Truyền kỳ về vị nữ thần y của nghĩa quân Lam Sơn

Chia sẻ Facebook
14/02/2023 06:52:01

Đứng trước tình thế khó khăn, phụ thân sai Diệu Thanh tìm phương thuốc cứu chữa. Nhờ thông thạo nhiều cây thuốc, Diệu Thanh đã giúp hàng nghìn binh sĩ khỏi bệnh, nhờ đó quân Lam Sơn đại thắng, đánh hạ được thành Tam Giang. Nhận được tin vui, Lê Lợi liền phong cho Đào Diệu Thanh là “Thần y thân vệ tướng quân”.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Vào cuối thời nhà Trần, ở xã Mai Xá, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có hai vợ chồng làm nghề thuốc từ Thanh Hóa chuyển đến. Họ sinh được người con gái, đặt tên là Đào Diệu Thanh. Từ nhỏ Diệu Thanh đã say mê tìm hiểu các cây thuốc.

Khi Diệu Thanh lớn lên cũng là lúc quân Minh tiến đánh nhà Hồ. Cuộc chiến giữ nước của nhà Hồ thất bại do không được lòng dân. Ngay sau khi quân Minh đánh bại nhà Hồ và đô hộ nước ta, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.


Ở Thanh Hóa, dựa trên chức quan của nhà Minh, Lê Lợi dần dần tạo được cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Xem bài: Một vài điều ít người biết về Lê Lợi bị lược đi trong Toàn thư ). Sau đó, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, đạt được khá nhiều trận thắng. Khi quân Lam Sơn tiến ra bắc, nhiều cuộc khởi nghĩa khác cũng gia nhập vào.

Năm 1426, cha con của Đào Diệu Thanh gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, được biên chế vào đội quân của Đinh Lễ.

Năm 1427, quân Lam Sơn vây đánh quân Minh ở thành Tam Giang (nay thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhưng do không quen thổ nhưỡng, nghĩa quân có hàng nghìn người bị bệnh sốt rét, chết đến 300 người.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Quân Minh thất bại bèn đóng chặt các thành cố thủ đợi viện binh. Cuối năm 1427, nhà Minh cử Liễu Thăng và Mộc Thạnh cùng 15 vạn binh tiến đánh quân Lam Sơn. Đến tháng Chạp năm 1427 thì 15 vạn viện binh bị tiêu diệt, chủ tướng Liễu Thăng bị tử trận, đám tàn quân chạy trở về nước.


Cùng đường quân Minh phải mở cửa thành xin hàng, chấp nhận “hội thề Đông Quan” rồi rút hết quân về nước. Nguyễn Trãi viế t “Bình Ngô đại cáo” bố cáo cho toàn dân về thắng lợi của nghĩa quân.

Đất nước thanh bình, Lê Lợi phong thưởng cho các tướng sĩ. Tuy nhiên Đào Diệu Thanh từ chối phong thưởng mà xin được về quê chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già.


Đào Diệu Thanh có một trước tác y dược nổi tiếng là “Điền gia tứ yếu ” gồm 4 thiên là Dũng yếu, Trí yếu, Lương yếu, Dược yếu. Tuy nhiên đến nay cuốn sách này đã bị thất truyền, chỉ còn thiên “Dược yếu” được dân gian sưu tầm lại viết thành cuốn “Đào thị dụng dược yếu phương” .


Đào Diệu Thanh qua đời năm 76 tuổi. Triều đình vẫn nhớ các công trạng của bà, phong là “Thần dược Thánh mẫu” và cho lập đền thờ bà. Đến nay tên bà được đặt cho một số con phố.

Sau này đến thế kỷ 16 vào thời Hậu Lê, có tiến sĩ Vũ Hoán làm thơ ca ngợi bà như sau:


Cố vấn do lai nhất nữ nhân,
Như hà tiên đế hiệu Đào thần.
Phù Lưu cố quán tồn gia chỉ,
Mai Xá tân hương hữu miếu dân.
Ngô tặc mỗi văn tâm dục phá,
Nam phi chí khử khí như trần.
Hiếu trung nhất niệm quân thân thượng,
Vi thướng vi y thánh mẫu chân.

Bản dịch của Dương Văn Vượng:


Hỏi người sở tại, nữ nhân kia,
Để gọi Đào thần bởi cớ chi?
Cựu quán Phù Lưu còn đất ở,
Tân hương Mai Xá có dân thờ.
Giặc Ngô nghe thấy lòng run rẩy,
Bọn xấu phương Nam dạ nát nhừ.
Trung hiếu một niềm ngôi Thánh mẫu,
Tướng làm thầy thuốc mới uy nghi.


Trần Hưng


Xem thêm:


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook