Truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng bảo kê chăn dắt người ăn xin để trục lợi

Chia sẻ Facebook
19/08/2023 15:05:17

Hà Nội sẽ tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội, đồng thời sẽ chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với các đối tượng bảo kê, chăn dắt người ăn xin để trục lợi.

Thời gian qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan hướng dẫn, giải quyết công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP đạt được kết quả với nhiều nội dung mới.

Bà Dương Tuyết Nhung -Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc phân định rõ người 'có hành vi' xin ăn, xin tiền với người lang thang, xin tiền nói chung nhằm tạo thuận lợi cho công tác tập trung các đối tượng cần được bảo trợ xã hội, bảo đảm bất cứ ai có hành vi xin ăn, xin tiền là đủ điều kiện tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng bảo kê chăn dắt người ăn xin để trục lợi. Ảnh: VOV

Người có hành vi xin ăn, xin tiền được lập hồ sơ quản lý, Sở Lao động Thương binh và Xã hội ra quyết định tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng trong thời gian tối đa 3 tháng. Tuy nhiên, trường hợp quá 3 tháng chưa xác định được nơi cư trú của đối tượng hoặc vì lý do bất khả kháng chưa đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng thì Giám đốc cơ sở trợ giúp xã hội đề xuất Sở Lao động Thương binh và Xã hội quyết định giải pháp nuôi dưỡng phù hợp.

Đáng chú ý, người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình; người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc thời tiết rét đậm dưới 10oC được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội của TP để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được nơi cư trú. Người tâm thần lang thang được đưa đến các bệnh viện tâm thần. Còn người lang thang ốm yếu, sức khỏe suy kiệt được đưa đến các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để điều trị ổn định.

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, hiện công tác tập trung người lang thang xin tiền trên địa bàn TP Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, do có đến 80% người lang thang xin tiền thuộc diện bị các đối tượng bảo kê, chăn dắt. Các đối tượng này sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, lợi dụng đối tượng người già, trẻ em, người khuyết tật để thu lợi cho bản thân.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành nhằm tập trung, tiếp nhận người có hành vi xin ăn, xin tiền của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải cho biết: Từ tháng 1 đến hết tháng 7/2023, Đội đã tập trung 281 đối tượng người lang thang, trung bình đạt 40,14 lượt đối tượng/tháng. Nhưng trong đó, có tới 216 lượt người do Đội trực tiếp tập trung (chiếm 76,86%). Còn lại, số đối tượng Đội tiếp nhận từ xã, phường, thị trấn chỉ là  65 lượt người (chiếm 23,14%).

Điều này phần nào cho thấy mặc dù công tác giải quyết người lang thang đã đạt được những kết quả tích cực, song, trong công tác phối hợp giải quyết người lang thang xin tiền vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là sự vào cuộc của xã, phường, thị trấn trong công tác giải quyết người lang thang xin tiền chưa cao, chưa thường xuyên.

Đặc biệt, hiện nay, tình trạng bảo kê, chăn dắt người ăn xin càng ngày càng gia tăng, chuyên nghiệp, bài bản... Trong khi đó, viên chức, người lao động của Đội Trật tự xã hội lưu động chưa thường xuyên được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực tập trung người lang thang.

Mới đây, tại hội nghị về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã đề nghị lực lượng công an cùng các lực lượng chức năng tại các quận, huyện sát cánh cùng các đội trật tự xã hội lưu động của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội theo dõi, truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng bảo kê.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, đại diện các sở, ngành TP Hà Nội cũng đã đề xuất một số giải pháp, như ban quản lý các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cần làm tốt công tác phát hiện người có hành vi xin tiền tại cơ sở, báo cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, Công an TP quan tâm phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn kỹ năng tập trung người lang thang cho viên chức, người lao động trong các cơ sở trợ giúp xã hội và cán bộ các xã, phường thị trấn thực hiện công tác tập trung người lang thang xin tiền.

>> Xem thêm:

Chia sẻ Facebook