TS. Cấn Văn Lực: Thị trường còn nhiều triển vọng, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn hơn

Chia sẻ Facebook
19/07/2022 00:23:07

Dưới góc nhìn dài hạn, ông Lực cho rằng triển vọng thị trường vẫn khả quan khi nền kinh tế dự báo phục hồi mạnh mẽ.


Khó kiềm chế lạm phát chỉ bằng chính sách tiền tệ


Nhận định tại hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đồng tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng mức lạm phát tăng cao đang là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế. Theo đó, việc lạm phát thế giới leo thang có thể buộc Fed phải mạnh tay trong việc tăng lãi suất trong thời gian tới.


Dự báo về lộ trình tăng lãi suất, vị chuyên gia cho rằng trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, trong đó tất cả lãi suất của các quốc gia đều tăng mạnh, trừ Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phục hồi sau Covid. Theo thống kê, có đến 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, các nước phát triển như Mỹ và EU có mức độ tăng khá lớn, song không tăng nhiều đợt. Ngược lại, các nước phát triển có số lần tăng lãi suất rất nhiều (~60 lần), song chỉ tăng nhỏ giọt ở mức ~0,2%/ lần.

Chuyên gia cho rằng lộ trình tăng lãi suất của Mỹ sẽ tăng gấp đôi bây giờ. Song tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái mà lại có thể không cứu được lạm phát, vì lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, ông Lực cho rằng tăng lãi suất chưa chắc là thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ. Mỗi lần tăng lãi suất nền kinh tế sẽ phải đối mặt với 4 rủi ro, bao gồm rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ tăng, rút vốn khỏi thị trường mới nổi về Mỹ và châu Âu và rủi ro địa chính trị.


Nhìn về bức tranh tại Việt Nam, vị chuyên gia nhìn nhận có nhiều điểm sáng với lạm phát Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới. Nguyên nhân là do giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa và một số mặt hàng được điều tiết tương đối mạnh và NHNN điều hành chính sách khá linh hoạt.


Tuy vậy, áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn do giá hàng hoá thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều đầu vào nhập khẩu. Đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Tỷ giá chịu áp lực tăng khá rõ (2,5 - 3% năm 2022). CPI tăng khoảng 3,8 - 4,2% trong năm 2022 và 4% năm 2023.


Mặt khác, chuyên gia vẫn kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ kiềm chế đà tăng của lạm phát về kỳ vọng đà tăng giá cả hàng hoá, xăng dầu thế giới sẽ chậm lại và việc điều tiết giá cả hàng hoá, xăng dầu trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề tỷ giá và lãi suất kỳ vọng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần kiềm chế đà tăng của lạm phát. Đặc biệt, một điểm tích cực nữa là sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và giá cả.


Nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn hơn


Đánh giá về thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thời gian qua, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh dù số lượng nhà đầu tư mở mới tăng cao. Hiện, số lượng tài khoản của nhà đầu tư F0 đã lên đến 6,16 triệu tài khoản, vượt mục tiêu 5,5 triệu tài khoản đã đề ra trong kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2025 của Chính Phủ. Tuy số lượng mở mới tài khoản nhiều, song thanh khoản lại duy trì mức thấp bình quân dưới 10.000 tỷ đồng. Nếu tính giá trị giao dịch bình quân 1 tuần qua thì chỉ đạt mức 9.800 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 thời kỳ cao điểm là 27.000 tỷ đồng.


Bàn về nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu được chuyên gia lý giải bằng 4 chữ Đ. Cụ thể là (1) Điều chỉnh - do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực chung của thị trường thế giới (2) Đầu cơ - tâm lý đầu cơ trong 2 năm thị trường tăng nóng (3) Đòn bẩy – tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao của nhà đầu tư (4) Đám đông – tâm lý đám đông do thị trường chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.


Trước những khó khăn chung của thị trường, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần tuân thủ một vài nguyên tắc sau: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo), Risk management (quản lý rủi ro), Resilience (tăng sức đề kháng).

Dưới góc nhìn dài hạn, ông Lực cho rằng triển vọng thị trường vẫn khả quan khi nền kinh tế dự báo phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 rất tích cực. Các chỉ số cân đối lớn (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cơ bản về trạng thái trước dịch Covid-19. Các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6-7% là khả thi.


Bên cạnh động lực từ sự phát triển kinh tế, việc chu kỳ T+2 được triển khai giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn cũng là điểm sáng đối với thị trường chứng khoán. Đặc biêt, các chính sách gần đây của nhà nước đã chặt chẽ hơn với thị trường chứng


"Đây là thời điểm nhà đầu tư cần nhìn nhận lại bối cảnh vĩ mô để có cái nhìn dài hơi hơn. Nói cách khác, để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần chạy marathon chứ không đơn giản là cự li ngắn 100-200m nữa", ông Cấn Văn Lực chia sẻ.

Đặc biêt, thống kê mà vị chuyên gia này đưa ra cho thấy, giữa các kênh đầu tư như: Cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và USD, đối với đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư đầu tư 5 năm thì lợi nhuận bình quân là 19,2%/năm; đầu tư 10 năm, lợi nhuận là 15,8%/năm, cao hơn lợi nhuận các kênh còn lại.

Chia sẻ Facebook