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến nhân quyền của người Trung Quốc, bao gồm nạn bắt cóc trẻ em và mổ cướp nội tạng.
Trẻ em gái bị b ỏ rơi
Kể từ khi chính quyền Trung Quốc áp dụng chính sách một con vào năm 1979, nhiều bé gái sơ sinh Trung Quốc đã bị sát hại, trong khi một số bậc cha mẹ cố gắng đưa những bé gái mới sinh của họ cho các nữ tu để đứa trẻ có một cơ hội sống sót.
Trong bộ phim tài liệu “Girls in the Nunnery” (“Những bé gái trong tu viện”), ông Diêu đã kể lại việc ông giúp giải cứu nhiều bé gái lớn lên trong một tu viện và tìm kiếm người thân cho các em.
Vì việc này mà ông đã bị chính quyền Trung Quóc bắt giữ vào năm 2013 và phải ngồi tù 22 tháng.
Sau một thời gian điều tra, ông Diêu phát hiện rằng hàng ngàn bé gái đã được nhận nuôi từ hàng chục tu viện ở Đồng Thành, một thành phố cấp huyện ở tỉnh An Huy.
Ông nói: “Những đứa trẻ sơ sinh này được để trong một chiếc hộp giấy hoặc một cái giỏ có lót một tấm chăn. Những đứa bé may mắn thì được các nữ tu nuôi dưỡng, nhưng các nữ tu chỉ đủ khả năng để nuôi một cặp hoặc một vài em; hầu hết những đứa trẻ khác thì bị chết cóng hoặc bị chó hoang cắn chết”.
Lợi nhuận khổng lồ
Theo ông Diêu, trẻ sơ sinh Trung Quốc, cả bé trai lẫn bé gái, thường là nạn nhân của các vụ bắt cóc, bắt cóc tống tiền, và buôn người.
Ông nói rằng cảnh sát Trung Quốc chỉ giỏi bắt giữ những người bất đồng chính kiến với ĐCSTQ, chứ họ không truy đuổi những kẻ buôn người, vì họ có dính líu đến các khoản lợi nhuận khổng lồ.
Ông Diêu cho biết, theo thống kê của các tổ chức nhân quyền, ước tính có khoảng 70,000 trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc hàng năm. Con số này không bao gồm những trẻ em bị bỏ rơi.
Ông giải thích rằng, những em bé mất tích bị mua để trở thành các cô dâu trẻ em, tức là các em sẽ bị bắt kết hôn với một thành viên trong gia đình khi đến một độ tuổi nào đó, hoặc có thể bị ép trở thành gái mại dâm, hoặc thậm chí trở thành những người hiến tạng.
Ông Diêu nhớ lại mình đã từng thấy những chiếc giường dành cho các bé trai và bé gái bị đưa đến Đông Nam Á để thu hoạch nội tạng ở Sán Đầu, một thành phố ở vùng duyên hải phía đông của tỉnh Quảng Đông. Ông nói rằng ông đã thu thập tất cả các bằng chứng cần thiết cho việc truy tố, nhưng cảnh sát từ chối tiến hành một cuộc điều tra hoặc có bất kỳ hành động nào ngăn chặn những tội ác đó.
Ông tin rằng việc cảnh sát thờ ơ với tội ác có liên quan đến mức độ sinh lợi của ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng. Ông nói: “Các nội tạng của một đứa trẻ trị giá hơn một triệu nhân dân tệ (157,000 USD)”.
Ông Diêu nói rằng nhu cầu về nội tạng ở nước ngoài là rất lớn. Ông đã xác định được danh tính những kẻ môi giới nội tạng trẻ em ở Sán Đầu, nhưng không thể làm thêm bất cứ điều gì, “Nếu bạn cố gắng làm bất cứ điều gì liên quan đến việc này, thì tính mạng của bạn sẽ gặp nguy hiểm”.
Tại khu vực Phủ Điền ở Phúc Kiến, một tỉnh ven biển phía nam, đã có những bài đăng trên mạng internet cho thấy hơn một chục thi thể trẻ em bị mất nội tạng và mắt. Ông Diêu nói, “Đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được với một con dao nhà bếp thông thường; nó đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cấy ghép là một thủ thuật tinh vi”.
Ông tin rằng nhiều ca phẫu thuật đã được các quan chức cấp cao hậu thuẫn, bởi vì bản thân một số quan chức cấp cao và giới tinh hoa của ĐCSTQ có nhu cầu cấy ghép nội tạng.
“Tại sao nhiều cán bộ cao cấp của ĐCSTQ, được cho là già yếu sau khi trải qua các cuộc chiến tranh và những khó khăn gian khổ thuở ban đầu, lại có thể sống đến độ tuổi 90 và 100?” ông Diêu nói. “Hãy nhìn Giang Trạch Dân, ông ta đã gần 100 tuổi. Cũng có một nhu cầu cao về nội tạng ở thị trường Trung Quốc”.
Lời hứa chưa thực hiện
Năm 2010, tổ chức Quyền của Phụ nữ tại Trung Quốc đã có một sáng kiến hỗ trợ hàng tháng 300 nhân dân tệ (47.16 USD) cho mỗi học sinh tiểu học và 500 nhân dân tệ (78.59 USD) cho mỗi học sinh trung học hoặc sinh viên đại học. Sáng kiến này được Quỹ Clinton hỗ trợ, và có ngân sách là 200 triệu USD.
Thế nhưng, chính quyền ĐCSTQ đã can thiệp.
Tổ chức Quyền của Phụ nữ tại Trung Quốc được thông báo rằng tự chính quyền ĐCSTQ sẽ cung cấp cho mỗi trẻ em neo đơn 600 nhân dân tệ (94.28 USD) một tháng.
“Đây là chế độ xấu xa đến mức nào. Ông Diêu nói rằng, nó không làm điều gì tốt, và cấm những người khác làm điều đúng đắn”.
Tuy nhiên, ông cho biết, sau hơn một năm, ĐCSTQ không hề phân bổ một xu nào. Một giám đốc của Bộ Nội vụ giải thích với ông Diêu rằng chính quyền đang tranh luận về “cách phân phối quỹ”.
Ông Diêu than thở rằng, cuối cùng chính những đứa trẻ này lại là những người phải chịu khổ. Ông nói: “Liệu những đứa trẻ này có thể không ăn trong một hoặc hai năm không?” Cuối cùng, một số tiền đã được phân bổ, nhưng khoản tiền đó không có tính liên tục. Ông Diêu tin rằng ngay cả khi quỹ này được dành riêng cho trẻ em, thì phần lớn tiền của quỹ sẽ bị các quan chức tham nhũng biển thủ.
Nhà bất đồng chính kiến này nói rằng công việc tình nguyện của ông khiến ĐCSTQ khiếp sợ. ĐCSTQ coi ông là kẻ thù vì công việc thiện nguyện của ông tại Tổ chức Quyền của Phụ nữ tại Trung Quốc. Nhiều nữ tình nguyện viên đã rời bỏ tổ chức này vì bị các quan chức công an của ĐCSTQ đe dọa.
“Logic của ĐCSTQ rất đơn giản: Chỉ có bản thân Đảng mới là tốt; nếu ai khác là người tốt, thì nghĩa là Đảng xấu. Vì vậy, không có người tốt nào được phép tồn tại trên lãnh thổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông nói.
Ông Diêu đã lấy cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc ngày nay làm ví dụ.
Ông Diêu nói: “Tại sao ĐCSTQ lại bức hại Pháp Luân Công? Bởi vì hàng triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc là những người tốt. Điều đó khiến ĐCSTQ lo sợ”.
Theo The Epoch Times