TT Putin: Moscow tấn công lưới điện Ukraine để đáp trả vụ tấn công tàu Nga ở Crimea

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 15:01:10

TT Putin: Moscow tấn công lưới điện Ukraine để đáp trả vụ tấn công tàu Nga ở Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine và quyết định ngừng tham gia chương trình xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen là để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không lái nhằm vào hạm đội của Moscow ở bán đảo Crimea mà ông đổ lỗi cho Ukraine.


Embed from Getty Images


Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai (31/10), Tổng thống Putin lên án, các máy bay không người lái của Ukraine đã sử dụng cùng hành lang hàng hải mà các tàu chở ngũ cốc đi qua theo một thỏa thuận do LHQ làm trung gian để tấn công các tàu của Nga.


Kyiv không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, đồng thời phủ nhận việc sử dụng hành lang an ninh của chương trình ngũ cốc cho mục đích quân sự. Liên Hợp Quốc (LHQ) lưu ý, không có chuyến tàu chở ngũ cốc nào sử dụng tuyến đường này ở Biển Đen vào thứ Bảy (29/10), thời điểm mà Nga tuyên bố, các tàu của họ ở Crimea bị tấn công.


Trong khi đó, khi cuộc chiến bước vào ngày thứ 250 kể từ khi bắt đầu vào ngày 24/2, Nga đã dội tên lửa xuống khắp quốc gia Đông Âu. Các vụ nổ đã vang lên khắp Kyiv và khói đen bốc cao lên bầu trời.


Trong một thông báo trên Facebook hôm 31/10, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho hay, các lực lượng Nga đã nã pháo vào các cơ sở hạ tầng tại ít nhất 6 khu vực của Ukraine.


Tại cuộc họp báo trên truyền hình, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Đó không phải là tất cả những gì chúng tôi có thể làm,” đồng thời cảnh báo, Nga có thể tiến hành nhiều hành động hơn nữa


Các quan chức Ukraine lưu ý, cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm các đập thủy điện, đã bị tấn công, khiến cho các nguồn cung cấp điện, nhiệt và nước bị gián đoạn.


Ông Oleh Synehubov, Thống đốc vùng Kharkiv nằm ở phía Đông Bắc Ukraine, đăng thông tin trên Telegram rằng, khoảng 140.000 cư dân đã bị mất điện sau các vụ tấn công của Nga, trong đó có khoảng 50.000 cư dân của thành phố Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine.


Quân đội Ukraine tuyên bố, họ đã bắn hạ 44 trong số 50 tên lửa của Nga. Tuy nhiên, theo các nhà chức trách, các cuộc tấn công của Nga đã khiến 80% thủ đô Kyiv không có nước sinh hoạt. Cảnh sát Ukraine cũng thông báo, 13 người đã bị thương trong các vụ tấn công mới nhất.


Trong ba tuần qua, Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine bằng cách sử dụng tên lửa tầm xa đắt tiền, đồng thời điều khiển “các máy bay không người lái tự sát” rẻ tiền do Iran sản xuất bay đến các mục tiêu ở Ukraine và cho nổ tung.


Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho hay, 18 mục tiêu ở 10 khu vực của Ukraine, chủ yếu là cơ sở hạ tầng năng lượng, đã bị Nga tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào ngày 31/10.

Giá lúa mì tăng đột biến


Hôm thứ Bảy (29/10), Moscow tuyên bố ngừng vai trò của mình trong chương trình ngũ cốc sau khi cáo buộc Ukraine sử dụng các máy bay không người lái nhắm mục tiêu vào các tàu của Nga ở Vịnh Sevastopol. Nga cho rằng, một trong các máy bay không người lái này có thể đã được phóng từ một con tàu dân sự được thuê để chở lương thực xuất khẩu từ các cảng của Ukraine.


Hôm 31/10, Tổng thống Putin yêu cầu: “Ukraine phải đảm bảo rằng không có mối đe dọa nào đối với các tàu dân sự hoặc các tàu tiếp tế của Nga,” đồng thời nhấn mạnh rằng theo các điều khoản của thỏa thuận ngũ cốc, Nga chịu trách nhiệm về đảm bảo an ninh.


Bất chấp động thái mới của Nga về thỏa thuận ngũ cốc, các quan chức Ukraine và LHQ cho biết, 12 tàu chở ngũ cốc đã khởi hành từ các cảng của Ukraine vào ngày 31/10. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết, đất nước của ông sẽ tiếp tục thực hiện chương trình do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, với mục đích làm giảm nhẹ nạn đói toàn cầu.


Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Zelensky lưu ý: “Chúng tôi hiểu chúng tôi cung cấp gì cho thế giới. Chúng tôi cung cấp sự ổn định cho thị trường sản xuất thực phẩm.” Trước đó ông đã chỉ trích Moscow đang “tống tiền thế giới bằng nạn đói” . Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận đó là mục đích của mình.


Hôm 31/10, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, giá lương thực tăng do sự không chắc chắn xung quanh thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và việc Nga ngừng tham gia [thỏa thuận này] đang có những tác động “tức thì, có hại” đối với an ninh lương thực toàn cầu.


Việc Moscow rút khỏi thỏa thuận này đã khiến giá lúa mì toàn cầu tăng vọt hơn 5% vào sáng thứ Hai (31/10).


Tuy nhiên, việc Ukraine vẫn tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực mới của thế giới hiện đã tạm thời được ngăn chặn.


Ukraine và Nga đều là những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Trong ba tháng qua, thỏa thuận do LHQ làm trung gian đã giúp dỡ bỏ lệnh phong tỏa các cảng Ukraine trên thực tế của Nga và đảm bảo cho các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc của Kyiv có thể tiếp cận các thị trường trên thế giới.


Trong số các con tàu khởi hành hôm 31/10, có một con tàu do Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ thuê để chở 40.000 tấn ngũ cốc đến châu Phi đang bị hạn hán nghiêm trọng.


Cũng vào ngày 31/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Moscow đã hoàn tất việc tổng động viên một phần quân dự bị do Tổng thống Putin công bố vào tháng 9 và sẽ không có thêm thông báo gọi nhập ngũ nào được đưa ra.


Hôm 21/9, Tổng thống Putin đã công bố lệnh tổng động viên một phần quân dự bị lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai. Đây được xem là một trong một loạt các biện pháp leo thang cuộc chiến của Điện Kremlin nhằm đáp trả những thắng lợi của Ukraine trên chiến trường.


Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu khẳng định, khoảng 300.000 quân dự bị sẽ được gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, việc huy động đã diễn ra hỗn loạn và hàng nghìn người đã trốn khỏi Nga để tránh bị bắt đi quân dịch.


Gia Huy (Theo Reuters)

Blinken: Nga ngừng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc là đang vũ khí hóa lương thực Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhận định, việc Nga đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen chính là đang vũ khí hóa lương thực.

Chia sẻ Facebook