TSMC tăng đầu tư lên 40 tỷ đô vào nhà máy sản xuất chip thứ hai ở Mỹ
Việc Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) tăng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Arizona được xem là chiến thắng lớn của chính phủ Mỹ trong nỗ lực thu hút các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
TSMC tăng đầu tư lên 40 tỷ đô vào nhà máy sản xuất chip thứ hai ở Mỹ
TSMC, hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, ngày 06/12 cho biết sẽ tăng gấp 3 lần vốn đầu tư vào Arizona lên 40 tỷ USD , để xây dựng nhà máy thứ hai sở hữu công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới vào tại Arizona. TSMC đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại bang này.
Nhà máy sản xuất chip thứ hai của TSMC sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026 và sẽ là nhà máy đầu tiên tại Mỹ sản xuất được chip 3 nanomet, loại chip tiên tiến nhất hiện nay, một quan chức Nhà Trắng cho hay. Cùng với việc mở rộng, TSMC sẽ tăng tuyển dụng cho lực lượng lao động tại Arizona lên 4,500 người, so với kế hoạch ban đầu là 1,600 người.
Nanomet ý chỉ đến khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên một con chip, khoảng cách này càng nhỏ thì chip càng mạnh. Là “bộ não” của các thiết bị điện tử, chip là bộ phận rất quan trọng đối với mọi thứ, từ điện thoại thông minh, xe tự lái cho đến siêu máy tính và công nghệ AI.
Nhà máy đầu tiên của TSMC, dự kiến đi vào sản xuất vào năm 2024, sẽ sản xuất chip 4 nanomet, loại đang được sử dụng cho bộ xử lý iPhone 14 Pro. Khi hai nhà máy hoạt động hết công suất, tổng sản lượng của TSMC ở Arizona sẽ là 60,000 đĩa bán dẫn mỗi tháng, gấp ba lần kế hoạch ban đầu là 20,000 đĩa.
“Khi hoàn thiện, TSMC Arizona sẽ là cơ sở sản xuất chất bán dẫn xanh nhất ở Mỹ với công nghệ xử lý chất bán dẫn tiên tiến nhất, tạo ra những sản phẩm điện toán hiệu năng cao và tiêu thụ điện năng thấp thế hệ tiếp theo trong nhiều năm tới”, Chủ tịch TSMC Mark Liu nói.
Apple và các nhà sản xuất chip AMD và Nvidia sẽ là những khách hàng đầu tiên mua chip từ nhà máy ở Arizona của TSMC, theo một thông báo của công ty và Nhà Trắng.
AMD nói với Nikkei Asia rằng họ mong muốn các sản phẩm chip tiên tiến nhất của mình được sản xuất tại nhà máy ở Arizona của TSMC. Còn theo CEO của Nvidia, Jensen Huang, TSMC đầu tư xây dựng nhà máy ở Mỹ là một bước đột phá và là sự kiện mang tính thay đổi cuộc chơi trong ngành sản xuất chip.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định tham dự buổi lễ lắp đặt thiết bị tại nhà máy đầu tiên của TSMC vào ngày 06/12 cho thấy tầm quan trọng của công ty đối với tham vọng chip của Washington. Ngoài ông Biden, còn có lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Nvidia, AMD … Các công ty có mặt tại buổi lễ có tổng giá trị thị trường ít nhất 4,000 tỷ USD , khiến đây trở thành một cuộc gặp mặt quan trọng nhất của ngành công nghiệp bán dẫn trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Ngoài tầm quan trọng về mặt kinh tế, chip còn được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia và đó là lý do khiến Mỹ phải áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc. Tầm quan trọng của chip ngày càng lớn bởi tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu do đại dịch gây ra và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp.
Hiện tại, phần lớn chip tiên tiến nhất thế giới được sản xuất tại châu Á bởi TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Mỹ đang hy vọng có thể thay đổi tình thế này bằng cách cung cấp ưu đãi cho các công ty xây dựng nhà máy sản xuất chip trên đất Mỹ. Vào tháng 07/2022, các nhà lập pháp đã thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 52.7 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, mặc dù việc phân bổ vốn sẽ chưa được quyết định cho đến năm sau, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Ngoài kế hoạch đầu tư mở rộng của TSMC, Samsung đang xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ USD ở Texas, trong khi nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, Intel, cũng chi ít nhất 40 tỷ USD để xây dựng nhà máy chip ở Arizona và Ohio.
Hiện tại, chỉ có TSMC, Samsung và Intel đang xây dựng hoặc cố gắng sản xuất chip tiên tiến như loại 3 nanomet. Tuy nhiên, tất cả đều đặt mục tiêu có thể sản xuất chip 2 nanomet vào năm 2025.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)