TS Cấn Văn Lực: Dư địa cho vay tín dụng BĐS cả phân khúc nhà ở lẫn đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 09:03:06

Năm 2022, nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ở mức cao hơn trước dịch (3,2 – 3,6%), cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn năm 2021. Đã giúp cho chương trình phục hồi và phát triển KT-XH trong nước, giai đoạn 2022 – 2023 được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ vào việc tạo động lực cho thị trường BĐS cả nước phục hồi mạnh hơn và sôi động trở lại.


Phát biểu tại Hội thảo Tháo gỡ vướng mắc - Thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực BĐS do Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đồng tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua tại TP.HCM. Chuyên gia Kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng:

Tác động của dịch covid-19 đối với các ngành kinh tế vẫn còn nhiều dư âm. Đặc biệt là sức cầu trong lĩnh vực BĐS còn yếu, các ngành dịch vụ phục hồi tương đối chậm

Giai đoạn trước dịch covid-19, lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS đóng góp khoảng 4,5% GDP. Lĩnh vực BĐS có mối liên hệ mật thiết với 4 lĩnh vực ngành nghề gồm xây dựng (đóng góp 6% GDP), du lịch (doanh thu du lịch trước dịch tương đương 9,2% GDP), lưu trú ăn uống (đóng góp 4% GDP) và tài chính ngân hàng (đóng góp 7% GDP).


Cơ hội

Trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối tốt so với 2 năm 2020-2021. Chính phủ đang quyết tâm thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH giai đoạn 2022-2023.

Vấn đề quy hoạch đã được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy được xem có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường BĐS.

Từ năm 2022, Việt Nam bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã và đang tháo gỡ hàng loạt các vướng mắc về pháp lý như Nghị định 148 năm 2020 về đất đai, Nghị định 69 năm 2021 về cải tạo chung cư cũ; Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở… đặc biệt là 1 luật sửa 9 luật vừa được thông qua, trong đó bao gồm luật đất đai, luật nhà ở, luật Kinh doanh BĐS...

Nguồn cung BĐS chưa dồi dào khiến cho mặt bằng giá liên tục tăng cao.

Đồng thời, Chính phủ sẽ ban hành sửa đổi Nghị định về Khu công nghiệp, trong đó có những tiêu chí rõ ràng hơn về KCN sinh thái, vấn đề nhà ở cho công nhân trong KCN cũng được chú trọng.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH của Quốc hội & Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giai đoạn 2022- 2023 của Chính phủ được ban hành với khoản ngân sách gần 350.000 tỷ, thời gian thực hiện trong 2 năm. Chương trình này hướng tới mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% giai đoạn 2021 – 2025.

Đây là những chương trình đặc biệt được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, nhằm giúp cho toàn bộ nền kinh tế giải quyết những vấn đề cấp bách, kịp thời, hiệu quả.


Nguồn vốn đối với thị trường BĐS 2022

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng, kết thúc quý I, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 8% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng BĐS đạt khoảng 2,23 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 65% tương đương 1,45 triệu tỷ đồng, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 35% tương đương 780 nghìn tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 4/2022, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 3.606 doanh nghiệp (tăng 32,2%) với số vốn đăng ký 193.000 tỷ đồng (tăng 22,4%). Đồng thời, có 1.030 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 73,2%).

Bên cạnh đó, tổng vốn FDI đăng ký mới vào BĐS đạt gần 2,8 tỷ USD (chiếm khoảng 26,5%), đứng thứ 2 trong các ngành nghề thu hút vốn FDI. Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 1,04 tỷ USD (chiếm 9,7%).

Hết tháng 4/2022, toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành 72.000 tỷ đồng; trong đó các doanh nghiệp BĐS phát hành 27.000 tỷ đồng (chiếm 37,3%) đứng đầu trong các nhóm ngành, thứ 2 là nhóm Tổ chức tín dụng (chiếm 31,6%), xây dựng 17% (theo HNX, SSC).


Thách thức

Nguồn cung chưa dồi dào ngay do ảnh hưởng của dịch bệnh và những tác động tiêu cực của thị trường khiến cho giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh.

Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đáng chú ý là việc sửa đổi Nghị định 153/2020 (Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ), Nghị định 155 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán)…

Các cuộc đấu giá đất gần đây đã có những tác động đáng kể tới mặt bằng giá cũng như lượng giao dịch BĐS và các hoạt động giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… trong đó giá BĐS (đất nền, biệt thự, chung cư…) vẫn tăng liên tục.

Các Tổ chức Tín dụng kiểm soát, lành mạnh hóa cho vay BĐS. Trong đó đặc biệt chú ý là Thông tư 16/TT-NHNN năm 2021 về kiểm soát đầu tư của Tổ chức Tín dụng vào trái phiếu BĐS. Tuy nhiên, tín dụng BĐS nhà ở, dự án tốt vẫn tăng.

Trước những biến động của thị trường, Chính phủ đã có những chính sách, giải pháp lớn để ổn định thị trường BĐS như thực hiện Nghị quyết 01 (ngày 8/1/2022) về giải pháp, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022; Nghị quyết 02 (ngày 10/1/2022) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch (Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022) và Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH giai đoạn 2022-2023.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế (sửa các luật: đất đai, nhà ở, KD BĐS…).

Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài.

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…)

Để vượt qua những khó khăn và thách thức này, các doanh nghiệp BĐS cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình phục hồi và các gói tín dụng giúp tái thiết của Chính phủ. Trong đó đặc biệt chú ý đến các chương trình phục hồi xanh, tăng trưởng xanh vì BĐS xanh đang là xu thế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng tái cấu trúc đội ngũ và chiến lược phát triển của mình cũng như chuyển đổi số để đón đầu xu hướng mới, nhằm thích ứng với mọi rủi ro và quản trị thay đổi.


Hoa Vinh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook