Từ 15/6, người dân TP.HCM có thể đến phường, xã bất kỳ để trích lục giấy khai sinh, kết hôn…
Từ 15/6, người dân TP.HCM có thể đến phường, xã bất kỳ để trích lục giấy khai sinh, kết hôn…
Thông tin trên được đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho hay tại hội nghị trực tuyến vào chiều 6/6 do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức.
Hội nghị nhằm triển khai việc thực hiện thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch TP.HCM cho công chức Phòng Tư pháp thuộc UBND quận, huyện, TP Thủ Đức; công chức tư pháp – hộ tịch của UBND phường, xã, thị trấn tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết nhiều năm qua, người dân khi cần trích lục hộ tịch như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, khai tử… đều phải về nơi đăng ký ban đầu hoặc nơi lưu trữ sổ hộ tịch. Có những trường hợp người dân sinh sống tại các huyện xa TP như Cần Giờ, Củ Chi phải mất thời gian đi lại để trích lục giấy tờ.
Hiện nay, tại TP.HCM có gần 13 triệu hồ sơ hộ tịch đã được số hóa. Do đó, từ ngày 15/6, người dân có thể đến bất cứ phường, xã nào tại TP để được trích lục giấy khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con… thay vì phải về nơi cư trú trước đây hoặc nơi đăng ký hộ tịch.
Ông Vũ cho rằng đây là bước quan trọng để TP.HCM thực hiện việc cấp bản điện tử Giấy tờ hộ tịch, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân.
Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch – Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM cho hay trên cơ sở dữ liệu đã có sẵn, các địa phương phải xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ. Trong đó, những loại giấy tờ nào đã có thông tin trên cơ sở dữ liệu thì không yêu cầu người dân phải nộp, như khi cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, nếu trên cơ sở dữ liệu đã có thông tin ly hôn của người đó thì không cần người dân xuất trình…
Vẫn theo ông Lưu, các cán bộ tư pháp – hộ tịch của địa phương này có thể truy cập vào tất cả dữ liệu của các địa phương khác để trích lục. Trường hợp hồ sơ cần có được đăng ký ở địa phương khác nhưng nếu có trên hệ thống thì cũng không cần yêu cầu người dân nộp.
Đối với thông tin ngoại tỉnh, ông Lưu cho biết trong thời gian tới, dữ liệu hộ tịch của TP.HCM sẽ được liên thông với các tỉnh, thành khác trong cơ sở dữ liệu dùng chung. Vì thế, cán bộ TP.HCM có thể trích lục cả dữ liệu ở tỉnh, thành khác để hạn chế thủ tục giấy. Trước mắt, việc này đang thí điểm ở TP.HCM.
Ông Lưu khẳng định tất cả những thông tin hộ tịch mà người dân TP.HCM đăng kí từ thời điểm này trở về trước, thậm chí có thông tin trước năm 1975 mà Sở Tư pháp vẫn còn lưu trữ thì đều có thể tra cứu, trích lục.
Ngành tư pháp sẽ nắm toàn bộ dữ liệu số hoá sổ hộ tịchBà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho hay sau 2 năm thực hiện số hoá toàn bộ sổ hộ tịch, TP.HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hoá dữ liệu hộ tịch và đưa vào Kho dữ liệu dùng chung của ngành tư pháp. Theo bà Trinh, số hóa sổ hộ tịch là một trong các nội dung thuộc Kế hoạch xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng cho Kho dữ liệu dùng chung của TP, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình Chuyển đổi số của TP, kết hợp xây dựng ứng dụng khai thác, phục vụ cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp; đồng thời kết nối, quản lý, khai thác với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc do Bộ Tư pháp quản lý. Hiện TP.HCM đã hoàn thành việc số hóa 4 loại sổ: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số trên 12,8 triệu hồ sơ. |
Sơn Nguyên
Từ 1/7, Việt Nam bắt đầu thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi người dân nhập khẩu, tách hộ...
Từ ngày 1/7/2021, Việt Nam sẽ thu hồi dần sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi người dân đến làm thủ tục thay đổi về thông tin cá nhân, cư trú...