TT Philippines thăm Mỹ để thắt chặt quan hệ khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng

Chia sẻ Facebook
01/05/2023 16:48:40

Ngày 30/4, Tổng thống Ferdinand Marcos đã rời thủ đô Manila đến thăm Hoa Kỳ sau khi hai nước đồng minh tăng cường hợp tác quân sự ở Biển Đông với các cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay và ký một thỏa thuận mở rộng quyền tiếp cận của quân đội Mỹ đối với các căn cứ ở Philippines.


Embed from Getty Images


Manila và Washington gần đây đã đồng ý mở rộng hợp tác trong “các khu vực chiến lược” của Philippines khi cả hai tìm cách chống lại sự gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực và những yêu sách lãnh hải sâu rộng của Trung Quốc đối với các vùng biển, đảo nhỏ và bãi cạn đang tranh chấp.


Chuyến thăm của Tổng thống Marcos diễn ra sau khi Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc ngừng “các hành vi khiêu khích và không an toàn” ở Biển Đông đang tranh chấp sau sự kiện một tàu Trung Quốc suýt va chạm với một tàu tuần duyên philippines.


Tổng thống Marcos bắt đầu chuyến công du 4 ngày của mình bằng cách gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thứ Hai (1/5) tại Nhà Trắng, mà nhà lãnh đạo Philippines mô tả là “cần thiết để thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng tôi và củng cố liên minh rất quan trọng đó.”


Trong một thông báo trước khi khởi hành, Tổng thống Marcos nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tái khẳng định cam kết về việc tăng cường liên minh lâu đời của chúng tôi như một công cụ hòa bình và là chất xúc tác phát triển ở Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”


Trước chuyến thăm, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đã chỉ trích Bắc Kình về vụ suýt va chạm giữa một tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc với một tàu tuần duyên Philippines cách đây một tuần. Ông lên án, đó là một lời nhắc nhở về “sự quấy rối và đe dọa” của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.


Trong một thông báo, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành vi khiêu khích và không an toàn của mình,” đồng thời cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng vũ trang Philippines sẽ khiến Mỹ đáp trả.


Tổng thống Biden đã và đang cố gắng tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á khi mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn trong tình trạng lạnh nhạt lịch sử.


Việc Philippines nằm gần các tuyến đường biển quan trọng và gần Đài Loan đã mang lại cho quốc gia này tầm quan trọng chiến lược.


Bắc Kinh tuyến bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế rằng các yêu sách của họ không có cơ sở pháp lý.

Suýt va chạm


Hôm 23/4, khi một tàu tuần duyên Philippines chở các nhà báo đến gần Bãi cạn Thomas thứ hai ở Quần đảo Trường Sa, một tàu Trung Quốc có kích thước lớn gấp đôi nó đã đi vào đường đi của nó.


Các nhà báo của đài AFP đã chứng kiến vụ việc từ một con tàu khác của Philippines cách đó chưa đầy một km.


Sĩ quan chỉ huy con tàu thứ nhất của Philippines kể lại, tàu của Trung Quốc đã đến cách thuyền của anh ấy trong vòng 45m, và chỉ có những hành động nhanh chóng mới tránh được một vụ va chạm.


Hôm 28/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án, các tàu Philippines đã “xâm nhập” mà không có sự cho phép của Trung Quốc và gọi đó là “hành động khiêu khích và có tính toán trước”.


Manila đã đáp trả rằng “các cuộc tuần tra trong vùng biển của chính chúng tôi không thể coi là [hành vi] khiêu khích hoặc có tính toán trước.” và khẳng định các cuộc tuần tra sẽ tiếp tục.


Tổng thống Marcos tuyên bố, ông sẽ không để Trung Quốc chà đạp lên các quyền của Philippines trên biển, và đã hướng về Hoa Kỳ khi ông tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington.


Trong tháng này, Philippines đã xác định thêm bốn căn cứ quân sự, ngoài 5 địa điểm hiện có, mà các lực lượng Mỹ sẽ có quyền tiếp cận, bao gồm một căn cứ gần Quần đảo Trường Sa.


Sự thay đổi này của Philippines đã khiến chính quyền cộng sản Trung Quốc lo lắng bởi vì Bắc Kinh luôn cáo buộc Washington đang cố gắng chia rẽ Bắc Kinh và Manila.

Cam kết vững chắc của Mỹ đối với Philippines


Mối quan hệ Mỹ – Philippines đã trở nên tồi tệ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Marcos.


Tổng thống Marcos đã tìm cách trấn an những lo ngại của công chúng rằng liên minh với Hoa Kỳ có thể đưa Philippines vào một cuộc xung đột nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, một đảo quốc dân chủ với hệ thống tiền tệ và quân đội riêng mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để chiếm lấy.


Tổng thống Marcos lưu ý, ông sẽ thuyết phục Tổng thống Biden về “sự cần thiết phải giảm bớt giọng điệu” về Biển Đông, Đài Loan và Triều Tiên.


Trong tháng này, Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay, trong cuộc gặp với Tổng thống Marcos, Tổng thống Biden dự định “tái khẳng định cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Philippines”.


Trước khi khởi hành vào ngày 30/4, Tổng thống Marcos cho biết ông sẽ chuyển cho Tổng thống Biden thông điệp rằng Manila mong muốn củng cố mối quan hệ mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực từ an ninh lương thực và  năng lượng cho đến “đảm bảo sự phục hồi của chúng tôi trước các mối đe dọa đối với nền kinh tế của chúng tôi, bao gồm cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cần và áp bức kinh tế.”


Tổng thống Marcos khẳng định, ông sẽ thúc đẩy “sự gắn kết kinh tế lớn hơn” giữa hai nước và dự kiến sẽ gặp lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ để thúc đẩy thương mại và đầu tư.


Gia Huy (Theo AFP)

Philippines, Trung Quốc thiết lập thêm đường dây liên lạc để giải quyết các vấn đề trên biển

Philippines và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập thêm các đường dây liên lạc để quản lý các vấn đề ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Chia sẻ Facebook