TS. Nguyễn Quốc Hùng: 70% tài sản bảo đảm ở ngân hàng là bất động sản, cần hết sức thận trọng, không nên đặt vấn đề siết hay cấm cho vay
Theo ông Hùng, lĩnh vực chứng khoán, bất động sản là rủi ro nên rất cần thận trọng, không nên đặt vấn đề siết hay cấm cho vay, mà cần phải xem xét chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để không xảy ra tình trạng "sốt nóng, sốt lạnh", hoặc là thị trường bất động sản đóng băng.
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Câu chuyện kiểm soát tín dụng vào bất động sản "nóng" hơn trong thời gian gần đây khi một số ngân hàng có động thái thông báo tạm ngừng hoặc hạn chế hơn trong cho vay bất động sản. Ngoài ra, kênh huy động vốn rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các ngân hàng phải rất thận trọng với lĩnh vực bất động sản. Hiện số lượng tài sản bảo đảm trên tổng dư nợ của các ngân hàng khá lớn, có đến 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay là bất động sản.
Thời gian qua, ngành kinh doanh bất động sản được cho là rất khó khăn, nhưng giá bất động sản vẫn tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Giá tăng như vậy cũng khiến cho nhiều người dân có nhu cầu khó mua được nhà. "Tại sao giá tăng như vậy? Liệu có hiện tượng làm giá không?", ông Hùng cho rằng đó là những câu hỏi cần giải đáp thỏa đáng để nhìn nhận thực chất vấn đề.
Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần hết sức thận trọng khi cho vay bất động sản. Bởi nếu giá trị 1 căn nhà trước đây chỉ 100 triệu đồng/m2 thì nay lên tới 300 triệu đồng/m2. Với tỷ lệ cho vay 50% giá trị tài sản thì khi giá bất động sản xuống, ai sẽ chịu rủi ro?. Nếu cứ đầu tư mạnh vào bất động sản để đẩy giá lên và không bán được, thì chỉ cần dừng lại một dòng thanh khoản sẽ có rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng cần lường trước những điều này để đánh giá đúng những rủi ro có thể xảy ra cho chính mình.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực bất động sản rất linh hoạt, chưa có một văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, hay cũng chưa có một nội dung nào liên quan đến chỉ đạo đối với việc không cho vay lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực rủi ro cao trong hoạt động kinh doamh bất động sản và chứng khoán, ngành ngân hàng cũng có ban hành nhiều văn bản cảnh báo để kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực này.
"Để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động, theo tôi, các TCTD cũng nên rà soát lại các hoạt động cho vay này. Bởi, trong trường hợp thị trường bất động sản đóng băng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung, vì ngành này có liên quan đến rất nhiều ngành nghề trong đó có ngân hàng", ông nói.
Vị Tiến sĩ cũng cho rằng ngành cho rằng cần phải có lộ trình và cách nhìn nhận hết sức đúng đắn, đồng thời ngành Ngân hàng cũng phải có các giải pháp cho phù hợp chứ không nên như giai đoạn năm 2009-2010. Do vậy, ngân hàng nào thấy rằng việc đầu tư vào bất động sản lớn rồi thì cần rà soát lại để điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật.