Từ 1/8, người dân lưu thông trên các tuyến cao tốc thu phí không dừng cần chú ý những điều sau để không bị phạt

Chia sẻ Facebook
27/07/2022 23:53:02

Từ 1/8, người dân lưu thông trên các tuyến cao tốc thu phí không dừng cần chú ý những điều sau để không bị phạt


1. Thu phí không dừng là gì?

Khoản 4 Điều 3 Quyết định 19/2020/QĐ-TTg quy định, thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (sau đây gọi tắt là thu phí điện tử không dừng) là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Quá trình tính toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện tự động bởi hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (sau đây gọi tắt là hệ thống thu phí điện tử không dừng).

Vì vậy, giống với tên gọi, thu phí không dừng có thể hiểu đơn giản chính là hình thức thu phí sử dụng đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí.

Việc thu phí được thực hiện thông qua thẻ đầu cuối (thường được gọi là thẻ thu phí không dừng) được gắn trên xe.

2. Có bắt buộc phải dán thẻ thu phí không dừng hay không?

Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào quy định chủ xe bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Tuy nhiên, theo Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 27/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, từ 1/8/2022, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương sẽ phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả tuyến cao tốc.

Hiện, các chủ phương tiện có thể đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà đối với thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) hoặc thẻ e-Tag của Công ty TNHH thu phí tự động VETC.


3. Dán thẻ thu phí không dừng ở đâu?

Theo khoản 1 Điều 9 Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các phương tiện giao thông đường bộ (gồm cả phương tiện chịu phí và miễn phí sử dụng đường bộ) phải được gắn thẻ đầu cuối (thẻ thu phí không dừng).

Việc gắn thẻ thu phí không dừng được thực hiện tại:

- Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại lần kiểm định gần nhất.

- Các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền.

- Ngay khi qua trạm thu phí ETC.

Khi gắn thẻ lần đầu, chủ xe sẽ được mở tài khoản thu phí để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Mỗi tài khoản có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông đường bộ nhưng mỗi phương tiện chỉ được chi trả từ một tài khoản thu phí.


4. Không dán thẻ không được phép đi vào làn ETC

Chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện phải thực hiện gắn thẻ thu phí không dừng cho phương tiện tại lần kiểm định gần nhất hoặc ngay khi qua trạm thu phí sử dụng đường bộ có làn ETC (theo Chỉ thị 39/CT-TTg).

Đặc biệt, Chỉ thị này nhấn mạnh, tuyệt đối không điều khiển xe đi vào làn ETC khi xe chưa gắn thẻ thu phí không dừng hoặc đã gắn thẻ nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả cho giao dịch thu phí.

Theo đó, xe chưa có thẻ thu phí không dừng chỉ có thể đi vào làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) không được đi vào làn ETC.

Trường hợp chưa dán thẻ, chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông hoặc tài khoản giao thông không đủ tiền để trả phí mà vẫn cho xe đi vào làn ETC, lái xe sẽ bị phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tước bằng lái từ 1 - 3 tháng.


Theo Anh Tuấn

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook