Từ cảnh báo sốc về giá dầu, nhìn lại những cuộc khủng hoảng dầu mỏ
Giá dầu tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine. Phó Thủ tướng Nga cảnh báo giá dầu có thể lên đến 300 USD/thùng nếu thế giới quay lưng với nguồn cung từ Nga. Trong lịch sử, giá dầu cũng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng khác.
Giá dầu có thể lên mức 300 USD/thùng?
Theo thông tin từ hãng thông tấn TASS, mới đây, ông Alexander Novak - Phó Thủ tướng Nga và là cựu Bộ trưởng Năng lượng - cho biết giá dầu có thể đạt 300 USD/thùng nếu phương Tây từ chối nhập khẩu dầu thô của Nga. Tuy nhiên, ông Alexander Novak cho rằng kịch bản như vậy khó có thể xảy ra.
Cảnh báo của ông Novak được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm vận với dầu thô của Nga, nhằm gây thêm áp lực buộc Nga phải ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine. Nhiều khách hàng đã cảnh giác với việc nhập các thùng dầu của Nga để tránh vướng vào các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nhưng ông Novak cho rằng châu Âu không thể tránh mua dầu và khí đốt của Nga lúc này. Mà nếu người tiêu dùng phương Tây ngừng mua dầu thô của Nga, nước này sẽ đa dạng hóa thị trường và tìm người mua ở những nơi khác.
Trong khi đó, kế hoạch cấm vận với dầu thô của Nga đang có sự bất đồng giữa các thành viên trong khối EU.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã gọi lệnh cấm vận với dầu thô của Nga là “phi thực tế”, bởi các nước EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu từ Nga và không thể cắt đứt chỉ trong một thời gian ngắn. EU hiện phụ thuộc vào 40% khí đốt từ Nga.
“Rất nhiều nhà máy lọc dầu ở khu vực phía Đông và phía Tây của châu Âu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Nga”, ông Rutte cho Reuters biết trước cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tại Brussels.
Trước kế hoạch cấm vận với dầu thô từ Nga của EU, Đức cho rằng không nên hành động quá vội vàng bởi giá năng lượng ở châu Âu vốn đã tăng cao.
Ngược lại, một số quốc gia khác trong khối EU mong muốn thúc đẩy lệnh cấm vận năng lượng như một biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga.
Xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra khi giá dầu thế giới đã tăng cao do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Giờ đây, việc Nga mất quyền xuất khẩu một lượng lớn dầu mỗi ngày lại gây thêm khó khăn với nguồn cung dầu thế giới.
Hôm 21/3, giá dầu đã tăng hơn 7% trong bối cảnh EU đang xem xét tham gia cùng Mỹ cấm vận dầu mỏ của Nga. Cùng với đó, vào cuối tuần trước, phiến quân Houthi đã tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco - công ty dầu mỏ của Saudi Arabia.
Giá dầu thế giới đang tăng cao trở lại. Hiện giá dầu thô Brent đã vượt ngưỡng 120 USD/thùng do sự gián đoạn xuất khẩu dầu thô của Nga và Kazakhstan thông qua đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) làm tăng thêm lo lắng về nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Ông Daniel Pickering, Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, chia sẻ với hãng tin tài chính CNBC rằng, giá dầu có thể trở lại mốc 130 USD/thùng nếu dầu Nga thực sự bị loại khỏi thị trường. Theo ông Pickering, khoảng 2 - 3 triệu thùng dầu/ngày của Nga bị đóng băng trên thị trường mà không có người mua ngay.
Những cú sốc giá dầu ghi dấu trong lịch sử
Theo The Conversation, ngành sản xuất dầu mỏ bắt đầu hình thành từ giữa những năm 1980 và gia tăng nhanh chóng trong nửa đầu thế kỷ 20. Thời đó, các công ty duy trì mức sản xuất hợp lý để tạo ra giá dầu rẻ, đồng thời có nguồn cung dồi dào cho thị trường.
Năm 1960, các nước sản xuất dầu mỏ lớn gồm Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (viết tắt là OPEC).
Khủng hoảng Trung Đông (năm 1973) khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, từ mức trung bình 2,9 USD/thùng lên 11,65 USD. Giá dầu tăng cao do nguồn cung bất ổn. Năm 1973, các thành viên Ả Rập của OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong khi các nước phương Tây ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur với Ai Cập và Syria.
6 năm sau đó, căng thẳng giữa Iran và Iraq (1979-1980) khiến Iran buộc phải tạm dừng sản xuất dầu lửa. Giá dầu thời kỳ này đã tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, từ giữa năm 1979 đến giữa năm 1980, dầu đã tăng từ 13 USD/thùng lên 34 USD/thùng.
Vài năm sau, việc thay thế dầu bằng khí đốt tự nhiên và việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các phương tiện đi lại cá nhân nhỏ hơn đã giúp giảm nhu cầu và giá dầu.
Chiến tranh Vùng Vịnh (1990) cũng khiến giá dầu tăng vọt. Việc Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận thương mại với Iraq và Kuwait, khiến giá dầu tăng từ 15 USD/thùng vào tháng 7 năm 1990 lên 42 USD/thùng vào tháng 10 năm đó.
Những cú sốc lớn tiếp theo xảy ra vào các giai đoạn 2005-2008 và 2010-2014 do nhu cầu tăng vọt, nhất là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Gần đây, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu tăng sốc. Có thời điểm, giá dầu đã tiến tới mốc 139 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, để kìm chế đà tăng của giá dầu hiện nay thì phải đảm bảo nguồn cung dầu cho thế giới. Ngoài ra, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu Iran sẽ giúp nâng nguồn cung dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, việc tăng sản lượng từ các nhà sản xuất nhỏ hơn, chẳng hạn như Guyana, Na Uy, Brazil và Venezuela, làm tăng nguồn cung, tạo thuận lợi cho giá dầu đi xuống.
Anh Tuấn