Truyện thần thoại hé lộ nguồn gốc xa xưa của mối quan hệ giữa con người và loài chó

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 20:28:39

Trong truyện ngắn "Chú chó Shaggy của Edison" của tác giả Kurt Vonnegut, Thomas Edison phát hiện ra chó là loài vật có trí tuệ siêu việt. Nó thông minh đến mức nhận thức được rằng: cách dễ dàng nhất để sinh tồn trong thế giới tự nhiên chính là làm bạn với con người.

Chó bắt đầu được thuần hóa từ khi nào?

Giới khoa học còn nhiều bất đồng xoay quanh vấn đề này, họ chưa thể kết luận chính xác tình bạn giữa con người và loài chó bắt đầu ở đâu, khi nào, và tại sao. Hóa thạch và các bằng chứng khảo cổ chỉ ra sự gắn bó được hình thành từ ít nhất 14.000 năm trước, thậm chí sớm hơn.

Các phân tích di truyền cho thấy, chó được thuần hóa từ sói xám ở châu Âu cách đây 19.000 đến 32.000 năm. Các phân tích DNA khác lại chỉ ra chó ban đầu được thuần hóa ở Trung hoặc Nam Á từ 10.000 đến 38.000 năm trước. Lằn ranh tranh cãi tiếp tục bị mờ đi khi các nhà nghiên cứu lại kết luận: vào thời cổ đại, chó sói không chỉ được thuần hóa ở một nơi duy nhất.

Có thể có nhiều hơn một dân tộc thuần hóa chó sói vào cùng một thời điểm (Nguồn: allthatsinteresting)

Bắt đầu với truyện cổ tích, thần thoại

Hàng thiên niên kỷ về trước, chó sói và chó nhà được thuần hóa có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc xương, gen và tập tính xã hội, vì vậy các bằng chứng khảo cổ, di truyền là không đủ để các nhà khoa học đưa ra công bố những dữ kiện chính xác nhất.

Vì thế, đây là lúc mà các câu chuyện dân gian truyền miệng có thể góp phần lý giải nguồn gốc sự kiện này, nhà sử học Julien d’Huy của trường Collège de France, Pháp cho biết.

Một số nhà sử học không tin tưởng vào sự xác thực của các truyện thần thoại, vì đặc tính của chúng là truyền miệng, có nhiều dị bản. D’Huy không đồng tình với quan điểm trên, ông cho rằng từ thời cổ đại, khi loài người bắt đầu thuần hóa chó sói hoang, những câu chuyện thần thoại đã có vị trí của riêng mình, chúng là trụ cột của bản sắc văn hóa nên vẫn có tính ổn định và sự tin cậy, vì thế ta có thể khai thác dữ kiện lịch sử nhất định và kiểm chứng các giả thuyết từ thần thoại.

Khi con người sống cùng chó sói, những câu chuyện dân gian bắt đầu được kể (Nguồn: Ettore Mazza)

D’Huy đã tận dụng công cụ thống kê thường được dùng bởi các nhà sinh vật học và di truyền học để tạo ra một cây phả hệ về thần thoại, các nhánh của cây giúp ta lần dấu vết về thời cổ đại, khi loài chó mới cùng loài người di cư và tỏa ra các vùng đất khác nhau.

Tất nhiên, dữ liệu đầu vào của công cụ này không phải đặc điểm sinh học của động vật, mà là đặc điểm cấu trúc và nội dung từ các truyện thần thoại, truyện dân gian cũng như vị trí địa lý mà câu chuyện này được kể.

Tính biểu tượng của loài chó

Để nghiên cứu, D’Huy bắt đầu với các motif - một kiểu sắp đặt, cách kể chuyện, hay mô hình được sử dụng phổ biến trong các tác phẩm cổ tích, thần thoại, ví dụ như motif dì ghẻ - con chồng, motif nhân vật thiện tái sinh sau khi bị hãm hại.

Khi đào sâu về mối liên hệ giữa chó và con người trong các câu chuyện thần thoại, D’Huy phân tích và phát hiện ra nhiều motif điển hình như: chó là người dẫn đường linh hồn người chết hoặc canh giữ cánh cổng bước sang thế giới bên kia. Chó cũng có thể kết hôn và sinh sản với con người. Một số motif thì cho thấy chó có sức mạnh của vị thần, như ăn cắp mặt trời để đem ánh sáng đến nhân gian, hay khám phá ra lửa.

Các phiên bản khác nhau có thể được tìm thấy trên nhiều vùng văn hóa khác nhau trên thế giới, nhưng nhìn chung D’Huy chắt lọc được ba đặc điểm chung trong truyện dân gian:

- Chó có liên kết đặc biệt với kiếp sau của con người

- Sự liên kết của chó và năng lượng của sao Thiên Lang

- Sự hợp nhất hoặc liên minh giữa chó và con người

Hình vẽ chú chó (bên dưới) đại diện cho chòm sao Đại Khuyển và ngôi sao Thiên Lang (Sirius). Bức tranh màu nước có từ thế kỷ 13 này được vẽ bởi nhà vũ trụ học người Ba Tư Zakaria ibn Muhammad Al Qazwini.

Tín ngưỡng liên quan đến chó có ở nhiều dân tộc, đặc biệt là một số dân tộc vùng Đông Nam Á. Trong văn hóa Việt, chó thường được gắn với sự trung thành, bảo vệ - có thể thấy qua phong tục thờ chó đá.

Theo nhà dân tộc học Từ Chi, trong tín ngưỡng của nhiều dân tộc Việt Nam, chó là biểu tượng của thế giới bên dưới, ban đêm và bóng tối. Trong đám tang của nhóm người Mường huyện Tân Lạc, trên quan tài còn được bày một con chó luộc.

Lý giải về sự liên kết của chó với kiếp sau, nhiều tài liệu cổ kể rằng chó là người dẫn đường sang thế giới bên kia, như thần thoại Địa Trung Hải và Cận Đông coi chó như kẻ canh giữ thế giới âm phủ.

Điều này dẫn đến một kết luận rằng tổ tiên của chúng ta thuần hóa chó không chỉ bởi vì muốn có một người đồng hành, mà còn để phục vụ mục đích tâm linh. Giả thuyết này phù hợp với một số phát hiện khảo cổ, ví dụ bên trong một ngôi mộ 14.000 năm tuổi ở Đức có một cặp vợ chồng và hai con chó. Trong đó, người phụ nữ đặt tay lên đầu của một chú chó.

Theo thông tin D’Huy viết trên tạp chí Anthropozoologica, truyện dân gian về chó bắt nguồn từ Trung Á và Đông Á rồi sang châu Âu, châu Mỹ và sau đó mới là châu Úc, châu Phi. Trùng hợp là, con đường thần thoại “du nhập” vào các châu lục cũng khớp với hành trình thuần hóa chó của con người, theo nhiều bằng chứng hóa thạch, nghiên cứu di truyền.

Những khám phá này mở ra một góc nhìn mới, không chỉ giữa chó và loài người mà còn có thể là các động vật khác. Chẳng hạn, D’Huy có thể chỉ ra sự liên kết của con người và việc thuần hóa cừu, thông qua mối liên hệ thần thoại của cừu với mặt trời. Ông đào sâu rất nhiều về các biểu tượng và tính đại diện của các loài động vật trong nhận thức tâm linh của con người.

Pat Shipman, nhà nghiên cứu nhân học cổ đại, đồng thời là tác giả của cuốn sách Our Oldest Companions: The Story of the First Dogs cũng khẳng định chó được thuần hóa lần đầu ở châu Á. Và thần thoại là một phương tiện hiệu quả để nhìn về quá khứ, ta có thể hiểu được tâm lý của con người cũng như tầm quan trọng của loài chó trong văn hóa cổ đại.


Nguồn: Sciencenews, Psychologytoday

Chia sẻ Facebook