Từ cái vỏ chai Coca Cola
Coca Cola xuất hiện ở khắp nơi. Và không chỉ Coca Cola, mà rất nhiều sản phẩm hàng hóa khác của Mỹ, rộng ra, của thế giới phương Tây hiện đại, dường như cũng đã phủ sóng toàn cầu.
Có một dạo tôi thường xuyên đi công tác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, và cũng rất hay có mặt trong các lễ cúng của nhiều người tộc người thiểu số ở những nơi này (mà không hiểu sao báo chí luôn gọi họ bằng một từ rất sai là “người đồng bào”. Người đồng bào là người gì?).
Không có lễ cúng nào là không có rượu để dâng trời đất, thần linh, ma quỷ hay các bậc tổ tiên. Điều ấy dễ hiểu nên không cần giải thích. Nhưng cái khiến cho tôi chú ý, là thứ rượu cúng đặt trên ban thờ ấy không đựng trong be sành, vò đất hay ống tre ống nứa – như cách người dưới xuôi thường hình dung về đời sống sinh hoạt gắn nhiều với tự nhiên của người miền ngược – mà đựng trong các vỏ chai, bằng nhựa hoặc thủy tinh, mang nhãn Coca Cola (hay Pepsi và nhiều loại khác nhãn mác khác).
Vì sao lại thế? Vì nó sẵn và tiện, chắc vậy. Nhưng sự sẵn và tiện ấy cũng chứng tỏ một thực tế rằng ở những vùng núi non ấy, thậm chí có những chỗ đúng là thâm sơn cùng cốc, cái món đồ uống Coca Cola xuất xứ từ nước Mỹ - mà người Tàu phiên rất hay là “Khả khẩu khả lạc” – đã kịp xuất hiện và đi vào cuộc sống của người dân.
Tôi nghĩ, chính những cái “bé bé” ấy mới là minh chứng hùng hồn cho điều mà vài chục năm nay đã trở thành một chủ đề rất lớn, được cả thế giới quan tâm, trong đó tất nhiên có Việt Nam: toàn cầu hóa.
Có thể khẳng định thời đại này là thời đại của toàn cầu hóa, được đặc trưng bằng sự tồn tại và phát triển của những công ty đa quốc gia hùng mạnh, những thể chế kinh tế tài chính khổng lồ, những thị trường chung rộng lớn, những sản phẩm hàng hóa mang tính toàn cầu. Và những cái đó, như đang hiển hiện phổ biến, chủ yếu xuất phát từ phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ.
Còn văn hóa thì sao, trong làn sóng toàn cầu hóa? Đây có lẽ là câu hỏi khiến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam – những nước, nói gọn “cho nhanh”, ở thế yếu về tiềm lực kinh tế khi tham gia toàn cầu hóa – phải đau đầu tìm lời giải. Bởi thực tế nhãn tiền là lối sống và các sản phẩm văn hóa đại chúng của Mỹ và phương Tây đang từng bước, từng nhịp, chiếm lĩnh toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Phim ảnh của Hollywood thì cả thế giới hân hoan thưởng thức. Hip-hop, Rap không còn là thứ nghệ thuật underground nữa, mà nó đàng hoàng trở thành nội dung của các gameshow lớn trên sóng Đài truyền hình quốc gia Việt Nam, thu hút một lượng khán giả kỷ lục, các rapper ăn khách khi hứng lên còn có thể mời cả dàn nhạc giao hưởng đến phụ trợ cho mình đọc rap thì cũng là chuyện bình thường v.v...
Không nói đâu xa, ngay các ngày lễ - dịp để người ta có thể nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí – thì các ngày lễ xuất xứ phương Tây cũng đã và đang xâm nhập rất sâu và đậm trong đời sống của người Việt Nam, đủ cả: lễ Tình nhân, ngày của Mẹ, lễ Giáng sinh v.v... (Nhất là lễ Giáng sinh, kẻ không đạo có khi rối tinh lên, vui sướng còn hơn cả những con chiên của Chúa).
Những hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu này chưa chắc đã phải là kết quả kéo theo của làn sóng toàn cầu hóa về kinh tế. Đây là vấn đề phức tạp, nên tôi tạm gác lại, chưa bàn, để nêu một câu chuyện khác: đổi lại thì văn hóa Việt Nam, với tất cả sự dồi dào phong nhiêu và các giá trị đặc sắc từ truyền thống đến hiện đại của nó, đã có cái gì đó trở thành thứ mang tính toàn cầu tương tự hay chưa?
Câu trả lời hiển nhiên là “Chưa”, và cũng chưa thấy có một manh mối tín hiệu nào về hiện tượng văn hóa toàn cầu made in Vietnam. Nhìn sang mấy quốc gia từng là “đồng văn” trong quá khứ thì quả là ta thua họ: ít ra, Nhật Bản còn có manga (truyện tranh kiểu Nhật), ca nhạc Hàn quốc có K-pop, điện ảnh Trung Quốc cũng đã kịp xây dựng thương hiệu cho vài dàn đạo diễn và minh tinh Hoa ngữ.
Muốn phát triển công nghiệp văn hóa mà không tạo được những giá trị văn hóa mang tính toàn cầu, thì quả thật là điều khó hình dung. Cái ý kiến đề xuất 350.000 tỉ để chấn hưng văn hóa Việt Nam, nếu thông qua, liệu có là đủ để giải quyết được điểm nghẽn này hay không?
Chưa hết đâu. Đấy là nói về việc “ra với thế giới”. Còn ở trong nước, sự phủ sóng xâm nhập và lấn lướt của các giá trị văn hóa mang tính toàn cầu từ nước ngoài (phương Tây và Mỹ) còn có nguy cơ làm thu hẹp, thậm chí làm mai một, tiêu biến các giá trị văn hóa Việt Nam.
Lớp trẻ Việt Nam bây giờ, mấy ai còn xem tuồng, chèo, cải lương, nghe hát xẩm, nghe hát ví dặm, hô bài chòi, nghe ca Huế, nghe kể khan Tây Nguyên, hay thưởng thức một đêm hát xoan thờ Hùng Vương? Mà không có khán giả, không có người nối nghề cổ truyền, thì những giá trị văn hóa bao đời ấy không chết mới lạ.
Tôi xin mạnh dạn nói rằng để giải quyết được những vấn đề ấy, thì những người sáng tạo văn hóa, các nghệ sỹ, các nghệ nhân là không đủ, mà phải có sức mạnh của Nhà nước. Cái sức mạnh ấy không dừng lại ở việc ra các Nghị quyết, mà nó phải được thể hiện ở lòng khát khao thực hiện, các chế độ chính sách, chiến lược và kế hoạch thực hiện một cách bài bản.
Phải học cách người ta quản lý văn hóa nghệ thuật, học cách người ta bảo tồn, phát huy để khai thác thế mạnh của văn hóa Việt Nam, học cách quảng bá, phát hành các sản phẩm văn hóa. Ít nhất, cũng như cách người Mỹ quảng bá và bán sản phẩm Coca Cola trên toàn thế giới này.