TS. Cấn Văn Lực: "Áp lực lạm phát sẽ tăng dần vào cuối năm"
Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình và lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn. Dù vậy, áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu và sẽ kéo dài trong 4 tháng cuối năm.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.
Căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam. Xu hướng thắt chắt thặt tiền tệ toàn cầu có thể giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát từ bên ngoài. Chính sách zero Covid tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.
“Tuy nhiên, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5 - 3,8%”, cơ quan này dự báo.
Tại toạ đàm “Áp lực lạm phát năm 2022 và các đề xuất chính sách”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, tăng trưởng kinh tế và lạm phát là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, nhạy cảm, phản ánh sự thịnh vượng của một quốc gia.
Ông nhấn mạnh: “Áp lực lạm phát sẽ tăng dần vào cuối năm. Dự báo năm 2023, lạm phát sẽ còn lớn hơn, khó khăn hơn, điều này sẽ tăng thêm áp lực cho tăng trưởng kinh tế”. Với nhận định này, ông dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%.
TS. Cấn Văn Lực cũng so sánh chỉ số lạm phát của Việt Nam với thế giới trong bối cảnh hiện nay. “Lạm phát trên thế giới có thể coi là đã qua mức đỉnh lạm phát, riêng Châu Âu lạm phát còn tiếp tục tăng bởi khủng hoảng năng lượng, khí đốt. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh, còn độ trễ và sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm bởi yếu tố cầu kéo”, ông nói.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc tính toán chỉ số của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với nhiều nước. Hơn nữa, Chính phủ cũng thực hiện bình ổn giá các mặt hàng gồm xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở, là những nhóm mặt hàng đóng góp 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.
Do đó, ông kiến nghị Chính phủ nên ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời, trong thời gian tới cần thay thế công cụ hạn mức tín dụng bằng công cụ khác có tính thị trường hơn, gián tiếp hơn.
Cũng tại toạ đàm, TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, sẽ không có chuyện hy sinh kiểm soát kinh tế vĩ mô để phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Ông Ánh cũng lưu ý, lạm phát chỉ là một trong những yếu tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải toàn bộ, do đó cần nghiên cứu thêm cả các yếu tố khác có thể tác động đến nền kinh tế chung .