Truyền thuyết Toại Nhân tìm ra lửa, nấu chín đồ ăn
Toại Nhân tìm ra cách tạo lửa vừa giúp con người được ăn chín vừa cung cấp điều kiện tất yếu cho việc chế tạo đồ gốm, luyện kim sau này.
Tạo ra lửa là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người. Bởi tầm quan trọng của nó, nên các Thần thoại, truyền thuyết của phương Đông hay phương Tây đều có đề cập tới việc tìm ra lửa. Trong Thần thoại Hy Lạp, Prometheus lén lấy lửa của Chư Thần và trao cho con người. Trong khi đó, Thần thoại Trung Hoa cũng đề cập đến chuyện của Toại Nhân Thị.
Trong sách cổ thời Tiên Tần “Hàn Phi Tử Ngũ Đố” ghi chép rằng, thời thượng cổ, dân chúng tại vùng đất sau này là Trung Hoa vẫn còn ăn trái cây, rau cỏ, con trai, con hến, tanh tưởi hôi hám, làm tổn thương dạ dày cho nên bị nhiều bệnh tật. Về sau có thánh nhân làm ra cái dùi gỗ để lấy lửa, khiến thức ăn được nấu chín, hết tanh tưởi hôi hám, dân chúng vui mừng, tôn làm thủ lĩnh và gọi là “Toại Nhân Thị”.
Vào thời viễn cổ, con người sống hoang dã, không biết có lửa, cũng không biết cách tạo ra và dùng lửa. Đêm tối đến, xung quanh là một mảng đen tối, tiếng dã thú gầm rú liên hồi, mọi người cuộn tròn lại một chỗ, ai cũng vừa lạnh vừa sợ hãi. Bởi vì không có lửa nên con người chỉ có thể ăn đồ ăn sống, thường xuyên bị bệnh, tuổi thọ thường rất ngắn.
Trên trời có một vị Thần vĩ đại là Phục Hy, nhìn thấy cuộc sống của con người khốn khổ như vậy, trong lòng cảm thấy rất buồn và thương xót, nên muốn cho con người biết công dụng của lửa. Phục Hy đã tạo ra những cơn giông tố sấm sét ở trong rừng. Sấm sét đánh vào cây cối làm cho cây cối bốc cháy. Những con người nguyên thuỷ cư trú trong rừng sâu gặp cảnh tượng cháy rừng do sấm chớp gây ra thì sợ hãi chạy tránh xa.
Sau những cơn giông, sấm sét thì màn đêm buông xuống, mặt đất sau cơn mưa càng trở nên lạnh lẽo hơn, dòng người lại xúm nhau lại, họ kinh hãi nhìn những thân cây bốc cháy. Lúc ấy có một người trẻ tuổi phát hiện ra tiếng hú của những con thú thường xuất hiện xung quanh mình đã không còn nữa. Anh ta nghĩ: “Chẳng lẽ những con thú sợ hãi thứ phát sáng này?”
Thế là anh ta dũng cảm đi tới gần chỗ có lửa và thấy trong người thật ấm áp. Anh ta mừng rỡ hét to với mọi người: “Hãy mau tới đây! Ngọn lửa này không có gì đáng sợ cả, nó mang lại cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm!”
Lúc này, mọi người lại tìm thấy một con thú đã bị chết cháy cách đó không xa, tỏa ra hương thơm. Mọi người quây quần bên đống lửa và chia nhau miếng thịt con thú bị đốt cháy. Họ cảm thấy chưa bao giờ được ăn một món ăn ngon như vậy và cảm thấy lửa thật đáng quý. Họ bèn lấy các cành cây, nhóm lửa để giữ lửa lại. Ngày nào cũng có người thay phiên nhau canh lửa để giữ cho lửa khỏi bị tắt. Nhưng rồi một hôm, người canh lửa ngủ quên làm cho ngọn lửa bị tắt. Mọi người lại một lần nữa sống trong cảnh tối tăm và lạnh rét. Họ cảm thấy vô cùng thống khổ.
Thần Phục Hy nhìn thấy cảnh tượng này, đã báo mộng cho người đầu tiên phát hiện ra công dụng của lửa. Phục Hy nói với anh ta rằng hãy đi về phương tây để lấy lửa. Người trẻ tuổi này bừng tỉnh và quyết tâm đi tìm mồi lửa.
Anh ta đi qua những dãy núi cao, sông lớn, rồi xuyên qua những cánh rừng rậm, trải qua rất nhiều gian khổ. Thế nhưng anh ta bị chặn lại ở một nơi không có ánh mặt trời, không phân biệt được ngày đêm, khắp nơi đều là một màu đen, căn bản là không có lửa.
Người trẻ tuổi vô cùng thất vọng ngồi dựa vào thân cây để nghỉ ngơi. Đột nhiên, trước mắt anh ta có một tia sáng lóe lên, rồi một tia sáng khác và một tia sáng khác… Anh ta lập tức đứng dậy đi lại xung quanh tìm kiếm, phát hiện ra trên cây có vài con chim lớn đang dùng chiếc mỏ ngắn và cứng mổ những con côn trùng trên cây. Mỗi khi chúng mổ vào thân cây thì lại phát ra những tia sáng.
Người thanh niên nhìn thấy cảnh này, trong đầu lóe lên ý nghĩ, lập tức bẻ mấy cành cây rồi dùng cành nhỏ dùi vào cành lớn, cành cây thật sự lóe ra lửa, nhưng không thể cháy thành ngọn lửa. Người trẻ tuổi vẫn không nản lòng, anh ta tìm nhiều cành cây khác nhau và kiên nhẫn đánh chúng với nhau. Cuối cùng khói xuất hiện trên cành cây, rồi một ngọn lửa bùng lên. Anh ta rơi nước mắt vì sung sướng.
Chàng trai trở về quê hương và mang đến cho mọi người một thứ lửa không bao giờ bị tắt, đó chính là phương pháp dùi gỗ tạo lửa. Từ đó mọi người không còn phải sống trong cảnh lạnh lẽo và sợ hãi nữa. Đồng thời, con người cũng bắt đầu từ bỏ phương thức ăn lông uống huyết. Mọi người cảm phục trước dũng khí và trí tuệ của người thanh niên này nên đã phong anh ta làm thủ lĩnh, đồng thời gọi là “Toại Nhân” (ý chỉ người khoan gỗ lấy lửa). Có thể nói đây là bước khởi đầu trong lịch sử nấu nướng thức ăn của nhân loại.
Việc tìm ra cách tạo lửa của Toại Nhân không chỉ giúp cho con người tại vùng đất Trung Hoa cổ đại được ăn uống chín, giảm bớt được bệnh tật, có lợi có việc hấp thu tiêu hoá, đẩy mạnh sự phát triển về thể chất và trí lực, mà còn cung cấp điều kiện tất yếu cho những kỹ thuật sau này, như việc chế tạo đồ gốm, luyện kim. Cho nên có thể nói, ý nghĩa của việc Toại Nhân sáng tạo ra cách lấy lửa có tầm quan trọng lớn lao, thậm chí lớn hơn nhiều những phát minh của thời đại ngày nay.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Lai lịch của “Tam Hoàng Ngũ Đế” thời thượng cổ
Mời xem video :