Từ 10/10, một ngân hàng đẩy lãi suất tiền gửi cao nhất lên 8,6%/năm
Các ngân hàng liên tục tăng tốc trên đường đua lãi suất. Giờ đây, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng ghi nhận mốc cao mới là 8,6%/năm.
Cụ thể, kể từ 10/10 - 31/12/2022, ABBANK triển khai chương trình "Tiết kiệm thu sang – Gửi tiền phát lộc". Khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBANK theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.
Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ vào các kỳ hạn gửi tiền, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên và một tài khoản số đẹp có giá trị từ 2-10 triệu đồng.
Song song với chính sách ưu đãi tại quầy, khách hàng chọn gửi tiết kiệm trên kênh online thông qua app AB Ditizen cũng sẽ hưởng mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn tương đương cho các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng tại chương trình mang tên "Lướt APP gửi tiền – nhận liền lãi lớn". ABBANK cho biết sẽ dành ra hạn mức 4.500 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi tại quầy và 500 tỷ đồng cho các khoản gửi online. Khi tham gia chương trình ưu đãi này, khách hàng vẫn được áp dụng chính sách rút vốn trước hạn.
Như vậy, với kỳ hạn 15 tháng hiện nay, ABBANK là ngân hàng có lãi suất cao nhất: 8,6%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất được ghi nhận trên thị trường hiện nay là 8,9%/năm tại SCB, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, ở các kỳ hạn khác của SCB cũng có lãi suất rất cao: lãi suất tiết kỳ hạn 6 tháng online tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%/năm.
Sau khi tăng lãi suất vào tuần cuối tháng 9, đến mới đây, từ ngày 6/10, hàng loạt ngân hàng như VPBank, Techcombank, Sacombank,...cũng tiếp tục áp dụng biểu lãi suất mới và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn dài.
Theo báo cáo chiến lược tháng 10 của công ty chứng khoán SSI Research, trước khi NHNN điều chỉnh lãi suất suất điều hành, các NHTMCP cũng đã tăng biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 100-150 điểm cơ bản so với cuối năm ngoái. Trong 2 tuần cuối của tháng 9, sau động thái tăng một số lãi suất điều hành từ NHNN, hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid, hoặc thậm chí cao hơn.
Công ty chứng khoán Bản Việt (BVSC) cũng có nhận định, từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng NHNN sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Fed vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong hai cuộc họp cuối năm. Động thái này sẽ khiến lãi suất huy động sẽ vẫn tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2022.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group cũng có dự báo, với bối cảnh hiện tại, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ 1-1,5% trong 6 tháng đến 1 năm tới.