Tự chủ đại học: 'Tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội'

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 14:25:54

Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí trong những năm tới.


Nói về tính cần thiết của việc tự chủ và lộ trình tăng học phí đại học, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, trường tự chủ từ năm 2010, khi đó nhà trường dựa trên nội lực để xây dựng mô hình các khoa, sau này là các viện đào tạo. Từ các viện có thể phát huy thế mạnh của mình. Điều quan trọng nhất là tư duy dám nghĩ dám làm.

"Muốn đột phá, muốn cải thiện đời sống cán bộ, muốn nâng cao chất lượng đào đạo và nghiên cứu khoa học thì phải tự chủ. Xây dựng các nhóm chuyên môn gồm các giảng viên, từ đó phát triển thành các khoa, các viện, các trường.

Nếu mỗi thầy giáo không làm việc sáng tạo hơn, mỗi nhóm không làm sáng tạo tốt hơn, mỗi khoa viện không tự chủ hơn thì cả trường đại học sẽ không có sự tiến bộ.

Điều khó khăn nhất là thay đổi nhận thức để phát huy được nội lực của từng thầy cô. Qua đó thu nhập của trường cũng như của các thầy cô sẽ tăng lên, giúp bình ổn cuộc sống và có nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu.

Chúng ta nên học tập các nước tiên tiến trên thế giới, tư duy bao cấp về mặt học phí sẽ phải bỏ đi. Điều chỉnh mức học phí ở mức đúng và đủ, nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến.

Nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của người học là bước quan trọng để đào tạo ra một kỹ sư tương lai, ra trường có khả năng kiếm tiền để trả lại mức học phí đã đóng”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nói.

Điều chỉnh mức học phí ở mức đúng và đủ, nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho hay, năm 2016, Trường Bách Khoa Hà Nội bắt đầu chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin Việt-Nhật, có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Đầu tiên, nhiều người e dè và không mong muốn học nhưng lứa đầu tiên ra trường có 30% số em đi làm tại Nhật Bản. Mức lương của các em ở đó có thể bù lại cho mức học phí đã đóng. Điều đó có nghĩa đây là một sự đầu tư đúng đắn.

"Câu chuyện tự chủ của các trường là tính lộ trình tăng học phí một cách phù hợp để xã hội và phụ huynh chấp nhận. Để tạo ra sự công bằng trong giáo dục, chúng ta vẫn có hỗ trợ dành cho sinh viên nghèo và giỏi.

Chúng tôi cam kết với người học là mức học phí tăng không quá 8-10% từ năm 2020. Năm 2020 không tăng học phí. Năm 2021 do vấn đề dịch bệnh cũng không tăng. Năm 2022-2023 mới bắt đầu tăng. Theo mức tín chỉ, tín chỉ thấp nhất là 350.000 đồng/tín chỉ, mức cao nhất là 1 triệu đồng/tín chỉ, tùy theo nhu cầu người học. Mức học phí đó đã đáp ứng được nhu cầu của các em học sinh", PGS. Huỳnh Quyết Thắng nói.


Trong khi đó TS Lê Trường Tùng , Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho hay, ở những nền giáo dục ĐH phát triển lành mạnh, tài chính của trường ĐH phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỉ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần nhìn nhận thực chất của vấn đề tăng học phí đại học, hiện nay tổng số kinh phí đầu tư tính cho 1 sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lâu nay, kinh phí đào tạo chủ yếu từ ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên và do người học tự đóng góp, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách đào tạo giáo dục có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

“Một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh.

Theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Người học cũng cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý tăng mức tín dụng cho sinh viên, song đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được mở rộng đáng kể.

Chúng ta cần lưu ý rằng, tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội, nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí.

Nếu giữ nguyên mức học phí thấp, vừa suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo, vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo, đây là quan niệm cần thay đổi.

Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, tăng sự tiếp cận giáo dục đại học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.


Hoàng Thanh

Chia sẻ Facebook