Truyền thuyết Đại Vũ trị thủy, thuần hóa sông Hoàng Hà

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 15:16:44

Hạ Vũ, thường được gọi Đại Vũ, là một vị vua huyền thoại thời Trung Hoa cổ đại, nổi tiếng với kỳ công trị thủy và nhân cách đạo đức ngay thẳng của mình. Người đời sau ngưỡng mộ công tích và đức độ của Đại Vũ, đã tôn thờ ông là một trong Nhị Đế Tam Vương. Trong Đạo giáo, ông được tôn là Thủy Quan Đại Đế.


Trong các truyền thuyết, các câu truyện Thần thoại, và các tôn giáo trên khắp thế giới có lưu truyền về một trận Đại hồng thủy từng xảy ra và làm trái đất ngập lụt suốt một thời gian dài. Đó là trận lụt do thần Dớt gây ra trong Thần thoại Hy lạp, Noah với truyền thuyết Đại hồng thủy trong Kinh Thánh, vua Manu và trận lụt lớn trong Ấn Độ giáo, người khổng lồ Bergelmir trốn thoát thủy tai trong Thần thoại Bắc Âu, truyền thuyết của người Maya, câu chuyện cổ của các thổ dân châu Mỹ, v.v.. Và truyền thuyết Đại Vũ trị thủy chính là xảy ra sau “cơn giận dữ của Thần nước” ấy.

Hình ảnh Đại Vũ sau khi lên ngôi (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Cha Đại Vũ trị thủy bất thành

Bấy giờ, cha của Đại Vũ là Cổn, vốn là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế, và có tài năng xây dựng các bức tường, đã được vua Nghiêu giao cho nhiệm vụ trị thủy. Tuy nhiên Cổn cũng là người kiêu ngạo, ngoan cố và không chịu phục tùng. Ông đã xây dựng rất nhiều công trình đê đập để ngăn lũ, nhưng những công trình này lại tỏ ra không hề có hiệu quả. Lũ lụt liên tục dâng lên và phá vỡ các con đê hết lần này tới lần khác.


Theo “Sơn hải kinh” , một cuốn cổ tịch thời Tiên Tần, do nóng lòng trị lụt, ông Cổn đã lên Thiên Đình và ăn trộm bảo bối “tức nhưỡng” , vốn là một chiếc túi đựng đất ở trên trời. Khi đất trong túi được gió thổi đi thì nó sẽ nhanh chóng lan rộng và hình thành một vùng đất rộng lớn dưới hạ giới. Sử dụng “tức nhưỡng” , ông Cổn đã xây dựng được một con đập khổng lồ, và hy vọng rằng nó có thể ngăn được nước lũ.

“Sơn Hải Kinh” là một cuốn sách tổng hợp về địa lý và những con vật truyền thuyết trên khắp Trung Hoa. Nó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều câu chuyện Thần thoại và truyền thuyết tại Trung Quốc, cổ đại cũng như hiện đại (Ảnh: Amazon)


Việc ông Cổn ăn trộm “tức nhưỡng” khiến Ngọc Hoàng giận dữ, và làm nước lũ càng trở nên hung tợn hơn. Ngoài ra, vì con đập vốn chỉ được làm bằng đất, nên nó không phải là quá kiên cố, và đã không thể ngăn được dòng nước lớn. Lũ lụt khủng khiếp tràn vào phá hoại vương quốc, và người kế vị vua Nghiêu là vua Thuấn đã quyết định cắt chức ông Cổn. Thất bại trong việc trị thủy, ông Cổn bị lưu đày tới núi Vũ.


Tại núi Vũ, thần lửa Chúc Dung được Thiên Đình phái tới đợi sẵn để chém đầu ông Cổn và một cuộc giao tranh đã xảy ra. Cuối cùng, ông Cổn đắm mình xuống dòng lũ lớn. Trong cuốn “Sơn hải kinh” có kể lại rằng, xác ông Cổn không bị phân hủy trong suốt ba năm liền, và cuối cùng đã hóa thành một con rồng vàng bay lên.

Một vị anh hùng được Thiên thượng lựa chọn

Khi vua Nghiêu còn trị vì, Tây Vương Mẫu đã từng cho ông biết rằng nạn lụt lớn sẽ xảy ra, vốn là điều đã được Chư Thần định đoạt. Tây Vương Mẫu cũng nói rằng sẽ có một người anh hùng được Thiên thượng chọn lựa để cứu thoát người dân khỏi thảm họa này. Chính vì thế, mặc dù ông Cổn đã không thành công trong việc trị thủy, nhưng vua Thuấn không hề nản chí. Vua Thuấn vẫn rất trọng dụng con ông Cổn là Đại Vũ. Bởi vì đã từng đi theo cha trị thủy từ năm lên 10, nên Đại Vũ có được rất nhiều kiến thức xung quanh vấn đề trị thủy.

Khi còn trẻ, Đại Vũ gặp được một vị cao nhân, người đã dạy ông những kiến thức cơ bản về địa thế và đặc tính của nước, để ông có thể trị thủy bằng cách thuận theo thế nước hơn là chặn đứng dòng nước lại. Vị cao nhân này cũng tiết lộ với Đại Vũ rằng, để trị thủy thì sức người là không đủ, mà còn cần phải có sự giúp đỡ của Thần linh. Sau khi mẹ Đại Vũ mất, một người thầy thứ hai đã tới, và truyền cho Đại Vũ những tri thức liên quan tới việc tu dưỡng đạo đức bản thân. Cuối cùng, Đại Vũ mới theo cha đi trị thủy.

Trong quá trình quan sát cha trị thủy, Đại Vũ thấu hiểu rằng việc xây dựng những con đập sẽ không thể ngăn chặn dòng nước lũ. Chính vì vậy, ông đã thực hiện theo những nguyên lý mà mình được truyền thụ: xẻ núi, đào kênh, thuận theo thế nước để dẫn lũ ra biển lớn.


Đại Vũ đã đi khảo sát trên khắp Trung Hoa cùng với sự trợ giúp của những vị Thần núi. Trong cuốn “Xuân Thu” có ghi chép rằng, ông đã gặp được một bàn cờ ngọc cùng 12 cuốn sách mô tả chính xác không chỉ địa hình bề mặt của Trung Quốc, mà còn cả những gì ở bên dưới lòng đất.

Khâm phục lòng quyết tâm của Đại Vũ và xúc động trước những khổ đau của con người, Dao Cơ, người con gái thứ 23 của Tây Vương Mẫu, đã quyết định giúp đỡ Đại Vũ. Cô đã trao cho Đại Vũ hai cuốn cổ thư đặc biệt có thể xua đuổi tà ma và cho phép Đại Vũ khẩn cầu các vị Thần linh đến giúp đỡ. Dao Cơ cũng phái bảy vị thần tới trợ lực cho Đại Vũ.

Tây Vương Mẫu, vị Thần đã tiên đoán về sự xuất hiện của Đại Vũ (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Bấy giờ, khi nghe kể về những chuyện thần kỳ mà Đại Vũ trải qua, triều đình đã tin rằng ông chính là người anh hùng được nhắc đến trong lời tiên tri của Tây Vương Mẫu. Chính vì thế, triều đình đã cắt cử pháp quan Cao Dao tới để điều hành nhân lực trợ giúp Đại Vũ. Hàng chục ngàn người đã được huy động, và toàn bộ quan lại đều nằm dưới quyền quản lý của Đại Vũ.

Đại Vũ đã đề xuất một công trình trị thủy khổng lồ, gồm có 6 giai đoạn, thực hiện trong vòng 10 năm, để khống chế nước lũ. Hơn thế nữa, ông còn thảo ra một hệ thống thủy lợi tưới tiêu sẽ được xây dựng trong những năm tiếp theo, để trợ giúp những thế hệ tương lai.

Thuần hóa sông Hoàng Hà

Bắt đầu từ nước Kế, ngày nay là hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam Trung Quốc, Đại Vũ bắt đầu thuần hóa con sông Hoàng Hà. Khi các công nhân và đốc công bắt đầu công việc của mình, đã có hai con thủy quái từ biển tới quấy nhiễu. Đại Vũ cầu khấn Thần linh, và vị Thần Đông hải đã tới để giúp ông khuất phục loài quái thú.

Sau rất nhiều nỗ lực, và với sự trợ giúp của Chư Thần, Đại Vũ cùng người của mình đã thành công đưa nước rút khỏi nước Kế, và buộc lũ phải chảy ngược về phía Đông, ra biển, thông qua sông Hoàng Hà.

Trong khi đó, bảy vị Thiên tướng do Dao Cơ phái tới do Vương Quân dẫn đầu đã đánh bại bảy kẻ tà ác muốn lợi dụng tai ương do lũ gây ra mà làm hại người dân. Các Thiên tướng sau đó đã cùng hợp sức với Đại Vũ để thực hiện việc trị thủy.

Tại núi Vương Ốc, Vương Quân đưa cho Đại Vũ một cuốn kỳ thư dấu trong một tảng đá ở sơn động. Vương Quân nói rằng Đại Vũ có thể dựa theo cuốn sách đó tu luyện và trở thành một vị Thần tiên.

Khai Long Môn

Núi Long Môn và một điểm quan trọng nơi con sông Hoàng Hà rời cao nguyên Hoàng Thổ để tiến vào vùng đồng bằng phía dưới là lòng chảo Lâm Phần và bình nguyên Quang Trung. Mặc dù nước lụt bị chặn lại ở núi Lữ Lương, Đại Vũ đã tìm thấy được một vị trí để lợi dụng cho việc trị thủy.

Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Tranh: Public Domain)


Trong cuốn “Thủy Kinh Chú” có kể lại rằng, Đại Vũ đã mở rộng một kẽ hở trong núi cho tới khi ngọn núi bị xẻ ra. Ông cũng làm tương tự với núi Long Môn, và nước lụt đã theo những kẽ hở này mà thoát ra ngoài. Nơi Đại Vũ khai mở ngày nay được đặt tên là Long Môn khẩu, hay còn gọi là Vũ môn. Cũng có một truyền thuyết khá nổi tiếng ở Trung Hoa về Long Môn, đó chính là cá chép nào vượt được Long Môn thì sẽ hóa rồng.


Sau những cố gắng của Đại Vũ trong việc trị thủy, nước lụt đã quay trở lại biển, và những công trình thủy lợi của ông đã biến đổi một vùng lòng chảo rộng lớn thành một nơi thích hợp để cho nền văn minh Trung Hoa phát triển. Trong lịch sử Trung Hoa, chỉ có một số người có những cống hiến vô cùng quan trọng mới được mang chữ “Đại” trong danh xưng của mình, và Đại Vũ chính là một trong số đó.


Quang Minh


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook