Truyền thông quốc tế bàn về cuộc gặp Tập – Putin
Ông Tập Cận Bình đã tới Moscow vào thứ Hai (20/3) trong chuyến thăm 3 ngày tại Nga cấp nhà nước, quốc tế rất chú ý đến cuộc gặp Tập - Putin.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tới Moscow vào thứ Hai (20/3) trong chuyến thăm 3 ngày tại Nga cấp nhà nước, cộng đồng quốc tế rất chú ý đến cuộc gặp Tập – Putin, nhiều thông tin liên quan đã được truyền thông phương Tây đăng tải. Thế giới phương Tây lo ngại gì và nhìn vai trò “kiến tạo hòa bình ” của Trung Quốc thế nào?
Về cuộc gặp Tập-Putin đang diễn ra, tờ DW (Đức) dẫn nhận định từ chuyên gia nói rằng chuyến thăm là “rất tế nhị” đối với ông Tập Cận Bình, người vừa tái nhiệm nhiệm kỳ 3 lãnh đạo ĐCSTQ. Trong khi đó nhiều cơ quan truyền thông châu Âu và Mỹ đã tập trung vào ý đồ của ông Tập Cận Bình trong vai trò trung gian hòa giải về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine.
Thách thức từ “ngoại giao nước lớn ” của Tập Cận Bình
Bài phân tích của Reuters ngày 20/3 có tiêu đề “Tập Cận Bình nhảy ‘vũ điệu ngoại giao’ đối với nước Nga bị cô lập ”, chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đang “đi dây ngoại giao” với ông Putin. Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, vị thế thống trị của Trung Quốc trong quan hệ Trung-Nga ngày càng rõ ràng, cho dù ông Tập muốn ủng hộ Nga như thế nào thì Trung Quốc luôn là bên nắm quyền kiểm soát.
Bài báo cũng chỉ ra vấn đề giới phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình trong tư cách là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình, ngoài việc tăng cường kiểm soát trong nước cũng sẽ thận trọng trong việc đối đầu với phương Tây.
Tờ WSJ ngày 19/3 có bài tiêu đề “Trong khi Trung Quốc và Nga đang củng cố quan hệ, ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình đối với ông Putin vẫn còn hạn chế ”, qua đó cho rằng mặc dù tình hình hiện tại của Nga khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng ĐCSTQ không dễ để hoàn toàn chi phối được Moscow.
Bài báo cho rằng những hành động khó lường của Nga đã gây bất an và làm dấy lên nghi ngờ của ĐCSTQ: Như vào tháng 9 năm ngoái, Moscow đã rò rỉ đoạn phim về ông Lật Chiến Thư (khi đó là Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc) phát biểu ủng hộ Nga, hay mới đây đã thông báo trước về chuyến thăm dự kiến của ông Tập Cận Bình tới Nga, thậm chí t rước cuộc gặp Tập – Putin, vào ngày 19/3 ông Putin đã đến thăm vùng Mariupol mà Nga chiếm đóng của Ukraine.
Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc lại leo thang căng thẳng do sự cố khinh khí cầu, cuộc gặp Tập-Putin cũng có thể khiến Ngoại trưởng Mỹ Blinken gặp khó khăn hơn trong kế hoạch thăm lại Trung Quốc. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào của ĐCSTQ nhằm xa lánh Nga đều có thể gây ra phản ứng mạnh từ Nga, trong khi Trung Quốc cũng cần hợp tác với Nga để chống lại các mối đe dọa từ phương Tây. Từ khía cạnh này cho thấy, Trung Quốc không nắm thế chủ động tuyệt đối trong quan hệ Trung-Nga, và đây sẽ là những thách thức đối với ĐCSTQ trong ý định làm “trung gian hòa bình ”.
Cuộc gặp trong cảnh Putin bị kết tội tội phạm chiến tranh
Ngày 19/3, tờ The Guardian của Anh đã đăng bài xã luận về ông Tập Cận Bình, tuyên bố vào ngày 17/3 Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh, điều này giống như gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng tình trạng đồi bại của ông Putin đã tăng lên.
Nga phủ nhận mọi cáo buộc tội lỗi và không công nhận Tòa án Hình sự Quốc tế. Dù tòa án khó có thể bắt giữ ông Putin thông qua lệnh bắt giữ, nhưng việc này đã xác định vị thế của Tổng thống Nga là một nghi phạm hình sự và bị truy nã, đó là nỗi sỉ nhục lớn cho nước Nga.
Bài báo đề cập rằng Trung Quốc cũng giống như Nga và Mỹ không phải nước tham gia ICC, nhưng ông Putin đã trở thành tội phạm bị truy nã nên “đối với những nhà lãnh đạo nguyên tắc hơn sẽ thường tránh đi thăm” . Nhưng ông Tập Cận Bình cũng đang “tay đầy máu” trong vấn đề Tân Cương, do đó chuyến đi Nga của ông Tập chẳng qua là vì lợi ích của bản thân. Mặt khác, cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine kéo dài có thể gây phân tán và làm suy yếu sự chú ý của Mỹ [về Tân Cương], ngoài ra cũng có thể gây chia rẽ châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mục tiêu của ông Tập Cận Bình là nhắm vào những vấn đề này.
Mơ tưởng của Putin
CNN của Mỹ vào ngày 19/3 đã công bố quan điểm về cuộc gặp Tập – Putin với tiêu đề “ Putin có thể thấy ‘danh sách mong muốn Trung Quốc’ của ông ấy là mơ tưởng” , chỉ ra rằng mặc dù cả ĐCSTQ và Nga đều hy vọng kết thúc địa vị thống trị thế giới cùng bá quyền kinh tế và quân sự của Mỹ, nhưng ĐCSTQ vẫn e ngại về việc hỗ trợ Nga.
Bài báo cho biết, ông Tập Cận Bình vào nhiệm kỳ thứ ba liên tục làm Chủ tịch nước Trung Quốc đã chọn thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Nga, một động thái mà ông Putin coi là tín hiệu thể hiện sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moscow. Tuy nhiên, vì không muốn bị liên lụy bởi các lệnh trừng phạt, cho đến nay ĐCSTQ vẫn chưa hỗ trợ quân sự sát thương cho Nga, đồng thời đề xuất một tuyên bố hòa bình gồm 12 điểm với hy vọng thuyết phục hòa bình và thúc đẩy đàm phán. Vào đêm trước cuộc gặp Tập – Putin, các ngoại trưởng Trung Quốc và Ukraine đã có một cuộc điện đàm tập trung vào vấn đề đàm phán hòa bình.
Tất nhiên Nga hy vọng sẽ nhận được nhiều ủng hộ hơn từ Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ cân nhắc nhiều vấn đề lợi ích nên cũng khó hoàn toàn chiều theo ý Moscow muốn, đặc biệt là trong bối cảnh ông Tập rất bất an về khả năng thắng lợi của Nga trong xâm lược Ukraine. Vì vậy, kỳ vọng của ông Putin đặt vào Trung Quốc rốt cuộc có thể chỉ là hão huyền.
Về vai trò “kiến tạo hòa bình” của ĐCSTQ
Vào ngày 19/3, tờ New York Times có bài tiêu đề “Vai trò của Trung Quốc với tư cách là bên kiến tạo hòa bình trong cuộc chiến Ukraine? Mỹ và châu Âu hoài nghi”. Bài báo chỉ ra rằng mặc dù các quan chức ĐCSTQ coi chuyến đi này là “sứ mệnh hòa bình” của họ, nhưng các quan chức châu Âu và Mỹ lo ngại về việc “liệu ông Tập Cận Bình có ‘thêm dầu vào lửa’ trong chiến tranh Nga xâm lược Ukraine hay không”.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết vào ngày 17/3 rằng lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine trong lúc này không khác gì củng cố lợi thế cho ông Putin.
Bài báo đề cập đến việc một quan chức Mỹ nói rằng ĐCSTQ vẫn đang xem xét liệu có nên viện trợ vũ khí cho Nga hay không, đồng thời đề cập đến việc phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết vào ngày 17/3 rằng lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine trong lúc này không khác gì củng cố lợi thế cho Putin, “thực ra đó không khác gì động thái thừa nhận cuộc chinh phục (chiếm đóng) lãnh thổ Ukraine của Nga” , [đồng thời] giúp ĐCSTQ có thể thể hiện được hình ảnh như bên kiến tạo hòa bình. Bài báo cũng đề cập Chủ tịch Ursula von der Leyen của Ủy ban châu Âu từng nói rằng lập trường của ĐCSTQ chắc chắn không trung lập.
Văn bản cũng đề cập rằng ông Tập và ông Putin có mối quan hệ sâu sắc, họ đã gặp nhau 39 lần kể từ khi ông Tập lên nắm quyền ĐCSTQ vào năm 2012. Một số nhà phân tích cho rằng tuyên bố hòa bình hồi tháng 2 của ĐCSTQ về cuộc chiến Nga-Ukraine thực chất là vỏ bọc cho lập trường “trung lập” trong chuyến đi này, lấy cớ “không ủng hộ Nga mà ủng hộ hòa bình” để giảm áp lực dư luận quốc tế. Và vai trò trung gian hòa giải gần đây của ĐCSTQ diễn ra ở Trung Đông cũng vì họ cân nhắc lợi ích trong nhu cầu năng lượng.
Ông Tập Cận Bình sẽ thu được gì trong chuyến thăm Nga?
Tờ Epoch Times đăng bài viết của ông Vương Hữu Quần, cho rằng chuyến thăm của ông Tập có thể phản tác dụng.
1. Vấn đề hòa giải cuộc chiến Nga-Ukraine khó có kết quả:
Theo ông Vương Hữu Quần, ĐCSTQ muốn làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine cần đáp ứng ít nhất 3 điều kiện: Thứ nhất, công bằng, tức là vô tư giữa hai bên xung đột; thứ hai, kế hoạch, tức là có kế hoạch thiết thực và cụ thể để thực hiện; thứ ba, bảo đảm, tức là có biện pháp bảo đảm cho thực hiện kế hoạch cụ thể này. Nhưng nhìn từ tình hình trong năm qua kể từ khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy ĐCSTQ không đáp ứng được 3 điều kiện này. Vì ĐCSTQ thân Nga nên không thể đưa ra được một kế hoạch thiết thực và cụ thể, nói gì đến đảm bảo thực hiện cái gọi là “kế hoạch hòa bình”.
2. Quan hệ Trung-Mỹ có thể xấu đi hơn nữa:
Ông Vương cho rằng tư tưởng là kim chỉ nam cho hành động. Trong 5 năm nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, ĐCSTQ đã hoàn toàn quay trở lại với các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là “lật đổ” chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, ĐCSTQ xử lý quan hệ Trung-Mỹ không phải xuất phát từ thực tế mà là từ ý thức hệ, đã mất đi khả năng tự phản tỉnh và trở nên cứng nhắc và giáo điều, không thể thoát khỏi vòng xoáy phi lý tính. Vào thời điểm này, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình và việc quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi đã trở thành điều không thể tránh khỏi.
3. Tập Cận Bình có thể tự đưa bản thân ngày càng lún sâu vào vũng lầy:
Ông Vương cho biết trong lịch sử, Nga là nước chiếm của Trung Quốc nhiều lãnh thổ nhất. Sau khi Nga xâm lược Ukraine và chiếm đóng trái phép 4 bang miền đông Ukraine, việc ông Tập ủng hộ Nga như vậy sẽ khiến tâm trạng người dân Trung Quốc – những người trong lịch sử từng chịu nhiều đau khổ trước các cuộc xâm lược của Nga – như thế nào? Theo lẽ thường, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình vào thời điểm mà lẽ ra không nên đến chắc chắn sẽ khiến hình ảnh của Tập Cận Bình càng hiện ra xấu xí hơn.
4. Cộng đồng quốc tế cô lập ĐCSTQ ngày càng mạnh:
Ông Vương nhận định chuyến thăm của ông Tập đến Nga hơn một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine, thực sự đặt ĐCSTQ vào thế đối lập với 141 nước và các tổ chức quốc tế ủng hộ Ukraine. Trong khi trước đó không lâu, hồi năm 2020 ĐCSTQ đã để cho những người mang “virus Trung Cộng” (COVID-19) bay từ Vũ Hán đến các nơi trên thế giới, gây ra trận đại dịch lan khắp thế giới lây nhiễm cho hàng trăm triệu người và giết chết hàng triệu người, gây thảm họa lớn nhất được loài người kể từ khi kết thúc Thế chiến II, khiến thế giới tự do do Mỹ đứng đầu phải hết sức cảnh giác, đề phòng và kiềm chế ĐCSTQ.
Vậy nên chuyến thăm Nga của ông Tập vào thời điểm này chắc chắn sẽ đẩy mạnh quá trình “bao vây ĐCSTQ” .
Mộc Vệ (t/h)
Ông Tập Cận Bình sẽ thu được gì trong chuyến thăm Nga?
Chuyến thăm của ông Tập vào lúc Nga đang khốn khó trong cuộc chiến xâm lược Ukraine đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý