Từ bỏ sự nghiệp công chức với bằng Luật danh tiếng, chàng trai trẻ theo đuổi đam mê thu mua phế liệu, đồ cũ, xây dựng văn hoá chợ trời
Như phần lớn tầng lớp thanh niên Trung Quốc, Wu Kaisi được mặc định sống một cuộc sống ổn định và điển hình với công việc là một công chức nhà nước tuy nhiên chàng trai trẻ lại theo đuổi đam mê “bới rác” và buôn bán đồ cũ.
Dành bảy năm qua để cố gắng tạo nên một văn hóa chợ trời của Trung Quốc
Wu Kaisi, 27 tuổi, cho biết: "Cha mẹ tôi nghĩ rằng tôi là một nỗi ô nhục. Với họ, "nổi tiếng" với việc thu gom phế liệu cũng đáng hổ thẹn như "nổi tiếng" vì khỏa thân chạy trên đường phố".
Lần đầu tiên Wu được nhiều người Trung Quốc biết đến là vào năm 2014 khi anh đi bộ hơn 1.800 km từ Quảng Châu đến Thành Đô chỉ với một đôi dép lê. Tuy nhiên, việc theo đuổi nghề chuyên thu gom phế liệu mới khiến Wu trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc.
Một trong những lý do khiến Wu thu hút được nhiều sự chú ý đó là vì Wu là một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học. Với lý lịch như vậy, anh không "phù hợp" với hình ảnh một người đi thu mua phế liệu, nhặt rác để kiếm sống. 6 năm trước, Wu tốt nghiệp khoa Luật, trường Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc (South China University of Technology) danh tiếng ở Quảng Châu.
"Cha mẹ tôi luôn muốn tôi trở thành một công chức hoặc làm việc trong các cơ quan nhà nước, giống như nhiều bậc cha mẹ ở các gia đình truyền thống phía bắc Trung Quốc", Wu nói.
Thay vào đó, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai người Sơn Tây thường được nhìn thấy đi đào bới đống đồ bỏ đi hoặc tìm kiếm đồ đắt tiền tại các khu chợ trời gần nhà ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, vào sáng thứ Bảy và tối thứ Hai.
Nhưng Wu cho biết, việc này không đơn thuần chỉ là để kiếm tiền, anh đang cố gắng xây dựng một nền văn hoá ở Trung Quốc – đó là việc chấp nhận buôn bán các đồ cũ, giống như một một dạng chợ trời hoặc bán hàng trong nhà để xe vốn phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Niềm đam mê bắt nguồn từ một kỳ nghỉ
Niềm đam mê thu thập phế liệu và đồ cũ của Wu bắt nguồn từ một chuyến đi hai tháng đến Mỹ trong năm cuối đại học năm 2015.
Wu kể lại: "Tôi không tốn tiền thuê khách sạn để ở vì tôi có thể tìm chỗ ở tại sân bay, bến xe buýt, công viên hoặc lướt ván".
Vì kế hoạch du lịch theo phong cách du mục nên Wu tìm chỗ giặt là quần áo khá khó khăn. Vì vậy, chàng trai đã tìm đến các chợ trời địa phương để mua những thứ cần thiết cho bản thân, chẳng hạn như áo sơ mi 50 xu và quần tây vốn có thể dễ dàng vứt bỏ sau khi chúng bị bẩn. Wu đã rất ngạc nhiên trước các khu chợ trời vô cùng phát triển ở Mỹ. Ở quốc gia này, bán hàng ở sân, chợ trời và cửa hàng cũ là một phần quan trọng của văn hoá. Wu đã nảy ra suy nghĩ tại sao mình không thấy điều tương tự như ở Trung Quốc.
Wu giải thích: "Tôi đã sống ở Trung Quốc hơn 20 năm và không biết gì về chợ trời. Hầu như không có thông tin về chợ trời trên internet ở Trung Quốc".
Khi Wu trở lại Trung Quốc vào năm 2015, anh bắt đầu tìm kiếm các khu chợ trời ở Quảng Châu, nơi anh sống.
Tuy nhiên, thông tin gần đây nhất mà anh có thể tìm thấy là từ năm 2007, tám năm trước đó và một bình luận cho biết khu chợ trời đã đóng cửa.
Thay vì chán nản với kết quả thu được, Wu bắt đầu tìm kiếm ở phạm vi rộng hơn và tìm thấy thêm 30 địa điểm khác, chẳng hạn như phía sau một khách sạn hoặc gần một bến xe buýt, và dành ba tuần để tìm hiểu từng địa điểm. Cuối cùng, anh đã phát hiện ra hàng chục khu chợ trời hoạt động tương đối sôi động ở Quảng Châu.
"Toàn thân tôi nổi da gà trong lần đầu tiên nhìn thấy chợ trời; Tôi ngay lập tức đắm chìm trong nó, như thể có một ma lực thu hút tôi. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy như thể mình đã tìm được ra chân lý của cuộc đời ", Wu nhớ lại.
Wu lớn lên trong một gia đình có thu nhập thấp, hầu hết các vật dụng trong nhà đều là đồ cũ.
Wu giải thích: "Nhiều vật dụng trong nhà tôi, chẳng hạn như ti vi và bếp ga hay điện thoại di động đều là đồ cũ".
Tuy nhiên, những bất tiện này giờ đây đã trở thành những kỷ niệm ngọt ngào đối với Wu, nhắc nhở anh phải tiết kiệm trong cuộc sống và góp phần tạo nên mối quan hệ đặc biệt của anh với những khu chợ trời.
Trong năm cuối đại học, Wu đã biến sở thích sưu tầm đồ cũ sau nhiều chuyến tham quan các chợ trời ở Quảng Châu thành một công việc kinh doanh kiếm ra tiền.
Từ sở thích đến khởi nghiệp
Wu đã biến phòng ký túc xá của mình thành một ngôi nhà cũ lát gạch xanh rộng 20m2, sau đó anh chuyển đến một nơi rộng 50m2, và cuối cùng là một nhà để xe cũ rộng 300m2.
Giờ đây, sở thích này đã trở thành một công việc kinh doanh hiệu quả và Wu thường kiếm được từ 10.000 đến 15.000 nhân dân tệ (1.500 đến 2.300 USD) mỗi tháng.
Nhà để xe, được gọi là "Kho đồ cũ Yongxu", nằm trong một khu thương mại của Quảng Châu. Để đảm bảo chỉ tiếp đón những người thực sự yêu thích những món đồ cũ, Wu đã thu một khoản phí 9 nhân dân tệ (1,40 USD) khi vào Kho đồ cũ của mình.
Tham vọng của Wu là có thể đến thăm các khu chợ trời trên khắp thế giới và học hỏi từ các nước khác cách phát triển văn hóa chợ trời Trung Quốc.
"Tôi tin rằng thị trường hàng hóa đã qua sử dụng của Trung Quốc vẫn còn sơ khai, đi sau các nước phương Tây từ 40 đến 50 năm," Wu nói.
Theo quan điểm của Wu, những gì anh đang làm không chỉ là một thú vui nhất thời. Anh hy vọng nền văn hóa chợ trời có thể phát triển vì tin rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho cả đất nước, "bởi vì Trung Quốc vẫn là một quốc gia có rất nhiều người nghèo khổ, cần những loại hàng hoá giá rẻ".
Trong khi bố mẹ Wu không tán thành sự lựa chọn nghề nghiệp của Wu thì doanh nhân trẻ tự tin anh đã tìm thấy con đường đúng đắn.
"Những món đồ cũ có thể ghi lại những thay đổi và là bằng chứng về lịch sử của thành phố", Wu nói. "Tôi thấy những gì tôi đang làm có ý nghĩa vì tôi có thể đưa mọi thứ đến tay những người cần chúng".
(Theo SCMP)
An Nhiên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế