Từ chuyện cô giáo Dung ra tòa lãnh án....
Có tội phải bị trừng trị, bị xét xử đúng người đúng tội, điều ấy đương nhiên từ đúng tới rất đúng... nhưng vụ án này vẫn còn nhiều băn khoăn.
Mấy hôm nay cả báo chí và mạng xã hội xôn xao về bản án mà Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tuyên cho cô giáo Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên của huyện này. Cô giáo Dung bị quy gây thiệt hại cho nhà nước 45 triệu trong... 6 năm, và bị tuyên 5 năm tù giam.
Có hai điều nhỡn tiền.
Một là cô Dung không nhận tội, cương quyết nói mình bị oan, và ngay lập tức đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Và hai là, tất nhiên, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên cũng phải có đầy đủ lý lẽ, luận cứ luận điểm, nghiên cứu kỹ luật để áp dụng chính xác và tuyên phạt tù cô giáo. Không những thế, ngay cả khi cô giáo kháng cáo kêu oan thì tòa vẫn gia hạn thời gian tạm giam chứng tỏ họ rất tự tin cho việc mình làm, mức án mình tuyên.
Và như thế là đúng.
Có điều, dân mạng trăm tay nghìn mắt, lôi ra bao chuyện.
Từ chuyện mấy năm trước xảy ra ở huyện này, báo chí đăng giờ họ dẫn lại.
Rồi những người trong cuộc lên tiếng. Đa phần là ủng hộ cô Dung, cho rằng cô Dung bị oan, cô làm đúng. Họ lên tiếng công khai trên trang mạng xã hội của họ.
Và hôm qua các báo đăng ý kiến các chuyên gia.
Báo TT đăng ý kiến Tiến sĩ Vũ Văn Tính - Giảng viên Khoa Pháp luật của Học viện Hành chính quốc gia cho rằng Hội đồng xét xử đã áp dụng sai pháp luật. Theo ông Tính, dù không được tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ vụ án, nhưng đọc qua bản cáo trạng (và đặt giả thiết các hành vi của cô giáo Dung bị truy tố là đúng, số tiền cô Dung chiếm đoạt là đúng) thì ông vẫn nhận thấy Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm đã áp dụng sai pháp luật: "Tòa án áp dụng khung hình phạt trái với quy định của pháp luật và tòa án xác định mức hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi. Từ đó dẫn đến việc hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã xác định khung hình phạt trái với quy định của pháp luật và nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao".
“Trong trường hợp bà Dung, để có thể áp dụng điểm b khoản 2 điều 356 của BLHS thì cần phải thỏa mãn hai điều kiện: Bà Dung thực hiện hành vi phạm tội hai lần trở lên và tổng số tiền bà Dung gây thiệt hại phải từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy chỉ điều kiện thứ nhất thỏa mãn, còn điều kiện thứ hai không thỏa mãn vì số tiền bà Dung gây thiệt hại chỉ hơn 45 triệu đồng. Vì vậy không thể áp dụng điểm b khoản 2 điều 356 của BLHS để định tội cho bà Dung,” TS Tính nhấn mạnh.
Trên báo LĐ lại bàn việc cần phân biệt phụ cấp và công lao động trong việc tính số tiền cô Dung hưởng. Theo đó, thì tiền phụ cấp cấp ủy và tiền giờ là khác nhau. “Không thể coi đó là khoản chi trùng vì 2 khoản chi khác nhau về tính chất, đối tượng, mức chi, được quy định ở các văn bản khác nhau. Do đó, cần phải xem xét vấn đề này một cách cụ thể để tránh oan sai đối với bà Lê Thị Dung”, báo LĐ dẫn lời ông Lê Văn Vỵ nguyên giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Có tội phải bị trừng trị, phải bị xét xử đúng người đúng tội, điều ấy đương nhiên từ đúng tới rất đúng, nhân dân hoàn toàn ủng hộ như lâu nay đã rất ủng hộ việc “Người đốt lò” rừng rực, thậm chí ủng hộ rất nhiệt tình mỗi khi có “củi gộc” vào lò. Nhưng ở vụ án cụ thể này, rõ ràng đang có những cấn cái, có những điều khiến dư luận băn khoăn.
Ví dụ số tiền ấy, dẫu bị quy là phạm tội nhiều lần, nhưng chia ra từng ấy tháng, những ai từng làm quản lý đều biết, nó ít tới mức thảm hại. Cộng gộp tất cả lại cũng chỉ có 45 triệu đồng. 45 triệu chia cho 6 năm, tức 72 tháng thì mỗi tháng cô Dung biển thủ... 625 ngàn đồng.
Và ví dụ số tiền ấy, so với những tiỷ này tỷ kia bị tham ô, bị đút túi, bị đi đêm... thì nó càng thảm hại.
Ví dụ với những gì cô Dung đã làm, là có tình tiết giảm nhẹ, mà vẫn tuyên như thế, nó có cái gì đấy bất nhẫn.
Nên dư luận mới đồn đoán lung tung cả lên, rằng thế này rằng thế kia... từ chuyện này từ chuyện kia mới ra như thế. Mà những đồn đoán ấy không phải không có cơ sở?
Tôi thì không tin dư luận như thế, vẫn tin những gì tòa Hưng Nguyên lập luận và tuyên là theo luật, là thượng tôn pháp luật, nên bèn chờ, chờ ở phiên phúc thẩm sắp tới.
Ơ nhưng mà, chắc bộ chủ quản là bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thấy “có gì đấy” chưa ổn nên đã có sự “trao đổi” với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Thực ra việc xét xử là tòa án độc lập, nhưng riêng việc bộ Giáo dục có động thái trao đổi như thế với lãnh đạo tỉnh Nghệ An khiến ta lại thấy băn khoăn, chả nhẽ tòa Hưng Nguyên lại “áp dụng sai luật” như báo TT dẫn lời TS Tính? Và ngay tòa cấp trên của tòa Hưng Nguyên là Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu tòa Hưng Nguyên báo cáo vụ việc?
Và nếu thế, thì mừng cho cô Dung, bởi ở phiên phúc thẩm, bằng sự công minh, sáng suốt và nhân văn của mình, chắc chắn Hội đồng xét xử sẽ không thể áp dụng sai.
Ít khi một người bị ra tòa, bị tuyên tới 5 năm tù mà lại được dư luận từ báo chí tới mạng xã hội, từ người dân thường tới đồng nghiệp và chuyên gia pháp luật luận bàn tới thế?
Tôi thì thấy rằng, “tội” của cô Dung chưa tới mức án ấy, thậm chí với tất cả những gì mình biết cho tới giờ này, thì xử lý hành chính cô cũng... hơi nặng.
Một tháng tham ô 625 ngàn đồng, những ai từng làm quản lý từ cấp... tổ trở lên, cho ý kiến đi ạ?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.