Từ chuyện nghệ sĩ Đỗ Kỷ

Chia sẻ Facebook
29/11/2023 03:15:37

Tổng biên tập một tờ Tạp chí của một hội trí thức vừa đăng lên facebook một cái đơn tố cáo... mình. Đơn nặc danh, tất nhiên...

Trước đó cũng trôi nổi trên mạng một cái đơn tố cáo, tất nhiên là nặc danh dù cũng nhân danh tập thể, gửi đến các vị lãnh đạo, tố cáo hai nhà báo nổi tiếng, chắc tại họ... nổi tiếng quá. Đọc xong thì thấy toàn võ đoán và xuyên tạc, nên không thấy ai trả lời cũng là lẽ đương nhiên.

Mới nhất là vụ nghệ sĩ ưu tú Đỗ Kỷ.

Ông nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

Thực ra tới giờ ông mới đăng ký để được xét nghệ sĩ nhân dân là quá muộn. Khán giả rất yêu ông nghệ sĩ tài hoa mà lặng lẽ này. Cả hai vợ chồng đều diễn thì tài hoa mà sống thì tử tế, ít nhất là chưa thấy điều tiếng gì cả về đời tư tình ái, tới sự nghiệp công danh và tư cách công dân, tư cách nghệ sĩ...

Nhiều người nói ông đã là nghệ sĩ của nhân dân từ lâu rồi, nếu nghệ sĩ nhân dân đúng nghĩa là nghệ sĩ của nhân dân.

Thế nên lần này, ai cũng nghĩ, ông cũng thế, đương nhiên tên ông sẽ ngọt ngào được xướng lên ở mục Nghệ sĩ Nhân dân.

Thế mà, rất bất ngờ, cái ông nhận được lại là, gác lại không xét vì có đơn thư...

Tất nhiên là ông sốc, khán giả sốc và báo chí quan tâm, vào cuộc phản ánh.

Cái chuyện khen thưởng và tặng danh hiệu ở nước ta hầu như năm nào cũng có chuyện lùm xùm. Kiện cáo chỉ là phần nổi lên mà thôi.

Các danh hiệu và các giải thưởng ban đầu nó rất là danh giá, rất là đúng chuẩn, nhưng có vẻ như, càng ngày nó càng không tinh nữa, không suất sắc như xưa nữa. Đơn giản và cũng là rất đúng thôi, lấy đâu ra mà nhiều thế. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ của nó rồi.

Thêm nữa ở nước ta, cái danh “miếng giữa làng” nó vẫn rất đậm,  râm ran chỗ này, chỗ kia chuyện “chạy”. Mà đã “chạy” thì dứt khoát là không thể công bằng, không đúng và đủ chuẩn.

Nên chuyện người xứng đáng, tác phẩm xứng đáng không được tôn vinh, những người làng nhàng, tác phẩm làng nhàng lại thành cao ngất là có.

Và những người ngồi xét nữa, không phải tất cả đều đủ con mắt xanh và cả tâm hồn sạch để công tâm bỏ phiếu.

Và cả những người “chưa tốt”, hoặc đối thủ, lợi dụng những kẽ hở để phá, mà kiện trước ngày xét, cận ngày xét, là ví dụ.

Cũng nên, không phải ngẫu nhiên mà cái đề xuất trao danh hiệu nhân dân và ưu tú cho cả những người sáng tác, nghiên cứu như nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư, người sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian... của một vị đứng đầu một hội sáng tác và là ĐBQH , lại bị phản ứng gần như đồng loạt như thế. Bởi suy cho cùng, danh hiệu lớn nhất và đúng nhất là ở khán giả, người đọc, ở công chúng chứ không phải vì cái bằng treo trên tường, dù nó cũng có giá trị.

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ.

Trở lại chuyện nghệ sĩ Đỗ Kỷ, ông vừa tâm sự thành thật trên một tờ báo, là ông bị “xui” làm hồ sơ, từ nghệ sĩ ưu tú (đã được phong), và nghệ sĩ nhân dân lần này cũng là do bạn bè xui vì họ thấy ông xứng đáng. Không ngờ nghe “xui” mà giờ ông ở vào tình thế hết sức trớ trêu.

Hội Nhà văn Việt Nam, một hội nghề nghiệp được người viết  trân trọng, được kết nạp vào đấy là vinh dự tự hào, nên thường xuyên có khoảng sáu bảy trăm đơn “xin vào hội” xếp hàng. Có những nhà văn tôi đọc tác phẩm của họ từ hồi học cấp 3, tới khi được ngồi trong cái ban xét kết nạp hội viên mới, tôi đọc trong số mấy trăm hồ sơ vẫn thấy tên ông. Tôi nhớ phải kêu lên trong cuộc họp, trời ơi tôi quyền gì mà bỏ phiếu bác này. Và mấy năm gần đây, hội Nhà văn Việt Nam đã làm một việc rất hay là, ngoài số làm đơn thì ban chấp hành thấy ai xứng đáng thì thống nhất mời họ vào.

Rất nhiều người tự trọng, họ không làm đơn, không xin, không chỉ vào hội, mà cả để được xếp hàng xét danh hiệu, giải thưởng và cả tài trợ sáng tác. Tất nhiên nếu cơ quan có trách nhiệm mời thì họ sẵn sàng.

Theo tôi, nghệ sĩ Đỗ Kỷ có quyền làm văn bản đề nghị các cơ quan chức năng thông báo cho ông việc ông bị kiện như thế nào, về việc cụ thể gì... để ông giãi bày. Nếu không đúng thì ngay lập tức trao danh hiệu cho ông, bởi như đã nói, ông hết sức xứng đáng, còn nếu tố cáo đúng thì cũng để ông thanh thản và công chúng yêu ông khỏi thắc mắc. Không nên để ông phải làm đơn kêu cứu hoặc đơn xin cứu xét...

Nó hạ thấp vai trò và cả nhân cách nghệ sĩ. Nó khiến nghệ sĩ Đỗ Kỷ ở cái thế “trở đi mắc núi trở lại mắc sông”.

Các cụ xưa dạy: của cho không bằng cách cho, huống gì, đây không phải là cho, mà là tặng, tặng trọng thể, nhà nước trao tặng họ để ghi nhận những cống hiến của họ.

Còn nếu đã đủ, đã bão hòa, đã hoàn thành vai trò, nhiệm vụ... thì có thể thôi. Cái gì cũng thế, ít mới quý và sang. Với các danh hiệu và giải thưởng nhà nước hiện nay ở nước ta, người viết bài này thấy đã đủ, có thể dừng một thời gian.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook