Từ 25-8, hộ gia đình không phân loại rác vẫn chưa bị phạt, vì sao?
Điều 26, nghị định 45 quy định các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác, không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt kể từ ngày 25-8, tuy nhiên theo đại diện sở tài nguyên và môi trường tại một số địa phương cho biết vẫn chưa xử phạt, vì sao?
Phải phân loại rác tại hộ gia đình chậm nhất đến cuối năm 2024
Nghị định 45 của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8.
Tuy nhiên Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định phân loại rác từ hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thực hiện chậm nhất đến ngày 31-12-2024.
Chiều 20-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết: UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Đồng thời có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (rác thải) từ hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, đối với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải các địa phương cũng phải thực hiện chậm nhất đến cuối năm 2024.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, đến nay đơn vị này vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy trình phân loại rác trên địa bàn thủ đô. Bởi vậy nên từ ngày 25-8 nghị định có hiệu lực nhưng hộ gia đình không phân loại rác vẫn chưa bị xử phạt.
"Bộ Tài nguyên và môi trường mới có dự thảo thôi, chưa có quy trình phân loại, mặc dù đã có các buổi hội thảo để góp ý nhưng chưa ban hành. Sau khi có nghị định thì phải hướng dẫn chi tiết, có lộ trình để thực hiện...", vị này cho biết.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, để phân loại rác thải tại nguồn thì từ hệ thống thu gom đến khâu xử lý phải liền mạch.
Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường thì UBND các tỉnh, TP sẽ dựa vào đặc thù từng địa phương xây dựng quy trình, ví dụ phân loại rác và chi phí thu gom ở khu đô thị khác với ngoại thành, vùng nông thôn…
Vận động, tuyên truyền để người dân nắm vững phân loại rác
Trong khi đó tại Đà Nẵng, sau nhiều năm thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn đã tạo được thói quen cho nhiều người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , bà Nguyễn Thị Kim Hà - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng - cho biết ngành môi trường thành phố hướng tới việc vận động, tuyên truyền cho người dân nắm rõ và hình thành thói quen để phân loại rác.
"Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn vận động, tuyên truyền để người dân nắm vững việc phân loại rác tại nhà, sử dụng bao bì chứa rác theo quy định. Khi địa phương chính thức áp dụng mới chuyển sang chế tài, xử phạt...", bà Hà nói.
"Xử phạt rất cần thiết, tuy nhiên..."
Bà Hoàng Thị Giang (37 tuổi, đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi rất ủng hộ cần có chế tài đủ mạnh để người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Việc xử phạt rất cần thiết, tuy nhiên trước khi có chế tài các địa phương phải đầu tư đồng bộ từ nơi thu gom, vận chuyển, đến nhà máy xử lý để rác thực sự trở thành tài nguyên".
Sau nhiều năm được vận động tham gia thí điểm phân loại rác tại nhà, ông Nguyễn Tấn Đức (tổ trưởng tổ 33, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: "Nếu có chế tài, xử phạt đủ sức răn đe thì cả người dân và du khách sẽ chú ý hơn nữa đối với môi trường xung quanh".
Theo điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Từ 25-8: Hộ gia đình không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng
Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.