TS. Trần Du Lịch: “Mô hình giám sát thị trường tài chính Việt Nam phải đủ quyền lực và đủ rộng”

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 12:52:44

Chia sẻ bên lề Hội thảo khoa học quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” lần 2 diễn ra sáng ngày 10/06, TS.Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết việc xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trái phiếu cũng như thị trường bất động sản là việc phải làm.

TS. Trần Du Lịch: “Mô hình giám sát thị trường tài chính Việt Nam phải đủ quyền lực và đủ rộng”

Những giải pháp chấn chỉnh phải được đưa ra đồng bộ ở cả 2 thị trường này, bởi vì 2 thị trường này liên thông với nhau. Và thực tế cho thấy, sự liên thông rất rõ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, xử lý vi phạm và cơ chế chính sách là hai vấn đề khách nhau. Vi phạm phải xử lý theo luật, nhưng cơ chế chính sách là phải nâng cao hiệu quả về cơ chế giám sát thị trường. Và thậm chí phải đồng bộ 4 mục tiêu kinh tế vĩ mô, tạo thành bài toán 4 ẩn số, mới đảm bảo tăng trưởng. Phải kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, không để tăng thất nghiệp và phải tăng trưởng ròng, có dự trữ, có ngoại tệ, ổn định giá trị đồng tiền. Phương trình 4 ẩn số này phải có chính sách đồng bộ, chứ không thể xử lý từng vấn đề.

Về mô hình giám sát thị trường vốn, TS. Trần Du Lịch cho rằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ nằm trong cấu tạo thị trường tài chính. Một bên là thị trường vốn trung dài hạn, tức là thị trường chứng khoán; một bên có hệ thống ngân hàng, tham gia vào đó có các định chế về bảo hiểm, đầu tư.

Hiện nay việc giám sát đang được thực hiện riêng lẻ, Ngân hàng Nhà nước giám sát tín dụng, còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát thông tin chứng khoán. Thế nhưng, một số vấn đề không phải chỉ có thị trường này hay thị trường kia mà nó đi liên thông. Lấy ví dụ trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giám sát trái phiếu thì Bộ Tài chính quy định, nhưng trái phiếu lại được phát hành qua ngân hàng thương mại, uy tín của ngân hàng thương mại được sử dụng để doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Vấn đề đặt ra là hoạt động ngân hàng và hoạt động trên thị trường chứng khoán đang đan chéo nhau nhưng giám sát thì lại tách ra.

Mô hình giám sát thị trường tài chính Việt Nam phải đủ quyền lực và đủ rộng để giám sát mọi hoạt động này chứ không phải riêng ngân hàng hay riêng bộ phận tài chính nào.

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu là cần thiết, nhưng phải tạo điều kiện để tiếp tục phát triển thị trường này, để tạo nguồn vốn trực tiếp cân đối thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ.


Hiện nay, có 3 vấn đề cần phải xem xét.

Thứ nhất, sửa và hoàn thiện Nghị định 153, làm rõ trách nhiệm của những tổ chức đại lý phát hành, kể cả công ty chứng khoán, trách nhiệm trong việc giới thiệu, giám hộ thế nào. Hiện nay, người dân mua trái phiếu tại ngân hàng và nghĩ rằng ngân hàng phát hành.

Thứ hai, tiêu chí phát hành được đặt ra phải chặt chẽ hơn. Bởi vì chúng ta không nên nghĩ đến việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có tài sản thế chấp như ngân hàng. Tiêu chí để doanh nghiệp xác định, đánh giá mức độ rủi ro phải được xác định cụ thể.

Cuối cùng là giám sát ở đâu. Hiện nay, không có cơ chế giám sát nào rõ ràng.

Nếu hoàn thiện 3 vấn đề này thì thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục phát triển.

Cát Lam

Chia sẻ Facebook