TS. Cấn Văn Lực: 'Có doanh nghiệp phải vay tín dụng đen để trả nợ'
TS. Cấn Văn Lực cho biết, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là điểm rơi đáo hạn rất nhiều các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không xoay xở được tiền đã buộc phải bán cả tài sản, thậm chí là vay tín dụng đen để trả nợ.
Ngày 15/7, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán".
Đặt câu hỏi tại hội thảo, ông Trần Anh Thắng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nói: Trái phiều doanh nghiệp (TPDN) đang là vấn đề nóng, trước các vi phạm gần đây hàng loạt các quy định thắt chặt được bổ sung, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng đủ rất nhiều điều kiện mới được phát hành trái phiếu. Điều này dẫn tới rủi ro lớn với nợ TPDN khi đến hạn trả nợ nhưng doanh nghiệp không thể xoay xở được nguồn tiền. Vậy doanh nghiệp phải làm sao?
Trả lời câu hỏi nêu trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV thừa nhận, rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là điểm rơi trả nợ TPDN vào giai đoạn 2022 - 2023. Để trả lời câu hỏi lấy tiền đâu ra để trả nợ là rất khó.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các quy định sẽ theo hướng chặt chẽ hơn nhưng mặt tốt là có hành lang pháp lý để doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu.
"Doanh nghiệp không thu xếp được tiền thì cũng phải xoay đủ kiểu để trả nợ, thậm chí bán tài sản; có trường hợp bí phải huy động tín dụng đen để trả nợ, tạo vòng luẩn quẩn", ông Lực nói.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, M&A, sàng lọc thị trường. Nhiều nhà đầu tư có sẵn nguồn lực có thể mua lại các dự án đứng trước bờ vực.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đồng tình và cho biết, thời gian gần đây hoạt động M&A tăng mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị TPDN bằng trái phiếu Chính phủ (khoảng 1,5tr tỷ đồng) ~ 17% GDP. Trong đó, gần 1/3 là của ngân hàng phát hành tăng vốn, TPDN cũng gần 1/3. Vì vậy, năm nay và năm tới sẽ có vài trăm ngàn tỷ đồng TPDN tới thời gian đáo hạn.
TS. Võ Trí Thành cho biết, theo thông tin gần nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 153, trên tinh thần có quy định chặt chẽ hơn, có quy định nới lỏng hơn.
Năm 2028 TPDN có thể thay thế vốn trung dài hạn ngân hàng
Chia sẻ góc nhìn dài hạn về phát triển thị trường TPDN, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, sửa đổi Nghị định 153 cần hướng tới làm sao đẩy nhanh phát hành trái phiếu ra công chúng.
"Theo chia sẻ của một vài công ty xếp hạng tín nhiệm nước ngoài, họ đã nhìn thấy tín hiệu tích cực sắp tới của hoạt động phát hành ra công chúng và có thể sẽ bắt đầu hợp tác với công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước để đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm", ông Nghĩa nói.
Theo đó, xếp hạng tín nhiệm là hoạt động quan trọng, liên quan mật thiết tới hoạt động đầu tư, phát hành trái phiếu. Khi có xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ không cần quan tâm tới tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn vì tất đã nằm trong xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào mức xếp hạng tín nhiệm để đầu tư.
"Thị trường chứng khoán đặc biệt nhạy cảm. Khi hoạt động xếp hạng tín nhiệm tốt, cơ quan quản lý có thể bỏ đòi hỏi kiểm soát vốn, tài sản bảo đảm với doanh nghiệp và như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng sẽ không còn những hoạt động như kiểm tra hàng loạt các công ty chứng khoán, kiểm toán vừa diễn ra ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường, trong khi niềm tin của người mua là thứ quan trọng nhất với thị trường chứng khoán", ông Nghĩa nói.
Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, với tốc độ tăng trưởng thị trường TPDN như hiện nay, mỗi năm khoảng 35%/năm, thì cứ 2 năm sẽ tăng gấp đôi và đến năm 2028 thị trường TPDN có thể lên tới 12 triệu tỷ đồng - hoàn toàn có thể thay thế vốn trung dài hạn của ngân hàng.
"Các cơ quan quản lý cần thấy rằng, đằng sau lưng chúng ta là cả một dãy núi lớn, rất nhiều tiềm năng. Nếu phát triển lành mạnh với tốc độ như hiện nay thì tới năm 2028 chúng ta hoàn toàn có thể đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng về 10%, 5%", ông Nghĩa chia sẻ.
Khuyến nghị cơ quan quản lý trong vận hành thị trường TPDN, ông Nghĩa nhấn mạnh: Nhất định không để vỡ nợ trái phiếu. Điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn tới sự đổ vỡ của cả thị trường bất động sản, chứng khoán và ngân hàng.