Truyền thông thế giới 'truy tìm' tổng thống Sri Lanka
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin Chính phủ Sri Lanka cho biết sau khi bỏ trốn tới Maldives, ngày 14-7, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và vợ đã lên đường tới Singapore và tạm thời sẽ ở lại quốc gia Đông Nam Á này.
Cùng ngày, một phóng viên Hãng tin AP cho biết các quan chức Maldives nói rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và vợ đi máy bay của một hãng hàng không Saudi Arabia tới Singapore và dự kiến sau đó sẽ đến Saudi Arabia.
Trong khi đó, Đài Channel News Asia (Singapore) dẫn thông tin từ báo Daily Mirror của Sri Lanka cho biết vào sáng 14-7, Tổng thống Rajapaksa và vợ đã không đi máy bay từ Maldives tới Singapore như kế hoạch, do "các lo ngại an ninh" và họ đang đợi máy bay riêng. Chính phủ Singapore vẫn chưa lên tiếng về các thông tin này.
Theo Hãng tin AP, ngày 14-7, người biểu tình Sri Lanka - những người đã chiếm giữ các tòa nhà của chính quyền để yêu cầu thành lập chính phủ mới - cho biết họ sẽ tự nguyện rời khỏi các tòa nhà này trong lúc Quốc hội Sri Lanka tìm kiếm giải pháp.
Devinda Kodagode, thủ lĩnh biểu tình, chia sẻ với Hãng tin AP về động thái nói trên sau khi chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thông báo đang tìm kiếm các phương án pháp lý, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước mà không nộp đơn từ chức.
Ông Rajapaksa cùng vợ rời khỏi Sri Lanka bằng máy bay không quân vào hôm 13-7 và tới Maldives sau khi tuần trước hứa hẹn sẽ từ chức. Công chúng đã đổ lỗi cho ông Rajapaksa về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hiện nay ở nước này, vốn đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng.
Tổng thống Rajapaksa đã bổ nhiệm Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống sau khi ông bỏ trốn ra nước ngoài. Động thái này cũng gây thêm nhiều sự phản đối.
Theo ghi nhận của Hãng tin Reuters, thủ đô Colombo của Sri Lanka đã yên tĩnh trở lại vào ngày 14-7 khi mọi người chờ đợi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức chính thức.
Ông Rajapaksa đã nhiều lần cam kết với Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena rằng ông sẽ từ chức vào ngày 13-7. Tuy nhiên, đến ngày 14-7, ông vẫn chưa gửi đơn từ chức, theo một phụ tá của Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena.
Một số nước như Anh, Singapore và Bahrain đã yêu cầu công dân của họ tránh các chuyến đi không cần thiết tới Sri Lanka, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã dẫn tới các cuộc biểu tình lớn ở quốc đảo Ấn Độ Dương này.
Khi mà hầu hết những chuyện này bắt nguồn từ sự sai lầm của lãnh đạo, bạn có thể hiểu rõ hơn vì sao người dân muốn tổng thống Sri Lanka và gia đình ông ấy, trong đó có những người cũng đã điều hành các bộ ngành khác, phải ra đi.