Truy thu hơn 4.900 tỷ đồng tiền thuế khi nhập khẩu ô tô biếu tặng
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế chênh lệch tăng thêm sau khi cơ quan hải quan xác định trị giá, ấn định so với số tiền thuế người khai hải quan tự kê khai là 4.927 tỷ đồng và được thu đủ trước khi thông quan hàng hóa.
Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về việc quản lý thuế đối với xe ô tô nhập khẩu theo hình thức quà biếu, tặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan phải thường xuyên rà soát kết quả xác định giá tính thuế xe ô tô nhập khẩu theo loại hình quà biếu tặng để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế xe biếu tặng; đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế nội địa để thu thuế thu nhập.
Theo phản ánh của cử tri Hà Nội, cuối tháng 5/2022, đường dây và chiêu thức lách luật, trục lợi tinh vi của đường dây nhập khẩu siêu xe qua hình thức quà biếu, tặng do nhiều đối tượng thực hiện, bị bóc trần. Với hình thức nhập khẩu này, các doanh nghiệp có thể kê khai thuế thấp hơn nhiều lần so với trị giá thật của chiếc xe, từ đó trục lợi từ chênh lệch thuế, con số thất thoát thuế có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, cử tri Hà Nội đã đề nghị Bộ Tài chính nêu rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có trong vụ việc nhập khẩu xe sang "đội lốt" quà biếu tặng.
Trả lời về quản lý thuế đối với xe ô tô nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng, Bộ Tài chính cho biết, tại Khoản 3 Điều 86 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Khoản 2 Điều 20 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên.
Cùng với đó, căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019, thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung tự kê khai và tự xác định trị giá hải quan.
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019, cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan trong trường hợp có căn cứ xác định trị giá hải quan do người khai hải quan tự kê khai, tự xác định không phù hợp...
Theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định của pháp luật, đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại như hàng quà biếu, tặng, người khai hải quan có trách nhiệm phải tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan.
Cùng với đó, xe biếu tặng không được miễn giảm thuế mà phải nộp thuế như xe nhập khẩu thương mại khi làm thủ tục hải quan.
Bộ Tài chính khẳng định, trên cơ sở khai báo của người khai hải quan, cơ quan hải quan đã tiến hành kiểm tra, xác định lại trị giá tính thuế theo quy định và ấn định số thuế còn thiếu đối với xe ô tô nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng, người khai hải quan phải nộp đủ số tiền thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa.
Tuy nhiên, do đặc thù của loại hình này là hàng hóa không có chứng từ mua bán như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại nên Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá kê khai của người khai hải quan không phù hợp thì cơ quan hải quan có quyền xác định trị giá hải quan theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan trước khi thông quan, giải phóng hàng hóa.
Do đó, để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế xe biếu tặng, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phải thường xuyên rà soát kết quả xác định giá tính thuế xe ô tô nhập khẩu theo loại hình quà biếu tặng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế nội địa để thu thuế thu nhập.