TT Macron: Không nên có “lời nói hoặc hành động” leo thang nếu muốn hòa bình tại Ukraine
TT Macron: Không nên có “lời nói hoặc hành động” leo thang nếu muốn hòa bình tại Ukraine
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Embed from Getty Images
Một ngày trước đó, trong một bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”, đồng thời đưa ra nhiều lời chỉ trích đối với nhà lãnh đạo Nga. Bình luận của Tổng thống Mỹ đã khiến Nhà Trắng sau đó phải cải chính, phát ngôn của ông Biden không có nghĩa là Hoa Kỳ đang thúc đẩy sự thay đổi chế độ ở Nga.
Nói với đài France 3 TV, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Tôi sẽ không sử dụng kiểu từ ngữ này bởi vì tôi đang tiếp tục thực hiện các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin. Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến mà Nga đã phát động ở Ukraine mà không gây leo thang… đó là mục tiêu.” Đồng thời ông cho hay, các cường quốc NATO và Pháp đã “lựa chọn không can thiệp quân sự vào cuộc xung đột [Nga-Ukraine].”
Mục tiêu của Pháp là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hoặc Nga rút các lực lượng khỏi Ukraine. Tổng thống Macron tiết lộ, ông đang tìm cách nói chuyện với Tổng thống Putin trong tuần này.
Một nhà đàm phán của Ukraine cho biết, Kiev và Moscow sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trong tuần này ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Theo Reuters, một nhà đàm phán của Nga đã xác nhận các cuộc đàm phán trực tiếp vào đầu tuần này, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Tổng thống Macron cảnh báo: “Nếu chúng ta muốn làm điều này, chúng ta không được leo thang, không nên có lời nói hay hành động [leo thang].”
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Hoa Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy và có “những giá trị chung” với Pháp.
Sau phát biểu của Tổng thống Biden, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích, chỉ có người dân Nga mới có thể quyết định xem họ muốn ai là tổng thống, chứ không phải các lực lượng bên ngoài, Theo truyền thông nhà nước Nga, ông Peskov cáo buộc, Tổng thống Biden đã đưa ra các bình luận trong tình trạng “mệt mỏi”, “cáu kỉnh” và “đôi khi hay quên”. Ông nhận định, điều đó dẫn đến “những tuyên bố hung hăng”.
Trong một nỗ lực nhằm biện minh cho bình luận của Tổng thống Biden, hôm 27/3 khi trao đổi với đài Fox News, Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith lưu ý, chính quyền Mỹ “không có chính sách thay đổi chế độ đối với Nga” và cho rằng, phát biểu của Tổng thống Biden “chỉ tập trung vào tình huống hiện tại, chứ không nghĩ đến bất cứ thứ gì khác” , tuy nhiên bà không đưa ra giải thích chi tiết. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định với các phóng viên ở Israel, Hoa Kỳ không có chủ trương thay đổi chế độ ở Moscow.
Sau hơn một tháng xung đột, Nga đang gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm giữ bất kỳ thành phố lớn nào ở Ukraine. Hôm 25/3, Nga phát đi tín hiệu cho thấy, họ đang thu hẹp tham vọng của mình để tập trung nắm giữ chắc chắn khu vực Donbas nằm ở miền Đông Ukraine.
Ngày 27/3, một lãnh đạo địa phương của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng tuyên bố, khu vực này có thể sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập vào Nga, như đã xảy ra ở Crimea sau khi Nga chiếm giữ bán đảo này của Ukraine vào năm 2014.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tàn phá một số thành phố của Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ước tính khoảng 10 triệu người ở Ukraine, gần 1/4 dân số của nước này, đã phải di tản.
Sáng sớm ngày 27/3, trong một đoạn video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các lực lượng NATO cung cấp cho Kiev xe tăng và máy bay chiến đấu, đồng thời cáo buộc phương Tây thiếu dũng cảm trong việc ủng hộ Ukraine chống lại Nga.
Gia Huy (Theo ET, Reuters)
TT Biden nói rằng ông không kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm Chủ nhật (27/03) đã làm rõ rằng Hoa Kỳ không có chính sách thay đổi chế độ ở Nga.