TS Nguyễn Trí Hiếu: Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát
Nền kinh tế sau đại dịch vẫn còn những khó khăn. Song áp lực "bão giá" đang ngày một hiện rõ. Ngân hàng Nhà nước đang chịu nhiều áp lực: kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hổ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Những động thái sắp tới của FED sẽ thế nào?
Tại tọa đàm "Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của FED có tác động mạnh mẽ lên những quyết sách kinh tế của Việt Nam.
Cách đây 2 tuần FED đã nâng lãi suất FED Funds lên thêm 0,75 điểm % và nhiều dự báo cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 1,9 điểm % trong 6 tháng cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023 có thể dao động quanh mức 3,4-3,8%.
Hành động này của FED chủ yếu là để kiềm chế "bão giá". Tính đến cuối tháng 5, lạm phát của Mỹ đã đạt mức 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây. Tình trạng lạm phát cao được dự báo là sẽ vẫn có thể tiếp diễn cho đến cuối năm nay.
Không chỉ tăng lãi suất, FED còn thực hiện thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng (quantitative easing), tức là giảm việc mua trái phiếu chính phủ, qua đó làm giảm cung tiền và kiểm soát lạm phát.
Chuyên gia cũng chia sẻ thêm về 3 lo ngại đang tồn tại ở Mỹ trong bối cảnh vĩ mô hiện tại.
Thứ nhất, lãi suất tăng sẽ làm suy yếu hoạt động vay tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, thị trường xe ô tô, thị trường chứng khoán.
Thứ hai, tăng lãi suất không giải quyết được lạm phát. Những nhà kinh tế theo quan điểm này cho rằng lãi suất hiện tại bắt nguồn từ cuộc xung đột địa chính trị tại Ukraine, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Vì thế tăng lãi suất không thực sự là một "liều thuốc" chữa lạm phát.
Thứ ba, nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đi vào suy thoái, hay ít nhất là một cuộc "hạ cánh mềm" trong năm nay. Trong trường hợp tệ nhất đó là tình trạng đình lạm (Stagflation: kinh tế vừa lạm phát, vừa trì trệ).
"Có thể nói, kinh tế Mỹ đang đi vào một giai đoạn khó khăn với lạm phát tăng mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Vấn đề không còn là liệu Mỹ có đi vào suy thoái hay không, mà câu hỏi đặt ra là chừng nào suy thoái đến, độ sâu của tình trạng suy thoái và thời gian suy thoái kéo dài bao lâu. Một điều chắc chắn là trong ngắn hạn Mỹ không thể đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%, mà trong một kịch bản tốt tỷ lệ lạm phát chỉ có thể được kéo xuống khoảng 6% vào cuối năm nay", ông Hiếu dự báo.
Tinh hình trong nước thời gian tới sẽ thế nào?
Theo chuyên gia, mục tiêu năm nay của Ngân hàng Nhà nước là khống chế lạm phát dưới mức 4%. Song tính đến thời điểm hiện tại, áp lực từ giá dầu, từ chi phí sinh hoạt vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi. Dự báo là lạm phát quý II có thể ở quanh mức mức 3,1%
Song song với nhiệm vụ khống chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn một sứ mệnh khác đó là ổn định lãi suất cho vay, đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo tăng trưởng.
"Hiện nay các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và hiện đang xin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng. Tất cả những điều này là hiển nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cần được tiếp sức để tiếp tục quá trình phục hồi", ông Hiếu nhận định. Tuy nhiên, những điều này đang đi ngược lại chủ trương chống lạm phát: với một dòng vốn tín dụng tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao, khác nào “lửa đổ dầu thêm”.
Trên lý thuyết, sẽ có một sự đánh đổi nhất định giữa tăng trưởng và lạm phát. Vì thế, việc cùng lúc duy trì lạm phát dưới mức 4% và hỗ trợ phục hồi kinh tế được chuyên gia xác định là một thách thức rất lớn trong thời gian tới.
Về những diễn biến trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND chính thức đã tăng khoảng 1,6% từ đầu năm. Đặc biệt, tỷ giá tăng mạnh trong tháng 6 (tháng Fed tăng lãi suất và đẩy giá trị của đồng bạc xanh lên).
Tỷ giá của tiền đồng tăng có lợi cho xuất khẩu, một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa chi phí nhập khẩu cũng sẽ tăng lên, kéo theo đó là rủi ro nhập khẩu lạm phát. Vì thế, các vấn đề tỷ giá cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ông Hiếu khuyến nghị: "Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ."