Tự chế pháo nổ theo mạng, nhiều thiếu niên bị dập nát tay, chân
“Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân…”
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (sau đây gọi là Bệnh viện 108), thời gian gần đây, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương – Chỉnh hình của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc học theo hướng dẫn trên mạng rồi tự chế pháo để chơi.
Một thiếu niên 16 tuổi ở Bắc Giang nhập viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân lên mạng đặt mua pháo về rồi lấy thuốc pháo ra để chế thành các loại pháo có kích cỡ lớn hơn, nhiều thuốc nổ hơn. Sau đó, em này đem pháo đốt, tưởng pháo không nổ nên đã cầm lên. Lúc này, quả pháo bất ngờ phát nổ gây nát bàn tay trái, chân phải bị chấn thương nhẹ.
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tuyến trước để được cầm máu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện 108.
Tương tự, bệnh nhân nam, 15 tuổi, người Nam Định, cũng nghịch pháo tự chế; pháo nổ khiến em này bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, bờ nham nhở, lộ gân cơ.
Các bác sĩ tại Bệnh viện 108 tiến hành xử lý vết thương, phẫu thuật cắt lọc, chỉnh trục các ngón tay, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Sau phẫu thuật, cả hai bệnh nhân tỉnh táo và các ngón tay đã hồng ấm và dần hồi phục.
Một trường hợp đáng tiếc nữa tại Thái Nguyên, một thiếu niên bị thương nặng do pháo tự chế nổ. Theo lời kể của gia đình, em này xem hướng dẫn trên mạng và tự mua thuốc pháo về cho vào máy sinh tố, bật nút xay, máy phát nổ khiến các mảnh vụn của máy làm em này bị thương rất nặng, dập nát hoàn toàn bàn tay phải và chân phải.
Bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật cho biết các tổn thương do pháo nổ thường làm chấn thương phần mềm, rách da, thậm chí gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân. Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo. Có nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo được, phải mang di chứng suốt đời. Khả năng phục hồi của những bệnh nhân này chỉ được khoảng 40%-50%.
Cũng theo bác sĩ Hiệp, những trường hợp trên đây là một trong số nhiều bệnh nhân cấp cứu do tai nạn pháo nổ những ngày gần đây, vào thời điểm giáp Tết và hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi thiếu niên. Hậu quả sau tai nạn pháo nổ rất nghiêm trọng, nếu giữ được tính mạng thì cũng không thể hồi phục bình thường hoặc nhẹ nhất cũng mất vài ngón tay, dẫn đến tàn phế.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường cần phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ – vốn đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết. Gia đình cần giám sát việc con trẻ xem các video trên mạng, đặc biệt là video dạy cách làm pháo nổ tự chế.
Thạch Lam