Từ chỗ thiếu hụt trầm trọng, thế giới đang thừa khí đốt

Chia sẻ Facebook
18/04/2023 11:08:35

Khác xa so với một năm trước, khí đốt hiện nay trở nên dư thừa trên toàn cầu, trong bối cảnh nguồn cung gia tăng nhưng nhu cầu lại giảm.


Khí tự nhiên đang tràn ngập trên khắp thế giới, khiến cho giá của loại nhiên liệu này giảm sâu và tạo ra sự dư thừa ở cả châu Âu và châu Á, ít nhất là trong những tuần tới.


Phải nói là hiện tượng dư thừa khí đốt hiếm khi xảy ra trong một năm qua kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ làm đảo lộn thị trường năng lượng và châu Âu gấp rút tìm kiếm các nguồn cung nhiên liệu thay thế Nga.


Thế nhưng hiện nay, hàng tồn kho khí đốt đang tăng lên từ Hàn Quốc cho đến Tây Ban Nha nhờ vào thời tiết mùa đông năm ngoái ôn hoà hơn so với dự báo và những nỗ lực của giới chức trong việc giảm tiêu thụ năng lượng.


Trong khi đó, các tàu chở khí đốt hóa lỏng (LNG), từng được xem là giải pháp thay thế hữu hiệu cho các nước phương Tây trong bối cảnh Nga tìm cách “khóa van” các dòng chảy vận chuyển dầu khí, giờ đây phải lênh đênh trên biển hàng tuần liền và chạy đôn chạy đáo tìm kiếm người mua.

Hiện tượng dư thừa khí đốt hiếm khi xảy ra trong một năm qua. (Ảnh: Reuters).


Nhu cầu về khí đốt thường giảm khi mùa sưởi ấm kết thúc và trước khi thời tiết nóng hơn làm tăng nhu cầu làm mát vào cuối mùa hè.


Ngân hàng Morgan Stanley mới đây nhận định, sau mùa nóng, các nước sẽ bắt đầu bổ sung cho các kho dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Tuy nhiên, các nỗ lực nạp lại nhiên liệu ở châu Âu có thể hoàn thành sớm nhất ngay vào cuối tháng 8.


“Dường như có một đợt dư thừa khí đốt ngắn hạn và điều này sẽ duy trì áp lực lên giá LNG trong vài tuần tới, có khả năng hạ giá khí đốt tiêu chuẩn xuống thấp một tí”, nhà phân tích Talon Custer của Bloomberg Intelligence đánh giá.


Mặc dù giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đã giảm đi đáng kể từ khi nó đạt mức cao kỷ lục hồi năm ngoái, song mức giá hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm qua.


Ở châu Á, giá LNG giao ngay trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng qua, trong khi đó dự kiến giá trung bình cho đợt giao hàng tháng 5 tới ở khu vực Đông Bắc Á là 12 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 4% so với tuần trước.


Còn đợt giao hàng tháng 6 ước tính là 12,5 USD/mmBtu, tăng nhẹ so với tháng 5. Còn ở châu Âu, công ty S&P Global Commodity Insights ước tính các lô hàng LNG được giao trong tháng 5 sẽ ở mức 11,191 USD/mmBtu.


Xu hướng này phản ánh mối quan ngại rằng tình trạng dư thừa hiện tại có thể không tồn tại lâu. Chuyên gia Custer dự báo rằng giá khí đốt hiện tại “có thể sắp chạm với mức sàn” vì giá rẻ có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thêm.

Nhu cầu khí đốt giảm đã khiến các tàu vận chuyển LNG phải lênh đênh trên biển hàng tuần liền và chật vật tìm người mua. (Ảnh: Reuters).


Theo ông Custer, mọi sự chú ý đều đang đổ dồn vào thời tiết mùa hè vì nếu như thời tiết trở nên nóng bất thường hay có hạn hán thì nhu cầu sử dụng khí đốt để làm mát sẽ tăng lên.


Bắt đầu từ quý 3, các nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu mua khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo, có thể khiến cuộc cạnh tranh giành các lô hàng LNG thêm căng thẳng.


Nhưng hiện tại, tình trạng dư thừa khí đốt vẫn đang lan rộng.


Khí đốt tràn lan từ Âu sang Á


Tại Tây Ban Nha, quốc gia sở hữu nhiều kho cảng LNG nhất ở châu Âu, các kho dự trữ khí đốt đã đầy 85%. Theo RBC Capital Markets, điều này có nghĩa thị trường khí đốt của quốc gia này sẽ sớm chuyển sang trạng thái dư thừa, gây áp lực lên giá giao ngay.


Còn tại Phần Lan, các địa điểm nhập khẩu LNG cho giai đoạn mùa hè đã giảm từ 14 xuống còn 10 trong bối cảnh nhu cầu sử dụng khí đốt dự kiến sẽ giảm xuống.


Châu Âu đã nhanh chóng xây dựng các cảng nhập LNG di động khi khu vực này quyết định cắt giảm sự phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí đốt của Nga. Theo kế hoạch, nhiều kho cảng tương tự như vậy sẽ được thiết lập trong năm nay và vào năm sau.


Trong khi đó, xuất khẩu toàn cầu LNG tăng bật trở lại ở mức cao lịch sử trong tháng 3 này do sản lượng của Mỹ phục hồi lại. Nguồn cung bổ sung đang khiến giá khí đốt đi xuống trong khi nhiều thương nhân đang tất bật tìm khách mua.


Xuất khẩu khí đốt của Anh sang châu Âu cũng tăng mạnh vì nước này thiếu các kho dự trữ khí đốt lớn. Hiện tại, dòng chảy LNG của Anh đang ở mức cao kỷ lục.

Tình trạng dư thừa khí đốt vẫn đang lan rộng từ châu Âu sang châu Á. (Ảnh: Reuters).


Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chứng kiến mức tái xuất LNG kỷ lục trong bối cảnh kinh tế nước này phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Một số tàu vận chuyển LNG đang chuyển hướng khỏi Hàn Quốc, một quốc gia nhập khẩu lớn khác.


Nhật Bản, một nước nhập khẩu LNG hàng đầu châu Á, cũng đang cân nhắc bán các lô hàng khí đốt để ngăn tình trạng dư thừa trong nước.


Ở khu vực Nam Mỹ, nhu cầu khí đốt vẫn yếu và dự kiến cho đến khi Argentina thiết lập cảng nhập khẩu LNG nổi thứ hai vào tháng 5 tới, thời điểm mà thời tiết bắt đầu lạnh hơn ở Nam bán cầu, theo nhà phân tích Leo Kabouche của công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects.


Dù vậy, việc bảo trì tại các cơ sở lưu trữ khí đốt từ cuối tháng 4 cho đến hết mùa hè có thể hạn chế nguồn cung quá mức, khiến tình trạng dư thừa khí đốt sẽ không kéo dài lâu.


Ngoài ra, có các rủi ro khác, đặc biệt là Nga quyết định cắt giảm thêm nguồn cung khí đốt hoặc sự cố xảy ra làm gián đoạn nguồn cung. Nguồn cung LNG toàn cầu phần lớn dự kiến sẽ vẫn hạn chế trong hai năm nữa.


Điều đó sẽ được phản ánh trong giá khí đốt tương lai, vốn được dự báo sẽ cao hơn trong những tháng tới và đặc biệt là vào mùa đông và sẽ duy trì ở mức cao đó cho đến đầu năm 2025.


“Vào năm 2023, cán cân khí đốt của châu Âu trở nên mong manh đi nhiều, bất kỳ sự gián đoạn nhỏ nào trong nguồn cung đều có tác động lớn đối với thị trường năng lượng khu vực”, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp cho hay.


Vĩnh Khang (Bloomberg, ZAWYA)

Chia sẻ Facebook