Từ bãi đỗ xe đến cái thang máy
Giờ mới nói đến cái thang máy. Khi thang máy dừng lại, mở cửa, bất kể ở một tầng nào, người bên trong chưa kịp ra thì người bên ngoài đã hối hả ào vào.
“Quy trình chuẩn” của rất nhiều cư dân đô thị hiện nay khi đi từ ngoài đường (cơ quan, công ty, hoặc đâu đó) về đến nhà riêng của mình – tôi muốn nói đến những căn hộ trong các chung cư đang mọc lên như nấm – hoặc từ nhà riêng của mình ra đường, là đi từ bãi đỗ xe đến cái thang máy, và ngược lại.
Bãi đỗ xe là một đầu mút, cái thang máy là một đầu mút. Ở bất cứ đầu mút nào, chỉ cần chịu để ý một chút thôi, ta cũng gặp vài chuyện khó chịu, khó chịu nhưng rất phổ biến, mà vì rất phổ biến nên lâu dần cũng thành ra quen, nhàm, và người ta lại thấy... bớt khó chịu.
Hãy nói bãi đỗ xe trước. Xe hơi tạm không bàn, nhưng xe máy thì quả là bạt ngàn: sự quá tải của bãi đỗ xe ở các chung cư cũ, mới đã trở thành chuyện thường. Xe nọ cứ sát sạt xe kia, hàng trên hàng dưới, ken chặt vào nhau, nhiều khi không còn lấy một khoảng hở.
Ấy thế nhưng ở rất nhiều xe, cái bộ phận để người ngồi sau đặt chân lên khi xe chạy trên đường vẫn cứ hiên ngang chìa ra, chiếm chỗ. Dĩ nhiên đây là chuyện “bé tí”, nhiều người nghĩ vậy, nhưng những ai đã từng hoặc hàng ngày vẫn đang phải làm cái việc đưa xe vào lấy xe ra ở bãi đỗ xe chung cư mới thấy nó gây phiền vô cùng.
Nó vướng víu, nó chủng choẳng, nó chướng, nó tạo ra sự khó khăn kích rích, nó khiến người ta phải vất vả trong việc đưa vào lấy ra.
Đôi khi có những người sơ ý, nếu vớ phải bộ phận đặt chân xe máy được chế tạo bằng kim loại sắc nhọn, là dễ bị rách da, chảy máu như chơi.
Việc này rất dễ giải quyết: chỉ cần khi xuống xe, nhớ dùng chân hất/ gạt/ đẩy cái bộ phận ấy lên, thế là xong. Nhưng nhiều người mãi không chịu nhớ, hoặc họ không thấy bất tiện, không nảy sinh cảm giác khó chịu, nên nhất định không chịu làm. Không không là không. Và cái sự ấy nó vẫn cứ thế diễn ra.
Nhưng khi đông người, thậm chí đông chật, nhất là vào các giờ cao điểm của cái sự trẻ con đi học người lớn đi làm, thì việc va quệt nhau cứ xảy ra côm cốp. (Rất giống với tình hình xe cộ trên đường: dường như ai cũng vội, ai cũng muốn nhanh hơn người khác một chút dù nghĩ cho cùng, nhanh hơn cũng chẳng để làm gì).
Đến đây tôi mới nhớ ra cách nay ít năm, từ một vụ việc bị tố là sàm sỡ, quấy rối tình dục trong thang máy ở một chung cư Hà Nội, hình như chính quyền đã ra quy định rằng nếu hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục trong thang máy được coi như cấu thành thì kẻ vi phạm sẽ bị phạt 200.000 đồng.
Trộm nghĩ: giá kể quy định này được thực hiện thật nghiêm, thì với cái việc người ta nhắm mắt nhắm mũi ra vào thang máy lúc đông người như thế, những tờ 200.000 đồng ắt sẽ bay như bươm bướm mất.
Chưa hết đâu, cái thang máy ở các chung cư, ngoài chức năng vận chuyển lên xuống, thì bây giờ nó còn có nguy cơ trở thành cái phòng ăn cho trẻ con. Nói cho đúng, thành cái phòng để các bà, các mẹ, nhưng thường thì là osin, dỗ bọn trẻ con biếng ăn.
Cơm canh, cháo sữa, bế cắp nách, ngồi trong xe nôi hoặc dắt díu nhau, cứ thế những người trông trẻ và những đứa trẻ ở trong thang máy, lên lên xuống xuống qua các tầng, mùi thức ăn ngan ngát tỏa khắp cái hộp bằng thép và inox.
Nghĩa là có một sự chuyển dịch: cái kiểu cho trẻ đi ăn rong, theo chiều ngang, qua các nhà hàng xóm ngày trước, thì nay được thay bằng kiểu cho trẻ đi ăn rong theo chiều dọc, trong thang máy chung cư.
Bãi đỗ xe và cái thang máy, hai không gian ấy và những câu chuyện “bé tí” vừa nêu trên, như tôi nghĩ, đã và đang góp một phần vào việc định hình diện mạo, lối sống của cư dân đô thị ở nước ta hiện nay.
Nó có phải là biểu hiện cho khía cạnh nào đó của “văn hóa thị dân”, hoặc “tật xấu người Việt” hay không – tôi đang nghĩ đến cuốn sách rất dày công khảo cứu về “căn tính người mình” của nhà văn Di Li, vừa xuất bản mới đây – thì tôi không chắc lắm. Tôi chỉ chắc rằng đó không phải là những ví dụ sáng giá một nếp sống, nếp nghĩ văn minh.